新闻和攻略News and introduction

Chiêng, xoang và đua thuyền – Sukien24h.vn

Chiêng, xoang và đua thuyền

Chiêng, xoang và đua thuyền

Một anh bạn nói với tôi, có những chuyện rất hiển nhiên mà ít người để ý, là té ra, cái anh người Kinh, tức người Việt ấy, tưởng là gì cũng biết, gì cũng có, gì cũng giỏi… nhưng té ra là, về múa dân gian, thua đứt bà con các dân tộc thiểu số.

Tôi chưa có dịp kiểm chứng, nhưng cũng kịp nhớ mấy điệu múa dân gian xứ Thanh mà tôi biết, trong ấy có múa đèn chả hạn.

Chả là hồi nhỏ tôi đã sống ở đấy, cho tới khi học xong cấp 3, cũng vừa dịp thống nhất đất nước, mới về quê ở Huế. Mà đã ở xứ Thanh ấy, có mấy món hầu như ai cũng biết, hò sông Mã, rau Má, Hàm Rồng với chị Tuyển chị Hằng và… múa đèn, hát dân ca đi cấy…

Chiêng, xoang và đua thuyền- Ảnh 1.

Là trên xe lên xã biên giới Ia O của huyện Ia Grai dự cái cuộc “Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng” do huyện này và Đài PTTH Gia Lai tổ chức chúng tôi nói chuyện rồi… cãi nhau thế.

Nhưng mà quả là, tổ chức một cái ngày hội mà kết hợp giữa đua thuyền, chơi chiêng và xoang (múa) trong một dịp, một cái ngày hội, thì cũng là giỏi.

Chiêng, xoang và đua thuyền- Ảnh 2.

Và té ra là thế này, trên xe có ông nhà báo, tác giả bài báo vừa đăng là “Biến Gia Lai thành thủ phủ các loài cá được không?”, ông ấy đã thống kê “Với hệ thống sông suối chằng chịt, hệ thống các hồ chứa thủy điện và thủy lợi lớn, tỉnh Gia Lai đang sở hữu diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn, với khoảng 15.000 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản”.

Rằng nữa là “Phía đông nam tỉnh Gia Lai là hồ chứa Ayun Hạ với diện tích mặt nước hơn 37 km2, dung tích 153 triệu khối nước, được mệnh danh là đại thủy nông Tây nguyên, cung cấp nước tưới cho hơn 13.000 ha cây trồng, điều hòa khí hậu và đặc biệt có nguồn thủy sản dồi dào.

Các loại cá trong hồ chứa Ayun Hạ đã cung cấp ra thị trường Gia Lai và một số tỉnh, thành khác dù nghề nuôi trồng thủy sản ở đây chưa được tổ chức quy củ. Khu vực này còn có các hồ chứa lớn như Ia Mláh có dung tích hơn 54 triệu khối nước, hồ chứa Ia Hdreh…

Chiêng, xoang và đua thuyền- Ảnh 3.

Hệ thống sông Sê San, một dòng sông lớn ở Tây nguyên, cũng có tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện Ia Ly (720 MW) với dung tích hơn 1 tỉ khối nước cùng các lòng hồ khác ở những thủy điện bậc thang như Sê San 3, Sê San 3A…

Hay ngược lên phía tây Gia Lai là hồ chứa Ia Mơr dung tích 178 triệu khối nước, hồ Plei Pai dung tích gần 21 triệu khối nước. Xuôi về phía đông Gia Lai là sông Ba, lòng hồ C thủy điện Vĩnh Sơn”…

Thì cái chỗ chúng tôi đang lên, nó là một khúc của sông Pô Cô, con sông nổi tiếng trong bài hát “Người lái đò trên sông Pô Cô” của nhạc sĩ Cầm Phong phổ thơ Đào Mai Trang, và là nơi sinh ra, lớn lên và an nghỉ của anh hùng A Sanh (Puih San), nhân vật có tên trong bài hát.

Chiêng, xoang và đua thuyền- Ảnh 4.

Rằng té ra là, rất nhiều người cứ nghĩ phàm là Tây Nguyên thì chỉ có núi rừng, ít sông nên sẽ rất ít những ngư dân quen thuộc sông nước như người Kinh.

Rất là nhầm.

Nếu người Kinh có truyền thống nghề mộc gắn với sông nước lâu năm nên có thể làm ra những con thuyền sông biển rất tài, từ đò ngang tới đò dọc rồi những còn tàu vươn khơi xa…, thì người dân tộc bản địa Tây Nguyên lại làm ra những con thuyền độc mộc rất tài, rất cơ động và độc đáo.

Tất nhiên là nó tốn gỗ. Nhưng bà con sống giữa rừng mà. Có cây gỗ dài đến vài chục mét, đường kính mấy người ôm. Nguyên cái đoạn “vần” được những cái cây ấy xuống bến sông nào đó đã là rất kỳ công rồi. Nếu như người Kinh đóng thuyền bằng ván thì người Tây Nguyên đẽo thuyền từ một cây cổ thụ rất lớn. Độc mộc là cách gọi thông dụng chứ mỗi dân tộc có cách gọi riêng.

Chiêng, xoang và đua thuyền- Ảnh 5.

