Bảo vệ con khỏi nội dung độc hại trên Internet
Mấy ngày trước khi đang nấu cơm trong bếp, tôi nghe tiếng cậu con trai lớp 3 của tôi hét lớn. Khi chạy ra thấy cháu đang khóc giàn giụa, chiếc ipad bị ném vỡ.
Trẻ bị ảnh hưởng bởi những nội dung tiêu cực trên youtube
Chị Nguyễn Thị Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết con chị hoảng sợ trong suốt 1 tuần liền khi xem một đoạn video trên youtube. Đoạn video được một người bạn cùng lớp gửi cho con chị. Trong video chiếu một một người phụ nữ có mái tóc dài, đeo mặt nạ quái vật có hình dáng giống con gà với hai mắt to ám ảnh. Âm thanh của đoạn clip kỳ quái được vietsub (dịch sang tiếng Việt) với nội dung hướng dẫn trẻ tự hành hạ và làm đau mình.
Sau khi tìm hiểu trên mạng chị Hoa mới biết video này là một phần có trong trào lưu “thử thách MoMo”.
Trào lưu xấu này có nguồn gốc từ nước Anh với các cáo buộc gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nhỏ, khuyến khích trẻ tự tử hoặc thực hiện những thử thách quái gở như tự rạch tay hoặc dùng mũi để hít một bao cao su thông qua khoang mũi rồi rút nó ra từ miệng.
Ngay sau khi con trai hoảng sợ vì xem MoMo chị Hoa đã lập tức thu máy tính bảng và điện thoại của con: “Do công việc bận rộn tôi cũng ít khi có thời gian để ý xem cháu xem những video gì trên youtube. Trước đây có thấy cháu suốt ngày ôm ipad tôi cũng có hỏi cháu thì cháu bảo chỉ xem phim hoạt hình và nghe nhạc. Điều tôi và gia đình không thể ngờ lại có nhiều nội dung độc hại và kinh trên youtube. Trước đây tôi chỉ nghĩ youtube là một kênh video lành mạnh với những nội dung trong sáng. Nhưng khi tìm hiểu tôi cũng biết rằng trên youtube có rất nhiều nội dung độc hại. Các video gây ám ảnh cho trẻ nhỏ hoặc những nhân vật trong truyện cổ tích và phim hoạt hình bị xuyên tạc theo chiều hướng kinh dị, dung tục gây ám ảnh cho trẻ nhỏ”.
Chị Hoa cũng thừa nhận một phần lỗi rất lớn từ bản thân và gia đình khi không quán xuyến con: “Ngay từ khi cháu còn bé gia đình tôi đã hình thành cho cháu thói quen xem youtube, dùng máy tính bảng, điện thoại. Những lúc cháu ăn ông bà, bố mẹ cứ mở video trên youtube cho cháu xem. Thấy cháu ăn ngon miệng, không quấy khóc thế là từ đó cứ mỗi lần cháu ăn, cháu khóc lại mở youtube. Những lúc đấy mình kiểm soát được nội dung còn những lúc cháu xem một mình, xem với bạn bè thì không ai biết cả”.
Chị Vũ Lan Hương bày tỏ lo lắng khi có 3 đứa con thì cả 3 đứa đều “nghiện” điện thoại: “Sau giờ ăn tối thì mỗi đứa cầm một cái điện thoại. Đứa lớn nhà tôi lớp 8 thì xem phim, chát chít với bạn bè. Cậu con trai thứ hai lớp 5 thì chơi game, xem youtube. Nhiều video cháu xem có nội dung bạo lực. Tôi rất lo lắng khi đến bây giờ cháu chỉ thuộc những bài hát người lớn rồi thi thoảng nghe những bài hát đậm tính giang hồ”.
Tuy nhiên điều khiến chị Hương cảm thấy lo lắng nhất đó chính là cháu út nhà chị mới có 3 tuổi đã bắt đầu thích dùng điện thoại: “Từ nhỏ cứ mỗi lần cháu ăn là người lớn lại đưa điện thoại cho cháu xem. Việc này khiến cho cháu ăn nhanh và không quấy khóc. Nhưng hậu quả của nó là bây giờ cứ hở ra là cháu nghịch điện thoại. Không đưa thì cháu quấy khóc, không chịu ăn”.
