Nhật Cường Mobile bị khám xét và những đối thủ “sừng sỏ” trên thị trường điện thoại di động
Tại Việt Nam, Nhật Cường Mobile được xếp vào nhóm cấp 2, vừa kinh doanh điện thoại di động chính hãng vừa bán máy xách tay. Cùng điểm mặt một số “đối thủ” của Nhật Cường Mobile.
Nhật Cường Mobile là thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, hoạt động từ năm 2001 với tiền thân là cửa hàng sửa chữa điện thoại. Hệ thống có 9 cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội, một trung tâm bảo hành được cho là lớn nhất khu vực phía Bắc và một trung tâm ERP tại TP.HCM.
Tuy nhiên, sáng 9/5, dư luận xôn xao khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) – Bộ Công an đã đồng loạt khám xét nhiều cửa hàng, địa điểm trụ sở của Công ty Nhật Cường Mobile tại Hà Nội và nơi ở của một lãnh đạo công ty này.
Việc Nhật Cường Mobile bỗng bị “sờ gáy” có thể là cơ hội cho nhiều đối thủ cạnh tranh.
2 “ông lớn” Thế Giới Di Động và FPT Shop
Thông tin trên Zing, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường GfK, quy mô thị trường di động tại Việt Nam là khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong số này, Thế Giới Di Động và FPT Shop là 2 ông lớn, nắm giữ khoảng 70% thị phần. Khoảng 30% thị phần còn lại chia cho các hệ thống bán lẻ cỡ lớn khác như Nguyễn Kim, Viễn Thông A (đã về tay VinGroup), chuỗi VinPro+, một số đại lý cỡ trung (trong đó có Nhật Cường) và hàng chục nghìn cửa hàng nhỏ lẻ trên toàn quốc.
Trong khi đó, chỉ cách đây khoảng 5 năm, bức tranh thị trường rất khác so với bây giờ. Các cửa hàng nhỏ lẻ chiếm đến 40% thị phần, Thế Giới Di Động khoảng 30% trong khi các hệ thống còn lại chiếm 30%.
Năm 2018, Thế Giới Di Động công bố cứ 2 smartphone bán ra tại Việt Nam thì có một máy là từ siêu thị của họ.
Còn FPT Shop nắm khoảng 18-20% thị phần. “Ông lớn” này rất thành công với các sản phẩm có giá trị cao như iPhone.
Nhóm hệ thống bán lẻ cỡ trung
Khó để cạnh tranh với 2 “ông lớn” như Thế Giới Di Động và FPT Shop, Nhật Cường Mobile chọn cách kinh doanh cả máy chính hãng và xách tay. Trong đó, iPhone là dòng xách tay chủ đạo.
Ở hệ thống tầm trung, CellPhoneS hay Hoàng Hà Mobile chính là 2 đại lý cạnh tranh với Nhật Cường Mobile. Dù hệ thống có số lượng cửa hàng chỉ khoảng vài đến vài chục, nhỏ hơn rất nhiều so với các ông lớn như Thế Giới Di Động và FPT Shop nhưng lượng máy bán ra của các chuỗi cửa hàng này không hề nhỏ.
Họ cũng có tiếng nói khá lớn trên thị trường bán lẻ di động, chi ngân sách quảng cáo khá khổng lồ qua nhiều kênh và được nhiều người biết đến.
Nhóm hệ thống bán lẻ tầm trung này đã thử nhiều cách để mở rộng kinh doanh, khuếch trương thương hiệu nhưng phần lớn đều thừa nhận không thể vươn đến tầm của những ông lớn trên thị trường. Bởi vậy, nhóm này hiện có xu hướng chấp nhận mô hình hiện tại và tối ưu hóa tập khách hàng vốn có của mình.
Nhận ra thị trường di động đã bão hòa và khó có đà phát triển, nhiều ông chủ các hệ thống này cũng đã lấn sân sang các mảng kinh doanh khác.
Cũng vậy, Nhật Cường Mobile từng được xem là cái tên đình đám trong làng bán lẻ di động ở Hà Nội, nhưng theo một người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, Nhật Cường không còn chú trọng vào bán lẻ điện thoại những năm gần đây mà chuyển sang mảng phần mềm.
Nhóm cửa hàng nhỏ lẻ
Thị trường bán lẻ Việt Nam còn xuất hiện vô số những cửa hàng nhỏ lẻ, kinh doanh theo dạng cá thể hoặc hộ gia đình với 1-2 cửa hàng với số lượng nhân viên dưới 20 người. Nhóm này được xem là phức tạp nhất trên thị trường và gây ra nhiều “phốt” nhất.
Theo thống kê của Thế Giới Di Động, số lượng cửa hàng kinh doanh dạng này trên toàn Việt Nam không dưới 10.000 nhưng đang có xu hướng thu hẹp lại. Nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì áp lực cạnh tranh từ các ông lớn, thị trường bão hòa.
Các cửa hàng này kinh doanh khá đa dạng, từ một số dòng máy chính hãng giá rẻ, iPhone, điện thoại cũ cho đến phụ kiện và cả dịch vụ sửa chữa. Thậm chí, những màn phá giá thị trường, chào giá ảo (chào giá rẻ, khi người dùng đến mua lại bán giá khác), bán máy kém chất lượng chủ yếu đến từ nhóm các cửa hàng này.
Doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng Nhật Cường Mobile là Công ty Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Ngoài Nhật Cường Mobile, công ty này còn có một thành viên khác là Nhật Cường Software và gần đây, Nhật Cường Software mới là mảng kinh doanh chính của Công ty Nhật Cường.
Theo thông tin tự giới thiệu của doanh nghiệp này trên website chính thức, Công ty giải pháp phần mềm Nhật Cường, Nhật Cường Software có tiền thân từ một Trung tâm Công nghệ thông tin của Công ty Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Nhat Cuong Mobile).
Từ khi thành lập đến nay, Nhật Cường Software đã và đang làm việc với các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau và các cơ quan chính phủ.
Nhật Cường đã có những sản phẩm đột phá cho TP.Hà Nội như: Cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm lưu trú trực tuyến, phần mềm hộ chiếu online, đặc biệt là giải pháp Dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp.
Nhật Cường cũng đã được trao tặng rất nhiều giải thưởng, danh hiệu như Huân chương Lao động hạng ba, Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam.
Mộc Miên (Tổng hợp)
Theo: Nguoiduatin.vn