Từng loại cây được chọn rất kỹ, hạ cả cây xuống, rồi đẽo gọt, tính toán bằng kinh nghiệm chứ không bản vẽ, không con số, không mực tàu thước kẻ… và họ “đẽo đi những phần thừa” thành con thuyền độc mộc, gần như mươi thuyền như một, nổi trên nước đã đành, nhẹ để bơi được tất nhiên, và không lật không chìm nếu không có tác động ngoại cảnh lớn như giông lốc, bom đạn…

Công cụ chỉ có con dao, cái rìu, cứ thế họ miệt mài làm những chiếc thuyền độc mộc hết sức độc đáo như thế.

Và một thời những con thuyền độc mộc ấy là phương tiện, công cụ của những người dân Tây Nguyên gần sông, suối, hồ…

Và cả phục vụ chiến tranh nữa, mà anh hùng A Sanh, và hàng trăm “A Sanh” khác dọc các con sông biên giới trên hệ thống sông Pô Cô là ví dụ.

Chiêng, xoang và đua thuyền- Ảnh 6.

Nhưng giờ, lâu quá rồi, độc mộc thành quá vãng.

Thế nên nó thành của hiếm, của lạ.

Và huyện Ia Grai này đã “phát huy thế mạnh”, biến nó thành một “đặc sản” truyền thống. Và kết hợp nó với chiêng, với xoang (múa), té ra nó lại độc đáo, bén quyện.

Trở lại câu chuyện trên xe, về múa của người Kinh ấy, dẫu cãi nhau về ý kiến của anh bạn, nhưng ai cũng công nhận, bà con các dân tộc thiểu số Việt Nam có nhiều điệu múa dân gian hơn, đẹp hơn, phong phú và cũng bắt mắt hơn.

 Thì cứ nhìn các tiết mục chúng ta mang đãi khách quốc tế ấy, cả trong nước và ra nước ngoài kiểu “đem chuông” thì đa phần là múa dân gian các dân tộc thiểu số.

Món ấy thì công nhận.

Và đây, ngay với người Jrai của huyện Ia Grai này, riêng món xoang cũng đã rất phong phú, dẫu mới nhìn, xem, chưa quen, tưởng nó chỉ lặp đi lặp lại, nhàm. Té ra nó khác nhau, dẫu rất ít, phải tinh tế mới nhận ra,

Và muốn xoang, phải có âm nhạc, bao giờ và ở đâu cũng thế.

Người Tây Nguyên bản địa có món luôn đi kèm xoang, là chiêng.

Cái không gian văn hóa cồng chiêng ấy, có mấy thành tố bắt buộc, là chiêng, người chỉnh chiêng, người chơi chiêng, người xoang, và không gian sống của người bản địa, môi trường để họ chơi chiêng.

Chiêng, xoang và đua thuyền- Ảnh 7.

Tại sao người chỉnh chiêng lại nằm ở vị trí quan trọng ấy.

Nó lại là thế này. Vốn dĩ người Tây Nguyên không làm ra chiêng, mà họ đi đổi, đi mua của người Kinh, người Lào, người Mã Lai…

Nhưng đấy mới chỉ là những cái chiêng vô hồn, nó phát ra tiếng chiêng giống nhau, người kinh sử dụng chúng như phèng la, như chấp lệnh trong các lễ cúng hoặc gõ xung trận khi đánh nhau…

Người Tây Nguyên mua, đổi về, chỉnh lại nốt, nhẫn nại từng nốt, trên cái chiêng ấy, để biến nó thành của mình, nó trở thành đặc sản của mình, tài sản quý của mình, và giờ thì được Unesco công nhận, nó cùng với không gian của nó, là di sản phi vật thể nhân loại.

Điều quan trọng là, đấy là những người đặc biệt, có tai nghe nhạc đặc biệt, như được “giàng” cho, và cũng rất giỏi vật lý, biết tác động vào đâu, như thế nào để chiêng biến đổi nốt như ý của mình, để từng cái chiêng đứng trong dàn chiêng 7, 9, 11, 13… chiếc thành một tổng thể như… một dàn chiêng.

Và một yếu tố nữa của xoang và chiêng là những cặp chân thon dài, những đôi tay muốt trần, những bộ ngực căng nứt, những đôi mắt như thiêu đốt, đen và sâu thăm thẳm.

Tất cả, biến chúng ta thành… lễ hội. Đưa chúng ta lên thiên đường, khiến chúng ta lạc lối trong tưởng tượng, trong mắt thấy tai nghe và những âm u huyền bí để ta đấy mà như một ta khác, bay lên, tan ra và… rã rượi.

Chiêng, xoang và đua thuyền- Ảnh 8.

Tây nguyên còn một thứ nữa cũng được “biến” từ của người thành đặc sản của mình như thế là những cái ghè (ché, chóe). Họ cũng mua, đổi về, từ của người Kinh, người Kinh, người Lào… rồi ủ những “thành tố” rượu trong ấy, thành món rượu cần, rượu ghè nổi tiếng.

Những thứ ấy, hòa trong nhau, tan vào nhau, và bắt chúng ta cũng… tan.

Hôm ấy, tôi cũng tan. Và biết trước thế nên tôi đã tranh thủ chụp được một ít ảnh trước khi sung sướng và dịu êm tan vào chiêng vào xoang, vào những vũ điệu thiên thần của cả người đua thuyền độc mộc và những chàng trai chơi chiêng, những cô gái xoang theo vòng chiêng…

Nhưng cũng kịp bật ra một câu hỏi: Muốn duy trì nó thì phải có thuyền. Mươi năm nữa, những cái thuyền hiện tại hỏng đi, thì lấy đâu gỗ để làm thuyền, và khi ấy, còn mấy người biết làm thuyền?

* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả!

Theo nguoiduatin.vn

Back to top button