Báo động thực trạng xâm hại trẻ em: Kiến nghị sửa đổi hàng loạt quy định pháp luật
Trước thực trạng trẻ em bị xâm hại tăng về số vụ và giảm độ tuổi bị xâm hại, bên cạnh còn nhiều lúng túng khi xử lý các vụ việc xâm hại. Các luật gia, luật sư đã thảo luận, có ý kiến đóng góp các văn bản quy phạm pháp luật cần bổ sung, sửa đổi xung quanh luật bảo vệ trẻ em.
Chi hội Luật gia trung tâm Tư vấn pháp luật tại TP.HCM (Hội Luật gia Việt Nam) vừa tổ chức buổi tọa đàm “Thực trạng xâm hại trẻ em, các quy định pháp luật cần sửa đổi bổ sung”. Tại đây, các chuyên gia pháp lý đã đưa ra những nhận định chung về thực trạng và giải pháp cho vấn đề “xâm hại trẻ em” trong thời gian qua làm cho dư luận rất bức xúc.
Luật gia Đặng Đình Thịnh cho biết, thực trạng trẻ em bị xâm hại đang rất báo động. Thực tế cho thấy, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến ngày càng nghiêm trọng về tính chất và tăng về số lượng vụ việc. Trên thực tế, số lượng trẻ bị xâm hại tình dục chưa phản ánh đúng sự thật. Không hẳn là do thống kê không chính xác hoặc chưa đầy đủ, lý do còn nằm trong nền văn hoá và nhận thức của toàn xã hội về trách nhiệm đối với con trẻ.
Theo luật gia Nguyễn Văn Liêm, thực trạng việc thực hiện luật Trẻ em, tình hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em những năm qua có tiến bộ. Tuy nhiên, trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em nói riêng và xâm hại trẻ em nói chung vẫn gặp những khó khăn, bất cập. Chưa có quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý tố giác, tin báo và giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em…
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao phòng ngừa tội phạm này. Ngoài ra, TAND Tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn xác định các dấu hiệu của tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Trước việc thiếu quy trình giám định đặc biệt đối với loại án xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em, VKSND Tối cao chủ trì xây dựng quy trình trưng cầu giám định đối với loại án này.
Ví dụ như khoản 2, Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Nghiêm cấm hành vi “quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Tuy nhiên hiện nay, chưa có văn bản nào hướng dẫn: Thế nào là hành vi quấy rối tình dục? Các biểu hiện cụ thể của hành vi là gì?
Hay, Bộ luật Hình sự quy định về tội dâm ô người dưới 16 tuổi nhưng cho đến nay TAND Tối cao chưa ban hành được văn bản hướng dẫn các dấu hiệu của tội dâm ô người dưới 16 tuổi là như thế nào. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng, khi giải quyết vụ án này thường mất nhiều thời gian hơn.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội Luật sư hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã nêu lên một thực trạng đáng báo động hiện nay, đó là số vụ xâm hại trẻ em tăng về số lượng nhưng nạn nhân (trẻ bị dâm ô) lại giảm về độ tuổi, có những trường hợp bé chưa đầy 2 tuổi.
Luật sư Nữ đưa ra kiến nghị điều chỉnh một số điều như: Thời gian để quyết định truy tố vụ việc từ 20 ngày xuống 7 đến 10 ngày. Việc giám định pháp y có thể do người nhà, hoặc bất cứ một tổ chức xã hội nào khác, có quyền đưa nạn nhân đi giám định mà không cần cơ quan điều tra dẫn đi. Kết quả giám định phải được niêm phong và đưa lên cơ quan có thẩm quyền.
Mục đích của việc này là đảm bảo thời gian kịp thời (giám định ngay khi phát hiện vụ việc – PV) để có kết quả chính xác nhất. Việc điều tra bất kỳ một vụ việc xâm hại nào, yêu cầu cán bộ điều tra là nữ giới, có nghiệp vụ chuyên môn về điều tra xâm hại.
Trong khi đó, theo luật gia Lương Duy Cường, TAND các cấp cần chủ động phối hợp với cơ quan điều tra, VKSND cùng cấp ngay từ giai đoạn điều tra để kịp thời nắm bắt diễn biến vụ án để lên kế hoạch xét xử, đảm bảo kịp thời, đúng thời hạn luật định. Trong quá trình giải quyết các vụ án bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em nếu gặp những khó khăn, vướng mắc thì TAND các cấp phải ngay lập tức báo cáo TAND Tối cao để kịp thời tháo gỡ, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại.
Luật gia Phan Minh cũng nêu quan điểm, bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một gia đình hay một cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội nào, mà đó là trách nhiệm chung của các bộ, ngành liên quan, của cả xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò trọng tâm. Các giải pháp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu xâm hại tình dục trẻ em nằm trong tổng thể các hoạt động cần sự phối kết hợp và triển khai đồng bộ.
Cần xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ hoàn chỉnh trên cơ sở tăng cường chính sách và thực hiện các biện pháp trợ giúp xã hội đối với các gia đình và trẻ em gặp nhiều khó khăn tại cộng đồng nhằm hạn chế trẻ có nguy cơ bỏ học, bỏ nhà đi lang thang, dễ trở thành nạn nhân của các hành vi xâm hại trẻ em.
Xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó có các chỉ tiêu, chỉ số giám sát, đánh giá công tác bảo vệ trẻ em; Tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ, tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận dễ dàng các dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đẩy mạnh công tác giám sát thực thi pháp luật tại địa phương, đặc biệt các luật liên quan tới các vấn đề của phụ nữ và trẻ em như luật Phòng, chống bạo lực gia đình, luật Trẻ em, để các vụ việc bạo lực được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh.
Theo : nguoiduatin.vn