Nước hồ Kẻ Gỗ giảm, chưa tính đến phương án phá tràn sự cố
Ngay trong đêm 19.10, ông Trần Duy Chiến – Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã ký ban hành công văn thông báo về việc điều tiết xả lũ hồ Kẻ Gỗ
Tại thời điểm 18h ngày 19.10, mực nước hồ Kẻ Gỗ ở cao trình +33,61m, lưu lượng về hồ 660 m3/s, lưu lượng xả tràn 840 m3/s, mực nước hồ đang giảm (lưu lượng xả tràn thời điểm cao nhất là 1.050 m3/s).
Do mực nước, lưu lượng nước đến hồ đang giảm, vì vậy đoàn kiểm tra thống nhất chỉ đạo chỉ điều tiết xả lũ qua tràn chính (tràn Dốc Miếu) để đảm bảo an toàn hồ chứa mà chưa xem xét đến phương án điều tiết lũ qua tràn sự cố.
UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Cty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, vận hành điều tiết hồ Kẻ Gỗ phù hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và hạn chế ngập lụt vùng hạ du.
Trước đó, chiều 19.10, do tình hình nước hồ dâng cao gây mất an toàn cho đập hồ chứa, cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã tính đến phương án phá vỡ chủ động tràn sự cố hồ chứa.
Cũng trong chiều 19.10, tại cuộc họp thường trực Chính phủ về tình hình và xử lý hỗ trợ, khắc phục mưa lũ tại miền Trung, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho hay: “Nguy hiểm nhất là hồ Kẻ Gỗ, hiện đã đầy nước, nguy cơ xả thẳng xuống TP.Hà Tĩnh”, ông Cường nói, đồng thời nhấn mạnh rằng “nếu một hồ thủy điện, thủy lợi nào bị vỡ là gây ra thảm hoạ”.
Theo ông Cường, Bộ NNPTNT đã cử các chuyên gia thủy lợi vào các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế hỗ trợ công tác điều hành hồ chứa. “Không để xảy ra rủi ro với hệ thống hồ. Việc vận hành các hồ phải tuân thủ nghiêm quy trình vận hành” – ông Cường nói.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng cảnh báo, thời gian qua có một số trường hợp đánh bắt cá, đi lại qua ngầm, tràn khi có lũ dẫn đến chết người đáng tiếc. Hiện nay diễn biến thời tiết đang phức tạp, mực nước lũ đang cao; yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền và cử người túc trực, hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu như: Ngầm qua suối, đường bị ngập, dò ngàng, đò dọc…. Nghiêm cấm vớt củi, đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân; tránh lơ là, chủ quan trong mưa, lũ để xảy ra những tai nạn chết người do bất cẩn.
Địa phương nào để xảy ra các trường hợp thiệt hại về người do bất cẩn thì Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, hiện điện lực Hà Tĩnh đang nỗ lực khắc phục để cung cấp điện. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn trong lũ là rất quan trọng. Ông Bùi Quang Nhiệm – Trưởng phòng An toàn, Công ty Điện lực Hà Tĩnh khuyến cáo khách hàng nên ngắt nguồn điện nếu khu vực trong nhà bị ngập hoặc bị mưa, gió tạt làm ướt sàn; nên bố trí chỗ lắp đặt đường dây dẫn điện, ổ cắm điện, thiết bị sử dụng điện trong nhà cao hơn mức nước thường ngập lụt, ẩm ướt; lắp thiết bị đóng cắt có tính năng chống rò điện phù hợp”.
Cũng theo ông Nhiệm, người dân nên tránh xa, cảnh báo cho mọi người xung quanh biết, lập rào chắn khi phát hiện cột điện bị ngã đổ, dây điện đứt rơi xuống đường, ruộng, ao hồ… và thông báo ngay cho ngành điện qua hotline 19006769 để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.