Bất ngờ về thân thế mỹ nhân bí ẩn nhất phim kiếm hiệp Kim Dung
Phần đông khán giả đồng tình với giả thuyết Dương Hoàng Sam là con cháu của Dương Quá, nhưng lời giải thích cụ thể thì Kim Dung chưa từng đưa ra.
Ỷ thiên đồ long ký được cố nhà văn Kim Dung miêu tả là gắn với sự kiện lịch sử nhà Nguyên sắp sụp đổ, tức là sau Thần điêu đại hiệp khoảng gần một thế kỷ. Những nhân vật đời trước đều không còn sống, duy chỉ có Trương Tam Phong giữ vai trò là biểu tượng, cầu nối gắn kết giữa các thế hệ trong “Xạ Điêu Tam Bộ Khúc”.
Lần đầu tiên Trương Tam Phong xuất hiện cũng là lúc đôi tình nhân Dương Quá – Tiểu Long Nữ nói lời từ biệt bằng hữu, mai danh ẩn tích. Khi đó Dương Quá từng để lại lời nhắn: “Sau này giang hồ tương hội sẽ lại uống rượu chuyện trò”.
Hình ảnh Dương Quá đã mãi in sâu trong trái tim non nớt của thiếu nữ Quách Tương, là chấp niệm cả cuộc đời nàng không thể buông bỏ được. Nói với cha mẹ là đi du sơn ngoạn thủy, thực chất Quách Tương ngược xuôi Nam Bắc chỉ để tìm gặp Dương Quá và Tiểu Long Nữ nàng luôn nhớ mong. Cũng vì thế, phần mở đầu Ỷ thiên đồ long ký thoảng qua bóng dáng Tiểu Long Nữ qua bài thơ “Vô tục niệm” mà Quách Tương đang ngâm nga. Mọi công sức tìm kiếm đều trở nên vô vọng, gia đình tuẫn tiết theo thành Tương Dương, nàng giác ngộ trở thành tổ sư phái Nga Mi.
Khoảng hơn 80 năm sau khi Dương Quá và Tiểu Long Nữ quy ẩn, Trương Vô Kỵ đã trở thành giáo chủ Minh Giáo, Chu Chỉ Nhược tiếp nhận vị trí chưởng môn đời thứ tư của phái Nga My và luyện thành Cửu Âm Chân Kinh.
Những tưởng câu chuyện kì bí về Cổ Mộ đã kết thúc từ lâu, nào ngờ Kim Dung lại chắp bút dựng nên nàng Hoàng Sam Nữ Tử. Bang chủ Cái Bang Sử Hỏa Long bị Thành Côn và Trần Hữu Lượng hãm hại, con gái ông Sử Hồng Thạch chạy nạn vô tình được một vị tỷ tỷ áo vàng hết lòng giúp đỡ. Nàng mang theo Đả Cẩu Bổng, đến tận nơi vạch mặt gian tế, hóa giải cuộc nội chiến của Cái Bang.
Thực ra, Hoàng Sam Nữ Tử là một biệt danh mà giới giang hồ đặt cho nàng – vì nàng luôn mặc một bộ đồ màu vàng (hoàng). Tên thật của nàng là gì thì không ai biết, chỉ thấy Sử Hồng Thạch gọi nàng là Dương tỷ tỷ. Hoàng Sam Nữ Tử lấy dải lụa mềm làm binh khí, cử chỉ tao nhã, phong thái lạnh lùng chẳng khác nào Tiểu Long Nữ băng thanh ngọc khiết năm ấy chấn động giang hồ. Lần thứ hai Hoàng Sam Nữ Tử xuất hiện là trong Đồ Sư đại hội, trận đánh với tam tăng giải cứu Tạ Tốn. Chu Chỉ Nhược sử dụng Cửu Âm Bạch Cốt Trảo và Bạch Mãng Tiên thật lạ lùng khiến ai nấy đều kinh hoảng, có ngờ đâu chỉ qua vài chiêu đã bị thiếu nữ vô danh kia áp đảo toàn phần.
Nàng còn công khai vạch trần tội ác của Chu Chỉ Nhược từ khi ở trên Linh Xà đảo và hai lần ngăn chặn Chỉ Nhược âm mưu ám sát Tạ Tốn. Hoàng Sam Nữ Tử cũng chính là người tiết lộ bí mật của Đồ Long Đao – Ỷ Thiên Kiếm “võ lâm chí tôn hiệu lệnh thiên hạ”. Tuy chỉ góp mặt hai lần trong suốt mạch phim nhưng dấu ấn về Hoàng Sam Nữ Tử không hề thua kém bất cứ nhân vật chính nào.
Phần đông khán giả đồng tình với giả thuyết Dương Hoàng Sam là con cháu của Dương Quá, nhưng lời giải thích cụ thể thì Kim Dung chưa từng đưa ra.
