新闻和攻略News and introduction

Bố mẹ hại đời em bằng những con điểm giả – Sukien24h.vn

Bố mẹ hại đời em bằng những con điểm giả

Có ai từng nghĩ những học sinh được nâng điểm cũng chính là những nạn nhân? Chúng em chỉ có 2 lựa chọn: Sống trong lo lắng một ngày sự thật bị phanh phui hay nói thật và đẩy bố mẹ mình vào vòng lao lý.

Trong khi những đàn em 2001 đang chuẩn bị bước vào giảng đường đại học, em lại sắp xếp hành lý để chuẩn bị về quê khi kỳ học còn đang dang dở. Nhà trường đưa ra quyết định đình chỉ học tập vì phát hiện kết quả thi tuyển của em đã được chỉnh sửa. Em cùng hàng chục bạn đồng trang lứa khác đang bị bêu tên trên báo chí là những kẻ gian dối. Mấy ai hiểu rằng chúng em thực chất chỉ là những nạn nhân của một cuộc đua danh vọng?

Nói nghe thật khó tin đúng không ạ? Tại sao những cô chiêu cậu ấm được nâng đến 26 điểm, được lót đường vào những ngôi trường danh giá, những người chiếm mất cơ hội học tập quý giá của những thí sinh thực sự học tập lại được coi là nạn nhân?

Tại vì chúng em đâu có tự nâng điểm.

Những điểm số chỉ thay đổi khi các cán bộ tuyển sinh nhúng tay vào. Và cũng chẳng có vị cán bộ nào lại tự dưng nâng điểm thí sinh cả. Sửa điểm là việc rất khó, rất nhiều rủi ro và yêu cầu có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều bộ phận, nhiều cá nhân. Việc sửa điểm chỉ có thể diễn ra khi có các “nhà tài trợ” đứng ra cung cấp đủ tiềm lực kinh tế và cả quyền lực bảo hộ.

Các “nhà tài trợ” này chính là các bậc phụ huynh “đáng kính” của chúng em.

Bố mẹ em tìm đến các cán bộ có thẩm quyền, trình bày nguyện vọng, mong các cán bộ giúp đỡ em vượt qua quy chế xét tuyển “khó khăn” của Bộ GD&ĐT. Và để lời nhờ vả thêm phần thuyết phục, họ gửi gắm các cán bộ kia “một chút lòng thành” hay “một món quà nho nhỏ”.

Đây khác nào một cuộc giao thương, bố mẹ mua điểm cho em bằng tiền hoặc bằng một lợi ích nào đó. Hiển nhiên người ta chỉ mua thứ gì khi biết mình còn thiếu. Bố mẹ quyết định mua điểm cho con vì họ hiểu rõ năng lực học tập của em không đủ để vượt qua kì thi đại học.

Điểm số phản ánh năng lực học tập và quá trình ôn luyện của học sinh. Điểm số của em kém vì em ôn luyện chưa tốt, năng lực học tập không cao. Năng lực học tập không cao vì em lười học, mải chơi.

Bản thân em đâu hề muốn theo học những ngôi trường học hành nặng nề. Em muốn sống theo đam mê, theo sở thích của mình, tiếp tục dành thời gian cho những thứ trước đến giờ em luôn làm thay vì học tập như bạn bè đồng trang lứa.

Vấn đề là bố mẹ em không đồng ý, họ muốn em mình phải đi theo những con đường “xán lạn”, đi theo những ngành có tương lai, trở thành những vị quân nhân “ưu tú”, những giáo viên “tận tâm” hay những bác sĩ “đại tài”.

Bởi vì em là bộ mặt của bố mẹ. Học vị, điểm số của em cũng là thước đo thành công của gia đình. Thay vì đốc thúc em học tập tử tế, bố mẹ chỉ tập trung xây dựng quyền lực cho bản thân, kiếm tiền về cho em tiêu xài.

Đến khi nhận ra con mình không giỏi giang như bố mẹ nghĩ, họ tìm cách lấp liếm, bảo vệ danh tiếng của bản thân bằng cách đổi trắng thay đen, kết quả của những kỳ thi đánh giá năng lực.

Và rồi kết quả là gì? Em bây giờ phải sống trong những lời dối trá của bố mẹ. Sống với những con điểm giả mà bố mẹ mua cho.

Bố mẹ đâm lao giờ em phải theo lao thôi. Chúng em đâu còn đường lui nữa.

Cô bạn thủ khoa đại học sư phạm Hà Nội chẳng còn cách nào khác phải nói rằng mình tự tin với điểm số. Bạn ấy thậm chí còn không muốn ngôi vị thủ khoa này. Bỗng dưng trở thành tâm điểm của sự chú ý, bạn ấy bắt buộc phải nói dối thôi.

Bởi, thời điểm đó, mọi lời nói thật của chúng em sẽ là chống đối cha mẹ, chống lại người bỏ ra biết bao công sức và tiền của để mở đường đến tương lai cho em. Thậm chí bố mẹ em còn có thể vào tù vì tội hối lộ. Nó thực sự là một gánh nặng quá lớn đối với em.

Ấy vậy nên chúng em chọn cách ít khó khăn hơn: mỉm cười và sống với lời nói dối đó. Nhưng cuộc sống ấy đâu phải dễ dàng gì. Mọi người bàn tán, chỉ trỏ về chúng em, bản thân chúng em hiểu được những nghi ngờ kia là thật. Chúng em sống trong lo sợ, sợ rằng một ngày khi sự thật bị phanh phui, chúng em sẽ bị cả xã hội chỉ trích, cười nhạo.

Và rồi ngày ấy cũng đến, em bị nhà trường trả về địa phương, bạn nữ kia nộp đơn thôi học trong sự tủi nhục. Và cuộc đời em xuất hiện một vết nhơ không thể xóa bỏ. Rồi tương lai em sẽ đi về đâu?

Chỉ vì một một bảng điểm đẹp, bố mẹ đã giết chết tương lai của chúng em.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, thay lời một thí sinh “bị” nâng điểm

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button