Cái chết đầy nuối tiếc của chàng VĐV trẻ: Đột quỵ ngày càng trẻ hóa?

Sự ra đi của nam vận động viên Võ Văn Thơm (23 tuổi) tham gia cuộc thi HCMC Marathon 2019 diễn ra vào ngày 13/1 tại TP.HCM khiến nhiều người tiếc nuối.

Được biết, khi đang chạy đến km 18, chàng vận động viên ngã gục trên đường chạy. Ngay lập tức, nạn nhân được đặt đường truyền ép tim, sốc điện và dẫn thuốc vào mạch để hồi sức. Sau đó ê-kíp cấp cứu chuyển về bệnh viện Pháp – Việt (FV) tiếp tục cứu chữa nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Sức khỏe - Cái chết đầy nuối tiếc của chàng VĐV trẻ: Đột quỵ ngày càng trẻ hóa?
Chàng VĐV trẻ đột quỵ khi đang tham gia cuộc thi HCMC Marathon 2019.

Bác sĩ Trịnh Văn Hải, Trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện FV chia sẻ với Vietnamnet, Thơm là vận động viên thể thao phong trào, còn khá trẻ (23 tuổi), không có tiền sử về bệnh tim mạch và đã từng hoàn thành cự ly 42km trong những giải chạy trước.

Bác sĩ cho rằng nguyên nhân có thể do vận động viên hoạt động quá sức chịu đựng nên dẫn đến trụy tim.

Đột quỵ người trẻ có hiếm?

Theo các bác sĩ, đột quỵ có thể xảy đến với bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi, thậm chí là từ vài tuổi, tuy nhiên người già vẫn mắc nhiều hơn bởi có nhiều yếu tố nguy cơ hơn. Do đó, không ít người trẻ khi nhập viện được chẩn đoán đột quỵ tỏ ra rất bất ngờ, không tin.

BS Ngô Minh Tuấn, Trưởng đơn vị can thiệp nội mạch bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM), cho biết, bệnh viện thỉnh thoảng tiếp nhận những ca người trẻ từ 20 đến 30 tuổi đã bị đột quỵ, đặc biệt có trường hợp mới 17 tuổi đã bị.

“Dị dạng động tĩnh mạch hoặc phình mạch não, những nguyên nhân gây đột quỵ có thể tầm soát và can thiệp sớm bằng chụp cộng hưởng từ MRI, tuy nhiên kỹ thuật này ít được người dân quan tâm” – BS Trần Minh Thiệu, khoa Chẩn đoán hình ảnh của BV Trưng Vương, cho hay.

Nguyên nhân người trẻ bị đột quỵ

Giải thích nguyên nhân người trẻ cũng bị đột quỵ, BS. CK2 Nguyễn Thị Phương Nga, Trưởng khoa Nội thần kinh bệnh viện Thống Nhất cho biết, ở người trẻ, tỷ lệ đột quỵ do các yếu tố như bệnh tim, dị dạng mạch máu não nhiều hơn, một số trường hợp còn do dùng thuốc ngừa thai đường uống, thuốc kích thích gây viêm mạch máu, vỡ mạch máu…

Với người trẻ, sức hút của “trí khôn nhân tạo” đã khiến con người ngày càng lười đi, quên những giá trị thật của cuộc sống. Những bữa ăn qua loa, vội vàng với các loại thức ăn nhanh đầy dầu mỡ, chứa nguồn năng lượng rỗng, dễ dẫn đến thừa cân, béo phì.

Bên cạnh đó, thói quen ngồi một chỗ bên các thiết bị điện tử, biến mình thành “cú đêm”, thường xuyên bia, rượu cũng góp phần gây nên tình trạng này…

Sức khỏe - Cái chết đầy nuối tiếc của chàng VĐV trẻ: Đột quỵ ngày càng trẻ hóa? (Hình 2).
Bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa.

Ngoài ra, không ít người bị áp lực từ công việc và cuộc sống đè nặng. Tất cả những yếu tố này khiến người trẻ tuổi có thể đối mặt với hàng loạt bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là nguy cơ tai biến mạch máu não tăng cao.

TS. BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị đột quỵ, Phó Trưởng khoa Thần kinh bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 100-120 ca bệnh đột quỵ.

Trong số đó, chỉ có 8% người bệnh được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” để được áp dụng các biện pháp điều trị thông mạch máu.

Người tuổi cao có nguy cơ đột quỵ cao nhưng hiện nay tỷ lệ người bị đột quỵ dưới 45 tuổi cũng khoảng 30% .

Theo BS Thắng, thời gian vàng để cấp cứu người bệnh đột quỵ là sáu giờ kể từ khi phát bệnh, ba giờ đầu có thể coi là thời gian kim cương.

“Bản thân người bệnh hoặc người xung quanh cần nhận biết ngay các dấu hiệu khi đột quỵ xảy ra như bị méo miệng, nói ngọng hoặc không nói được, yếu tay chân một bên để đưa đi cấp cứu kịp thời” – BS Thắng khuyến cáo.

Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, mọi người cần có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tăng cường vận động và tập thể dục thể thao, giảm ăn mặn, giảm mỡ béo, tăng cường rau xanh và trái cây.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần khám sức khỏe định kỳ, phát hiện các bệnh lý nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch… để chữa trị kịp thời. Người đã từng bị đột quỵ còn cần phải uống các thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh căn nguyên.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong và để lại các di chứng sau cơn đột quỵ nặng nề như liệt nửa người, liệt toàn thân, bại não, biến chứng tâm lý, tâm thần…

Một điều đáng lo ngại là số bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi trẻ 40-45 cũng đang gia tăng mạnh mẽ, chiếm 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Thậm chí những người ở độ tuổi 20 hoặc trẻ hơn cũng đang có nguy cơ bị đột quỵ. (Theo thống kê từ Hội nghị khoa học Đột quỵ và Thần kinh toàn quốc lần thứ 7).

Phong Linh (tổng hợp)

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button