Giả thuyết mới bất ngờ về tín hiệu khả nghi mà MH370 gửi về vệ tinh và sự biến mất bí ẩn
Cần phải xác minh kỹ lưỡng các tín hiệu mà máy bay mất tích bí ẩn MH370 gửi về vệ tinh 3F1. Chuyên gia này nhắc đến khả năng dữ liệu bị can thiệp, làm giả hoặc làm sai lệch.
Theo Express, trong cuốn sách “Máy bay không ở đó”, tác giả Jeff Wise tuyên bố rằng cần phải xác minh kỹ lưỡng các tín hiệu mà máy bay mất tích bí ẩn MH370 gửi về vệ tinh 3F1.
Chuyên gia này nhắc đến khả năng dữ liệu bị can thiệp, làm giả hoặc làm sai lệch. “Có 2 vấn đề mà tôi muốn làm rõ. Đó là liệu dữ liệu mà phía Malaysia công bố có trùng hợp với dữ liệu thu thập được từ MH370, thông qua vệ tinh 3F1 hay không”, ông Wise nói.
“Cá nhân tôi cho rằng là có. Malaysia không có lý do gì để làm giả các dữ liệu thật. Trong quá trình làm việc với Cục An toàn Hàng không Úc (ATSB), tôi có thể khẳng định điều này”, ông Wise nói.
Về vấn đề thứ 2, theo ông Wise đó là khả năng dữ liệu bị sửa đổi trước khi vệ tinh thu thập được. Theo ông Wise, dữ liệu được tạo nên từ các hệ thống liên lạc bình thường.
Chuyên gia này không loại trừ khả năng có bàn tay con người can thiệp, bởi chưa có “cách tự nhiên” nào có thể làm thay đổi dữ liệu.
Ông Wise nói: “Liệu có người can thiệp vào thiết bị điện tử để tín hiệu gửi đi sai lệch, thậm chí là gửi tín hiệu giả”.
Máy bay MH370 mất tích hôm 8/3/2014 khi đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh và chở theo 239 người trên khoang. Không chỉ không biết máy bay hiện ở đâu, mà cũng không rõ thực sự điều gì đã gây ra thảm họa này.
Cho đến nay người ta đặt ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân khiến máy bay mất tích như máy bay bị không tặc, lỗi kỹ thuật, khủng bố và thậm chí là phi công cố tình gây nên vụ tự sát tập thể.
Tuy nhiên, ông Wise cho rằng giả thuyết máy bay gặp trục trặc về hệ thống điện là không thuyết phục bởi lẽ sau khi hệ thống bị tắt thì sau đó lại xuất hiện trở lại.
Hơn nữa, liên lạc giữa MH370 và vệ tinh 3F1 cũng cho thấy máy bay đã bay vòng và bay theo hướng khác ít nhất một lần.
Ông Wise cũng phủ nhận giả thuyết cơ trưởng tự sát. “Nếu phi công muốn tự sát bằng cách bay đến khu vực đại dương xa xôi tại sao anh ấy không đơn giản bay qua Biển Đông và vượt qua bên kia Đại Tây Dương?”, ông Wise nhận định.
Hơn nữa cũng chẳng có bằng chứng cho thấy cơ trưởng Zaharie Ahmad Shad tự vẫn vì cho đến nay các nhà điều tra cũng không tìm thấy dấu hiệu nào khả nghi cho giả thuyết này.
Giả thuyết máy bay bị không tặc cũng không thuyết phục bởi cho đến nay chẳng tổ chức hay nhóm khủng bố nào nhận trách nhiệm về việc này. “Nếu máy bay bị khủng bố không tặc, tại sao khủng bố lại muốn tự sát và mọi người trên khoang trong bí mật như vậy chứ?”, ông Wise cho hay.
Một người được cho là nhân chứng vụ việc có tên Raja Dalelah Raja Latife (53 tuổi) trả lời phỏng vấn tờ báo The Star của Malaysia rằng bà trông thấy một phần chiếc máy bay MH370 nổi lên mặt nước ngoài khơi các hòn đảo Andaman (Ấn Độ Dương) vào ngày chiếc máy bay biến mất.
Khi đó, bà Latife đang trên một chuyến bay từ Jeddah (Arab Saudi) tới Kuala Lumpur thì nhìn thấy cảnh tượng trên. Các hòn đảo Andaman nằm tại Vịnh Bengal, gần Myanmar và Malaysia.
Bà Latife cho biết bà nhìn thấy vật thể lạ giống như một chiếc máy bay trong làn nước biển. “Trong suốt hành trình, tôi luôn nhìn ra ngoài cửa sổ vì không thể ngủ được. Rồi tôi nhìn thấy một vật thể màu bạc. Tôi nhìn kỹ hơn và rất bất ngờ khi nhận ra nó trông giống phần đuôi và cánh của một chiếc máy bay”, bà Latife nói.
Thiết bị theo dõi đặt trước ghế ngồi của bà Latife cho thấy chuyến bay của bà bay qua Ấn Độ Dương.
Xem thêm >> “Người gọi bí ẩn” cho phi công MH370 trước khi máy bay mất tích bất ngờ lộ diện
Theo : nguoiduatin.vn