Cha mẹ cần bảo vệ con cái khỏi những nội dung độc hại trên youtube
Những video được đăng tải trên Youtube không chỉ đơn thuần được làm với mục đích giải trí mà bài toán kinh tế và lợi nhuận cũng được tính toán cẩn thận.
Việc kiếm tiền từ youtube đang trở thành một xu hướng kiếm tiền phổ biến trong xã hội.
Bên cạnh nhiều kênh youtube mang ý nghĩa giáo dục, cung cấp kỹ năng sống cho trẻ nhỏ thì cũng có rất nhiều kênh youtube được làm ra với những sản phẩm độc hại với mục đích chính là câu view (lượt người xem).
Lượt người xem và đăng ký kênh càng nhiều đồng nghĩa với việc youtuber thu được càng nhiều tiền. Do đó nhiều youtuber bất chấp làm ra những sản phẩm độc hại, câu view để thu hút người xem.
Hai nhân vật hoạt hình rất nổi tiếng là Elsa và Spiderman được sử dụng rất nhiều trên các kênh youtube hiện nay. Một số kênh xây dựng những nội dung phù hợp với trẻ nhỏ nhưng cũng có nhiều kênh xuyên tạc nội dung đưa những hình ảnh dung tục, kinh dị vào…
Dạo quanh một vòng trên Youtube Kids (kênh youtube dùng cho đối tượng là trẻ nhỏ), chỉ cần gõ cụm từ “Elsa and Spiderman” sẽ có hàng triệu kết quả được hiện ra.
Một phần nhỏ các video có những nội dung độc hại và xuyên tạc, thậm chí sử dụng hiệu ứng hình ảnh kinh dị gây ám ảnh cho trẻ nhỏ.
Lý giải về điều này, Nguyễn Mạnh Linh, một youtuber quản lý kênh youtube “triệu view” dành cho trẻ em cho biết: “Những người làm trong lĩnh vực này cái đích cuối cùng cũng vì kiếm tiền mà thôi. Hiện nay các video cho trẻ nhỏ luôn chiếm được một lượng view rất lớn là mảnh đất màu mỡ cho các youtuber. Tại sao lại là trẻ nhỏ mà không phải đối tượng khác?
Thứ nhất: Trẻ em là khán giả trung thành của youtuber. Thời gian rảnh rỗi của các em cũng nhiều hơn người lớn. Nhiều em cứ rảnh ra là lại xem youtube.
Thứ 2: Làm nội dung cho trẻ nhỏ không cần quá cầu kỳ, chỉ cần nắm bắt được thị hiếu. Hiệu ứng hình ảnh và âm thanh cũng không cần quá chất lượng như các kênh youtube sản xuất nội dung khác”.
Anh Linh cũng cho rằng các nội dung độc hại trên youtube không phải ít và rất khó kiểm soát: “Bản thân mình cũng đã đầu tư để làm những video về các nhân vật như elsa và spiderman. Tuy nhiên có nhiều đồng nghiệp cũng tâm sự rằng họ buộc phải làm những video có tính rùng rợn hoặc dung tục vì nó đánh vào tâm lý hay tò mò của trẻ nhỏ. Trong giới bọn mình gọi những video này là view bẩn vì họ bất chấp để làm. Thậm chí họ chấp nhận bị khóa kênh nhưng bù lại hiệu ứng trong tính thời điểm lại vô cùng lớn, có những video lên đến cả chục triệu view”.
Với những chia sẻ từ những người trong cuộc, các bậc phụ huynh cũng nên xem xét kiểm soát nội dung cũng như việc sử dụng các thiết bị điện tử, nghe nhìn của con em mình.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng việc kiểm soát nội dung trên youtube đã được làm chặt chẽ nhưng không phải là không có các kẽ hở.
Youtube dù sao cũng chỉ là một thuật toán, dù có thông minh và hiện đại đến đâu cũng không thể kiểm soát được 100% nội dung.
Do đó các bậc cha mẹ hơn ai hết phải là người kiểm soát nội dung trên youtube để hướng con em xem những video phù hợp với lứa tuổi.
Một số giải pháp quan trọng: Bật chế độ hạn chế trên youtube, đăng ký kênh phù hợp với trẻ nhỏ, tải ứng dụng Youtube Kids. Giải pháp cuối cùng là khóa kênh youtube.
T.D (tổng hợp)
Theo: Nguoiduatin.vn