BQL Đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội nói gì khi bị nhà thầu đòi bồi thường 1.800 tỷ?
Liên danh nhà thầu Hàn Quốc – Italy đề nghị Hà Nội bồi thường 1.800 tỷ đồng vì chậm bàn giao mặt bằng thi công tuyến đường sắt đô thị này. Trong khi đó Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội nêu 2 lý do là thiếu mặt bằng và chủ đầu tư chậm thanh toán.
Theo báo VnExpress, ngày 3/4, Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội xác nhận lý do nhà thầu đề nghị bồi thường liên quan đến việc chậm bàn giao mặt bằng thi công. Tuy nhiên, Ban quản lý nêu rõ “số liệu trên là do nhà thầu tự cung cấp, chưa được đánh giá, xác nhận, kiểm chứng của tư vấn Systra hay chủ đầu tư”.
Ban quản lý đã báo cáo nội dung này với UBND thành phố và đề nghị nhà thầu giải trình chi tiết.
Theo Ban quản lý, chủ đầu tư đang chậm thanh toán cho các nhà thầu toàn tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội (không riêng các ga ngầm) trên 200 tỷ đồng, tương đương 7,8 triệu EUR; chậm thanh toán cho tư vấn hơn 72 tỷ đồng (2,7 triệu EUR).
Việc chậm thanh toán này được cho là không ảnh hưởng chất lượng công trình, tuy nhiên có thể ảnh hưởng tiến độ công việc.
Trước đó, thông tin trên báo Dân Trí cho hay, tại cuộc làm việc của lãnh đạo Hà Nội với các bên liên quan về gói thầu CP03 -hầm và các ga ngầm thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội diễn ra hồi cuối tháng 3/2019, đại diện nhà thầu là liên danh Hyundai – Ghella (Hàn Quốc, Italy) đã nêu những khó khăn do thành phố chậm giải ngân và bàn giao mặt bằng.
Đại diện nhà thầu cho hay gói thầu có 4 ga ngầm (từ S9 đến S12) nhưng nay mới nhận mặt bằng tại ga S9, một phần mặt bằng ga S10; hai ga S11 và 12 chưa được bàn giao mặt bằng.
Nhà thầu cũng phản ánh việc gặp khó khăn về tài chính do chưa nhận được thanh toán các phần việc đã hoàn thành. “Tổng số tiền trong báo cáo chi phí mà nhà thầu yêu cầu bồi thường khoảng 81 triệu USD” (khoảng 1.800 tỷ đồng), đại diện nhà thầu nói.
Theo Người Lao Động, Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Tổng mức đầu tư dự án đã điều chỉnh một lần vào năm 2014 là 1.176 triệu euro, tương đương gần 33.000 tỉ đồng.
Cuối năm 2018, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện và cơ cấu nguồn vốn vay ODA với dự án tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội. Theo đó, tuyến đường sắt này được lên kế hoạch hoàn thành vào tháng 12/2022.
H.Y (tổng hợp)
Theo: Nguoiduatin.vn