新闻和攻略News and introduction

Tuyển sinh 2023: Không để tình trạng “ma trận” phương thức xét tuyển – Sukien24h.vn

Tuyển sinh 2023: Không để tình trạng “ma trận” phương thức xét tuyển

Kỳ tuyển sinh năm 2023, Bộ GD&ĐT dự kiến xét tuyển đại học một đợt với mọi phương thức, nhằm rút ngắn thời gian tuyển sinh.

Tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh trong quá trình xét tuyển.

Trước kỳ tuyển sinh 2023, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), mà tất cả phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT-tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Để đảm bảo an toàn, minh bạch trong quá trình tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học hoàn thiện đề án tuyển sinh năm 2023, lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.

Năm nay, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý về định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tuyển sinh không nên xét tuyển sớm

Năm nay xu hướng phân cực khá rõ rệt, các trường mạnh ngày càng mở rộng quy mô và thu hút thí sinh tốt hơn, ngược lại các trường đang tuyển kém thì càng kém đi. Cụ thể, số liệu tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 tăng khoảng 5% so với năm 2021; số thí sinh tốt nghiệp THPT tương đương như năm trước, cộng thêm một tỉ lệ không nhỏ chọn đi du học làm gia tăng sức ép cho các cơ sở đào tạo phải cạnh tranh tuyển đạt chỉ tiêu. Một số ngành đang tuyển tốt trong các năm trước được các cơ sở đào tạo gia tăng mạnh chỉ tiêu, nhất là một số trường đại học tư thục, để giành thị phần. Tuy nhiên, một số cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu quá lớn so với khả năng thu hút cơ sở đào tạo, dẫn tới kết quả tuyển sinh không như kỳ vọng. Nguyên nhân của việc khó tuyển sinh cũng được Bộ GD&ĐT chỉ ra là do bối cảnh kinh tế – xã hội thay đổi, nhất là của thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành của thí sinh có dịch chuyển mạnh trong những năm gần đây.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, bộ tiếp tục nâng cấp, bổ sung chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn. Do đó, các trường hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau, một mặt đảm bảo hiệu quả và quan trọng nhất tuyển sinh phải đảm bảo tin cậy, công bằng giữa các thí sinh.

Cũng theo bà Thủy, Bộ GD&ĐT rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh, trong đó có thể xem xét không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022 (trừ các trường đặc thù), tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Bà cho biết, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc năm 2022 đạt xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu, trong đó 113 cơ sở đào tạo (50,4%) đã tuyển được trên 80% chỉ tiêu.

Tuyển sinh 2023: Không để tình trạng

Thí sinh làm thủ tục nhập học ở Tp.HCM. Ảnh: Báo Người Lao Động.

Sẽ cố gắng đơn giản hóa cho thí sinh

Tại cuộc họp giao ban về công tác tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm theo hình thức trực tuyến vừa được tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã lưu ý các trường đại học xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng phương thức nào ít tác dụng nên tinh giảm.

Trong báo cáo của Bộ GD&ĐT cho hay, kỳ thi xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022 có 5 phương thức xét tuyển số lượng thí sinh nhập học cao nhất gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng theo đề án của trường, xét theo bài thi đánh giá năng lực và phương thức khác. Cùng với đó, cũng có 5 phương thức xét tuyển với số lượng thí sinh nhập học thấp nhất gồm: Xét tuyển qua phỏng vấn, xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, thi văn hóa ở các trường.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, tổng hợp cho thấy năm 2022 có tới 20 phương thức tuyển sinh do các trường đề xuất lên, Bộ thấy cần phải xem xét vì có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. Khi nhìn phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể. Do đó, các trường hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn các phương thức khác nhau, để đảm bảo hiệu quả công bằng giữa các thí sinh trong quá trình tuyển sinh. Ông Sơn nhấn mạnh, các trường phải rà soát lại, phân tích kết quả tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên để có điều chỉnh trong năm 2023. Cố gắng làm thế nào để đơn giản hóa cho thí sinh, để đến năm 2023 trên phần mềm thí sinh không cần phải lựa chọn phương thức nữa, chỉ cần chọn ngành, chương trình đào tạo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, căn cứ kết quả tuyển sinh năm nay, các trường cần rà soát, đánh giá lại hiệu quả phương thức tuyển sinh. Trên cơ sở đó, triển khai trong năm tới đạt hiệu quả hơn. Bộ sẽ làm việc với một số trường có dấu hiệu không bình thường về tuyển sinh.

Về những khó khăn, vướng mắc mà các cơ sở đào tạo có đề cập, Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ sẽ tiếp thu và từng bước hoàn thiện. Từ đó, tháo gỡ khó khăn cho các trường với những giải pháp khả thi.

Ông Sơn lưu ý các trường đại học xem xét giảm phương thức tuyển sinh không hiệu quả. Đồng thời đề nghị các trường rà soát lại, phân tích kết quả tuyển sinh và kết quả học tập của sinh viên để có điều chỉnh trong năm 2023. “Cố gắng làm thế nào để đơn giản hóa cho thí sinh. Năm 2023 trên phần mềm, thí sinh không cần phải lựa chọn phương thức”, ông Sơn nói. Theo ông, thí sinh chỉ chọn ngành, chương trình đào tạo, hệ thống chung và hệ thống của các trường phải có cách lọc để thí sinh căn cứ đăng ký vào ngành sẽ tự động xét phương thức nào có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Trúc Chi (theo Tiền Phong, Thanh Niên, Người Lao Động)

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tuyen-sinh-2023-khong-de-tinh-trang-ma-tran-phuong-thuc-xet-tuyen-a583904.html

Back to top button