Nghi vấn chưa có lời giải
Xét về tuổi, theo mô tả trong truyện nàng khoảng trên 30 tuổi. Tuy nhiên nếu đúng nàng là con của Tiểu Long Nữ, thì lúc này đã sau 80 năm. Tiểu Long Nữ còn sống thì cũng đã trên 120 tuổi. Vậy thì làm sao mà có con chỉ mới trên 30 tuổi? Hay nói khác đi, nếu Hoàng Sam Nữ Tử là con gái Dương Quá – Tiểu Long Nữ, thì tại thời điểm nàng xuất hiện trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, ít nhất cũng đã phải trên 70 tuổi thì mới hợp lý. Tức là giả sử Tiểu Long Nữ sinh nàng trong khoảng 10 năm sau khi gặp lại Dương Quá – lúc Tiểu Long Nữ khoảng 50 tuổi. Chứ chẳng lẽ đến tuổi 90 Tiểu Long Nữ mới sinh con hay sao?
Liệu có hay không chuyện trên chốn giang hồ, một người phụ nữ đã 70 tuổi, mà dáng vẻ bề ngoài lại quá tươi trẻ, chỉ như mới 30 tuổi hay không? Hãy cùng nhớ lại chính trường hợp của Tiểu Long Nữ. Khi nhảy xuống vực thẳm Đoạn Trường Nhai quyên sinh, nàng khoảng 22 tuổi, hơn Dương Quá vài tuổi. Nhưng sau 16 năm, khi gặp lại Dương Quá dưới vực sâu, nàng vẫn tươi trẻ như một cô gái mới 18 tuổi! Khiến Dương Quá phải thốt lên “Cô cô, nàng vẫn như xưa, còn ta đã già rồi!” Ấy là nhờ Tiểu Long Nữ đã tu luyện được phép dưỡng sinh có tên là “Ngọc Nữ Công” của phái Cổ Mộ.
Với những bằng chứng trên, Hoàng Sam Nữ Tử khả năng cao là con gái của Tiểu Long Nữ. Chắc hẳn nàng đã được truyền thụ các môn võ công tuyệt học của cha mẹ – đều là những cao thủ hạng nhất võ lâm. Đặc biệt nếu được mẹ là Tiểu Long Nữ truyền dạy “Ngọc Nữ Công” thì việc nàng có bề ngoài trẻ bằng nửa số tuổi thật của mình thì cũng không có gì lạ.
Trên chốn võ lâm, chẳng phải cũng có nhiều cao thủ sống hàng trăm năm tuổi, nhờ tu tập võ công cao cường, lại có sự bổ trợ của kỳ nhân dị thảo đó hay sao? Thế nên, cứ theo lý mà nói thì hoàn toàn có đủ căn cứ để đi đến kết luận Hoàng Sam Nữ Tử họ Dương trong Ỷ thiên đồ long ký chính là con gái của Dương Quá và Tiểu Long Nữ.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng Tiểu Long Nữ trúng hàn độc dai dẳng nhiều năm, lúc gặp lại Dương Quá đã nhiều tuổi, không phù hợp với việc sinh con.
Mở rộng sang tuyến nhân vật nước Đại Lý, hai vị đồ đệ của Đoàn Hoàng gia là Võ Tam Thông, Chu Tử Liễu đều lập gia đình. Cuộc sống riêng tư của Chu Tử Liễu không được nhắc đến. Còn Võ Tam Thông có hai con trai Võ Đôn Nhu, Võ Tu Văn trạc tuổi Dương Quá.
Trong khi Dương Quá chờ mười sáu năm để trùng phùng Tiểu Long Nữ thì huynh đệ họ Võ lấy vợ rất sớm. Con cháu họ chính là Chu Trường Linh, Võ Liệt của Hồng Mai Sơn Trang từng làm khó Trương Vô Kỵ. Nếu so tuổi với bên đó thì thật khó để xác định Hoàng Sam Nữ Tử là cháu hay chắt của Dương Quá.
Trong Ỷ thiên đồ long ký, có lần Trương Vô Kỵ hỏi thì nàng cũng từ chối. Chỉ biết nàng họ Dương. Chính là họ của Thần điêu đại hiệp Dương Quá. Khi Trương Vô Kỵ hỏi phương danh của nàng, để ngày đêm ghi nhớ trong lòng, thì Hoàng Sam Nữ Tử chỉ mỉm cười, rồi đọc bốn câu thơ rất mơ hồ khó hiểu, nguyên văn như sau:
Chung Nam sơn hậu,
Hoạt tử nhân mộ.
Thần điêu hiệp lữ,
Tuyệt tích giang hồ.
Tạm dịch:
Phía sau nơi núi Sơn Nam,
Ngôi mộ người sống.
Thần điêu hiệp lữ,
Xa mãi chốn hồng trần.
Đây là minh chứng rõ ràng nhất về xuất thân của nàng thuộc phái Cổ Mộ, hậu duệ Thần điêu đại hiệp. Giả sử Kim Dung phát triển tình tiết là Trương Vô Kỵ về hỏi Trương Tam Phong, nhất định sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, bí ẩn mãi mãi là bí ẩn. Những gì khán giả suy đoán chính là đáp án rõ ràng nhất, là mong muốn của cố nhà văn muốn khán giả tìm tòi sâu hơn về cốt truyện của mình. Dấu chấm hỏi cho thân phận của Hoàng Sam Nữ Tử, ai cũng hiểu, nhưng không ai khẳng định được.
Quốc Tiệp (tổng hợp)
Theo: Nguoiduatin.vn