Vụ chặt phá cây của doanh nghiệp để xin cấp đất ở Đắk Lắk: Khởi tố năm vụ án
Cơ quan công an vừa phục hồi điều tra, và khởi tố năm vụ án phá hoại tài sản tại công ty Agri Lắk. Hiện, vụ việc đang tiếp tục được điều tra, xử lý.
Liên quan đến vụ người dân chặt phá cây trồng của công ty Agri Lắk, gây sức ép với chính quyền xin cấp đất, ngày 18/4, Thượng tá Lê Viết Kỳ, Phó trưởng Công an huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, cơ quan công an vừa khôi phục điều tra, khởi tố 5 vụ án phá hoại tài sản.
Theo Thượng tá Kỳ, qua điều tra cơ quan công an xác định có tổng cộng 23 đối tượng đã tham gia phá hoại 685 cây cao su trên diện tích 3,1 ha của công ty Agri Lắk, tổng thiệt hại 123 triệu đồng.
Trước đó, trong 3 ngày 13, 16 và 17/4, hàng chục hộ dân buôn Dlie mang theo dao rựa kéo ra khu vực công ty Agri Lắk đang dọn dẹp để trồng rừng ngăn cản.
Theo anh Y Ba B’Krông, gia đình anh sống tại khu vực hàng chục năm nay. Mới đây, chính quyền địa phương đã hứa cấp đất sản xuất cho người dân trên diện tích công ty bàn giao nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được. “Người dân trong buôn thiếu đất sản xuất, nghèo đói nên kéo ra để yêu cầu cơ quan chức năng sớm cấp đất cho chúng tôi sinh sống. Chúng tôi biết việc làm của mình là sai nhưng không còn cách nào khác”, anh Y Ba phân trần.
Ông Đỗ Quốc Hương, Bí thư Huyện ủy Lắk cho biết, sáng 17/4, nhiều người dân vẫn tiến hành gom cây rừng đã chặt hạ trước đó đem đốt. Một đối tượng cầm đầu quá khích đã giật lều trại của doanh nghiệp buộc lực lượng công an phải khống chế, đưa về trụ sở làm việc. Đến gần trưa, sau khi được đoàn công tác vận động, giải thích người dân đã ra về. “Chúng tôi đã giải thích cho người dân không được có những hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo công an huyện khẩn trương làm rõ các đối tượng phá hoại tài sản để xử lý nghiêm theo quy định” – ông Hương cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Bùi Trọng Nghĩa, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Lắk cho biết, trước đây có nhiều hộ buôn Dlie cũng được cấp đất nhưng họ đã bán. Sau khi thu hồi 38,3 ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 1408, huyện sẽ rà soát lại xem hộ nào thực sự thiếu đất thì bố trí. “Tình hình người dân tranh chấp, chặt phá cây trồng của doanh nghiệp đã kéo dài nhưng chưa được chính quyền xử lý quyết liệt, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự”, ông Nghĩa cho biết thêm.
Theo báo cáo của công ty Agri Lắk, năm 2012, công ty này đã liên kết với công ty Lâm nghiệp Lắk để trồng rừng. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, hàng chục hộ dân ở buôn Dlie đã ra ngăn cản, đập phá trụ sở làm việc, chặt phá rừng trồng. Đến nay đã có tổng cộng có 57 ha rừng keo và cao su bị người dân chặt phá gây thiệt hại gần 6 tỷ đồng. “Chúng tôi đã đầu tư gần 6 tỷ đồng để trồng rừng, khi chuẩn bị cho khai thác thì người dân bắt đầu đổ xô vào lấn chiếm, hủy hoại cây trồng khiến doanh nghiệp khốn đốn”, ông Lê Bá Phúc Sinh, Giám đốc công ty Agri Lắk cho biết.
Theo: Nguoiduatin.vn