新闻和攻略News and introduction

“Điểm mặt” những dự án mà IPC làm thất thoát tài sản Nhà nước hàng trăm tỷ đồng – Sukien24h.vn

“Điểm mặt” những dự án mà IPC làm thất thoát tài sản Nhà nước hàng trăm tỷ đồng

Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) có vốn điều lệ 2.900 tỷ đồng, được xem là một trong những doanh nghiệp sở hữu vốn Nhà nước có tiềm lực mạnh, được giao nhiều đất đai, nhiều dự án đầu tư quy mô… “Nắm” quá nhiều quyền và tiền trong tay, ông Dũng không phát triển mà lại làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng.

Điển hình là công ty này cùng góp vốn gần 500 tỷ đồng vào công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO – công ty liên kết với IPC) để thực hiện dự án xây dựng khu định cư An Phú Tây (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

IPC cùng góp vốn gần 500 tỷ đồng vào SADECO để thực hiện dự án xây dựng khu định cư An Phú Tây

Cụ thể tại dự án này, ông Dũng đã tự ý ký 4 hợp đồng (trong năm 2016) và ông Trần Đăng Linh, Phó Tổng giám đốc ký 2 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với tổng diện tích chuyển nhượng gần 25.000m2, có đơn giá từ 7 đến gần 9 triệu đồng/m2. Thực tế tổng số tiền thu được chỉ gần 190 tỷ đồng, mà không thông qua đấu giá theo quy định.

Bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc SADECO.

Liên quan đến công ty SADECO, ngày 15/5, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ban hành quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc về hành vi tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Trong khi đó, tại dự án đầu tư xây dựng khu dân cư Hiệp Phước 1 (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) do IPC làm chủ đầu tư, với số vốn hơn 4.200 tỷ đồng cũng có nhiều sai phạm.

Khu dân cư Hiệp Phước 1.

Theo đó, mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng khu nhà tái định cư, phục vụ tái định cư cho các hộ dân phải giải tỏa di dời để đầu tư xây dựng khu công nghiệp Hiệp Phước và các dự án khác của IPC; đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (khu nhà lưu trú công nhân). Thế nhưng công ty lại bàn giao… đất nền.

Một dự án đình đám khác là khu dân cư Long Hậu (tỉnh Long An) có quy mô 20ha, IPC lại thỏa thuận hợp tác với công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng giao thông Hồng Lĩnh (trụ sở tại huyện Bình Chánh) làm trái quy định pháp luật.

Quy hoạch khu dân cư Long Hậu có quy mô 20ha.

Bởi, theo nội dung hợp tác thì công ty Hồng Lĩnh sẽ hoàn trả cho IPC toàn bộ chi phí bồi thường, chi phí ban đầu mà IPC đã đầu tư theo giá trị sổ sách. Đổi lại, công ty Hồng Lĩnh sẽ thực hiện đầu tư xây dựng dự án, được quyền quản lý và chuyển nhượng các sản phẩm của dự án.

Điều trớ trêu là IPC được mua nền phục vụ tái định cư, phần diện tích còn lại công ty Hồng Lĩnh được toàn quyền kinh doanh. Thực chất, thì cái “bắt tay” hợp tác này là chuyển nhượng dự án trái quy định pháp luật.

Rồi dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TP.HCM) có tổng mức đầu tư gần 4.000 tỉ đồng, trong đó, giai đoạn 1 dự kiến được thực hiện và hoàn thành trong hai năm 2017 – 2018, nhằm giảm ùn tắc giao thông cho khu vực này. Tuy nhiên, dự án mới chỉ dừng ở giai đoạn đấu thầu, chọn đơn vị tư vấn.

Phối cảnh nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ.

Tháng 3/2019, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề xuất của sở Giao thông vận tải TP, chuyển chủ đầu tư 2 dự án xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ và xây dựng hoàn thiện nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ và cầu Rạch Đỉa (giai đoạn 3) từ IPC sang ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.

Đồng thời, chấp thuận chủ trương chuyển chủ đầu tư dự án bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng hoàn thiện nút giao thông Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ và cầu Rạch Đỉa từ IPC sang Ban Đền bù giải phóng mặt bằng quận 7 (thuộc UBND quận 7).

IPC hiện đang do một Phó Tổng giám đốc điều hành.

Ngày 14/5, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ban hành quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Tề Trí Dũng để điều tra về hành vi tham ô tài sản và vi phạm các quy định quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cùng ngày, cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đã thực hiện lệnh khám xét nhà ở của ông Dũng tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) và thu giữ nhiều tài liệu có liên quan.

Ngoài việc bắt tạm giam ông Dũng, bà Phúc, hiện cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đang mở rộng điều tra đối với một số cá nhân, đơn vị chị có liên quan. Đặc biệt, là “phi vụ” bán 9 triệu cổ phiếu cho công ty Nguyễn Kim, SADECO, công ty Hiệp Phước. Hành vi sai phạm này được cho là đã gây thất thoát cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

IPC dưới thời ông Dũng đã thất thoát tài sản nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Ông Tề Trí Dũng sinh năm 1981 (nguyên quán TP.HCM) là Tổng Giám đốc IPC từ ngày 4/5/2015, khi mới 34 tuổi và được IPC cử làm đại diện vốn Nhà nước tại 4 công ty. Ngoài chức danh trên, ông Dũng còn nắm giữ chức Chủ tịch HĐTV SADECO trong 2 năm (2016 – 2017) và Chủ tịch HĐTV 3 công ty và Phó Chủ tịch HĐTV 1 công ty liên doanh, liên kết.

Ông Dũng cũng là đại biểu HĐND TP.HCM.

Theo : nguoiduatin.vn

Back to top button