Bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu”: Ý nghĩa truyền thông điệp là tốt, nhưng cách làm chưa phù hợp
“Đưa hình ảnh trẻ em mang bầu (dù chỉ là hình ảnh diễn minh họa) lên các phương tiện truyền thông chưa nói là phạm pháp nhưng rất phản cảm”, thầy Trần Xuân Hồng bày tỏ cảm xúc của mình khi theo dõi bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu”.
Mới đây, dư luận xôn xao trước bộ ảnh Những đứa trẻ mang bầu do một trung tâm hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em phối hợp cùng nữ nhiếp ảnh gia Dạ Miêu thực hiện. Bộ ảnh nhanh chóng nhận được sự quan tâm bởi ý nghĩa, thông điệp mà những thực hiện nói rằng để truyền thông bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại tình dục.
Nhưng ngoài sự hưởng ứng của dư luận còn có nhiều ý kiến trái chiều về việc không nên đưa hình ảnh cận mặt các em gái dù là người mẫu nhí lên mạng. Để có cái nhìn khách quan, phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe chia sẻ của chuyên gia xã hội học, chuyên gia tâm lý về vấn đề này.
Càng làm xã hội xót xa, lo ngại
Phân tích những yếu tố xã hội học từ bộ ảnh Những đứa trẻ mang bầu, thầy Trần Xuân Hồng, cán bộ khoa Xã hội học trường đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn cho biết: “Trẻ em là một nhóm xã hội yếu thế vì ít có khả năng tự bảo vệ khi gặp nguy hiểm. Cho nên, trên thế giới và Việt Nam đã có Công ước, có luật riêng bảo vệ quyền và bản thân các em.
Người lớn khi đưa tin trên các phương tiện truyền thông vì bất cứ mục đích gì thì cũng phải tính đến quyền lợi của các em, đặc biệt phải chú ý không được làm tổn thương danh dự, nhân phẩm và làm hỏng tương lai của các em. (Một số vụ án xâm hại trẻ em được xử kín cũng không ngoài mục đích nhân văn ấy).
Thêm nữa, trẻ em bị lạm dụng tình dục nói chung và nhất là đến mức mang bầu là nỗi đau của người thân, bản thân các em và xã hội. Một số người trong xã hội còn vô cảm nghĩ đấy là chuyện bình thường. Nhưng nếu họ để 1 giây nghĩ rằng nếu nạn nhân đó chính là con, là em, là cháu của mình thì chắc họ sẽ không cho đấy là chuyện bình thường”.
Từ những phân tích trên, quay trở lại bộ ảnh đang gây tranh cãi, thầy Trần Xuân Hồng cho rằng: “Đưa hình ảnh trẻ em mang bầu (dù chỉ là hình ảnh diễn minh họa) lên các phương tiện truyền thông chưa nói là phạm pháp nhưng rất phản cảm. Nó không giúp bảo vệ trẻ em, không làm giảm nỗi đau của cộng đồng mà càng làm xã hội xót xa, lo ngại. Để tuyên truyền, chống lạm dụng tình dục trẻ em có nhiều phương pháp có tính khoa học và nhân văn.
Ví dụ, đưa các hình ảnh minh họa hướng dẫn cho cha, mẹ, người thân, trẻ em những kỹ năng ứng xử phòng tránh khi gặp người lạ, thoát hiểm khi gặp tình huống có nguy cơ bị lạm dụng… thì tốt hơn nhiều. Đưa hình ảnh trần trụi về trẻ em mang bầu chỉ để tạo ra sự giật gân gây sự chú ý của người xem.
Ngay trong kỹ thuật nghiêm cứu xã hội học cũng luôn luôn quy định, đảm bảo tính ẩn danh cho những người cung cấp thông tin, bất cứ người đó là ai để những nghiên cứu này không làm ảnh hưởng đến đời sống riêng tư của họ”.
Cách làm chưa phù hợp, phản khoa học
Cũng trao đổi với phóng viên, TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: “Ý nghĩa truyền thông điệp của bộ ảnh là chống xâm hại tình dục trẻ em là tốt, nhưng cách làm chưa phù hợp. Bởi, trong tâm lý có một nghiên cứu chỉ ra rằng những gì con người nhìn thấy, lặp đi lặp lại sẽ ám thị vào người ta, nhìn thấy nhiều thì sẽ để lại ấn tượng sâu sắc.
Tôi phân tích ở nhóm đối tượng được chụp hình, chụp cận mặt như vậy. Bây giờ nếu ra đường, đứa bé đó không đủ bản lĩnh và các bạn trêu “ê mang bầu đi, mang bầu đi” thì sức ép đó sẽ khiến đứa trẻ khó ứng phó, áp lực từ phía dư luận.
Ví dụ như bé gái lớp 8 ở Lào Cai mang thai mới đây, cũng đã nghỉ học vì không chịu nổi sức ép của dư luận. Mang bầu là việc lớn, các em không thể đến trường bởi các em chưa có kỹ năng, khả năng để ứng phó”.
TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh phân tích tiếp: “Đối với những người xem, là người lớn cũng để lại suy ngẫm. Nhưng, nếu hình ảnh này được lặp đi, lặp lại nhiều lần sẽ trở nên phổ biến, tuy nhiên những đứa trẻ khi xem thì sẽ bị ám ảnh, thậm chí bắt chước rằng những bạn này mang bầu được thì mình cũng mang bầu được. Điều này nên hay không nên thì những đứa trẻ chưa đủ nhận thức để phân biệt.
Tôi cho rằng việc truyền tải thông điệp chống xâm hại tình dục có rất nhiều cách, từ xưa đến nay cũng đã có những bộ tranh nói về tránh xâm hại, nhưng đưa ảnh thực tế như bộ tranh nêu trên là phản khoa học và không đúng”.
Ê-kíp sai 1 phụ huynh sai 10
Khi xem bộ ảnh này, nhiếp ảnh gia Lê Đức bày tỏ: “Tôi cho rằng, phụ huynh không lường được hệ luỵ, phụ huynh cũng chỉ nghĩ rằng đây có thể chỉ là cuộc chụp ảnh vui, mang tính chất truyền thông cho một sự kiện nào đó. Bộ ảnh này không mang tác dụng là tác động lớn đến xã hội là bảo vệ trẻ em mà đang gây phản tác dụng một cách ghê gớm.
Những đứa trẻ cũng chưa thể hiểu được hình ảnh của mình được đăng tải sẽ gây ra những hậu quả thế nào. Phụ huynh cứ nghĩ cho con chụp ảnh để được trải nghiệm, chưa kể còn có thể được trả chút cát-xê, ê-kíp sai 1 thì phụ huynh sai 10, bộ ảnh này cần phải loại bỏ. Cái gì liên quan đến đạo đức dù là dự án thì cũng nên cân nhắc, chụp làm minh hoạ thì nên dùng ảnh đen trắng (dạng bóng hình chứ không nên rõ mặt).
Theo : nguoiduatin.vn