Bệnh lý bẩm sinh “Ruột xoay bất toàn” nguy hiểm như thế nào?

Em bé 3 ngày tuổi ở Nam Định bị cắt bỏ gần 80cm ruột, phần ruột được cứu sống chỉ còn lại non nửa, khoảng 70cm.

Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp – bệnh viện Nhi Trung ương đã mổ cấp cứu cho nhiều trường hợp trẻ bị chứng “ruột quay bất toàn”. Đây là bệnh lý bẩm sinh nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh lý nguy hiểm

Trả lời báo Gia đình và xã hội, Thạc sĩ – bác sĩ Vũ Mạnh Hoàn – Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện Nhi Trung ương cho biết:

Chứng “ruột xoay bất toàn” là một dị tật tương đối ít gặp của đường tiêu hoá.

Thường biểu hiện lâm sàng ở sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng cũng có thể âm thầm không triệu chứng đến khi tình trạng xoắn ruột xảy ra. Trong quá trình phát triển và tồn tại trong bào thai, vì một lý do nào đó, quá trình xoay sinh lý của ruột ở thai nhi bị dừng lại bất thường, dẫn tới nguy cơ tắc, xoắn tá tràng ở thể mạn tính và cấp tính.

Dấu hiệu nhận biết

Giai đoạn phát bệnh: Khi trẻ mắc bệnh, có thể có những biểu hiện rầm rộ, cấp tính như: nôn dịch xanh, dịch vàng, bụng chướng nhẹ lệch sang phải, ấn đau, đi ngoài phân máu, nhưng cũng có khi lại chỉ đau bụng thoảng qua, chán ăn, thường xuyên nôn trớ khi ăn…

Giai đoạn trễ: đi tiêu máu đen, bụng chướng, da thành bụng nề đỏ, suy sụp nhanh chóng, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, hoại tử ruột dẫn đến tử vong.

Theo một nghiên cứu nước ngoài, tỷ lệ mắc bệnh ruột quay bất toàn khá lớn, lên tới 1/500 trẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây vẫn được xem là căn bệnh hiếm gặp.

Điều trị

Khi trẻ có những biểu hiện trên, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến các trung tâm y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Bệnh lý “Ruột quay bất toàn” cũng dễ bị nhầm lẫn với các căn bệnh nội khoa như: trào ngược dạ dày thực quản, viêm ruột, nôn chu kỳ,…

Việc đầu tiên trong quá trình điều trị là phải loại trừ các nguyên nhân ngoại khoa, trong đó có bệnh ruột quay bất toàn trước khi xử lý nội khoa. Căn bệnh này có thể dễ dàng xác định nếu các bác sĩ lâm sàng hiểu và nghĩ tới bệnh, tiến hành chụp lưu thông đường tiêu hóa với thuốc cản quang, siêu âm, cắt lớp.

Sau đó tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp mổ nội soi.

Trong trường hợp ruột hoại tử quá nhiều, các bác sĩ buộc phải mổ mở để tháo xoắn, cắt ghép cứu những phần ruột sống còn lại.

Phát hiện sớm tránh nguy cơ hoại tử ruột

Theo Vietnamnet, Tiến sĩ Phạm Duy Hiền – Trưởng khoa Ngoại, Giám đốc trung tâm Phẫu thuật nội soi nhi khoa – cho biết: “Không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đường tiêu hóa, khiến trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, bệnh nhi mắc ruột quay bất toàn có thể tử vong do ruột xoắn tắc dẫn đến hoại tử nặng nề. Việc phát hiện sớm căn bệnh này cũng có ý nghĩa trong việc phẫu thuật cho bệnh nhân”.

Các trường hợp điển hình

Sau khi chào đời được ba ngày, cháu T.B.M ở Nam Định bỗng nhiên xuất hiện triệu chứng nôn dịch xanh, dịch vàng và đi ngoài phân máu.

Đặc biệt, trẻ bú tới đâu là nôn trớ tới đó. Tại bệnh viện tuyến dưới, cháu được chẩn đoán viêm ruột và điều trị nội khoa, tuy nhiên, tình hình không cải thiện và ngày càng trầm trọng. Thấy tình trạng nguy hiểm, các bác sĩ đã nhanh chóng chuyển bệnh nhi lên bệnh viện Nhi Trung ương. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc chứng “ruột xoay bất toàn”, phần ruột của cháu M. bị xoắn toàn bộ dẫn tới phù nề, tím ngắt và hoại tử.

Bệnh nhi đã phải cắt bỏ 80cm ruột, phần ruột được cứu sống chỉ còn lại non nửa, khoảng 70cm.

Ngày 24/2018, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, vào lúc 0h30 ngày 24/3, bệnh viện tiếp nhận bé Q (10 ngày tuổi, ngụ TP. Biên Hòa, Đồng Nai) mới sinh được 2 giờ với các triệu chứng bụng to, sốt, ói dịch xanh.

Qua khám nghiệm, hầu hết ruột non của trẻ sơ sinh bị xoắn lại và chuyển màu tím bầm. Sau khi bàn bạc, kíp trực đã phẫu thuật tháo xoắn ruột, đắp ấm và đưa trở lại bụng.

Gần như toàn bộ ruột non của bé Q bị xoắn lại và chuyển màu tím bầm, nên các bác sĩ phải cắt bỏ gần 2m, chỉ giữ lại được 10cm ruột non cho bé. Đến giờ này, việc cứu sống bé Q đã tạm ổn, nhưng vấn đề nan giải là để bé sống khỏe mạnh bình thường thì phải ghép ruột. Ở nước ngoài đã có nơi tiến hành việc này nhưng Việt Nam vẫn chưa có nơi nào làm được.

Minh Anh (tổng hợp)

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button