Chuyện về gia tộc có nhiều tỷ phú, giáo sư nhất Việt Nam
Đại gia đình doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam của cụ Đỗ Thế Sử có tất thảy 22 con, 37 cháu và 25 chắt. Tất cả con cháu dâu rể đều là cử nhân, kỹ sư, bác sỹ, giáo viên và có gần chục Giáo sư, Phó giáo sư và Tiến sỹ. Trong đó nhiều người là tỷ phú, doanh nhân nổi tiếng trên thương trường.
Gia đình có nhiều tỷ phú, Giáo sư nhất Việt Nam
Cụ Đỗ Thế Sử là người gây dựng nên danh tiếng Đỗ gia – Đại gia đình doanh nhân nổi tiếng ở Việt Nam. Với dòng máu kinh doanh chảy trong huyết quản, năm 14 tuổi, từ khi chạy cờ cho mẹ, cụ Sử khi đó đã biết buôn tơ với các bà ở Hàng Ngang, Hàng Đào.
Năm 1945, cụ là Đại biểu Hội đồng nhân dân trẻ nhất khóa đầu tiên của tỉnh Sơn Tây.
Đến năm 73 tuổi, cụ Đỗ Thế Sử vẫn quyết định thành lập doanh nghiệp, làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Phát triển Xuất khẩu May mặc và hơn 90 tuổi vẫn điều hành công ty.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi trao Kỷ niệm chương cho cụ Đỗ Thế Sử đã phát biểu: “Cụ Sử là một bằng chứng rằng – 14 tuổi kinh doanh cũng chưa phải là sớm và 90 tuổi kinh doanh cũng chưa phải đã muộn…”.
Mỗi lần nhắc tới đại lão doanh nhân đứng đầu gia tộc họ Đỗ, nhiều người vẫn nhớ về câu chuyện cụ bỏ lại sự nghiệp, từ chức Tổng biên tập Báo Sơn Tây để về tham gia lao động sản xuất vì muốn 9 đứa con học hành đầy đủ.
Sau này, vợ ốm rồi đột ngột ra đi, cụ Sử một mình nuôi con từ người nhỏ nhất mới chỉ chập chững lên 2 đến khi thành danh. Trong tâm trí của những người con, suốt gần 14 năm, vừa làm cha vừa làm mẹ, cụ Sử chưa một lần than vãn.
Ban ngày lao động, tối về cụ bảo các con ngồi thành hai bàn dài để dạy học. “Tôi là người cha nghiêm khắc, yêu cầu rất cao ở con mình. Vừa phải lao động vừa phải học giỏi xuất sắc điểm A, không có B”, cụ từng chia sẻ.
Thương và vâng lời bố, các con cụ đều rất tự lực cánh sinh. Ngoài giờ học, các con lớn còn giúp bố nấu cơm, trông em, nuôi lợn, 6 tuổi đã tự giữ tem phiếu để xếp hàng nhận thực phẩm.
Ngày đi làm hợp tác, tối dạy con học, đêm ngủ người cha vẫn thường phải soi đèn đếm chân xem có đủ 9 đứa con không.
Đến khi người con út tròn 17 tuổi và đi nước ngoài học tập, cụ mới tục huyền với mong ước các con có mẹ, được đủ đầy. Với cuộc hôn nhân mới, cụ có thêm 2 người con, làm cha của tất thảy 11 đứa trẻ.
Sau khi con trai đi du học nước ngoài, ngoài mỗi cuộc điện thoại hàng tuần để hỏi thăm, dặn dò, nhắc nhở con, mỗi tuần cụ viết thêm một lá thư gửi cho con theo đường bưu điện. Cụ Nguyễn Kim Phương, vợ hai của cụ Sử từng kể năm 1997, mỗi tháng nhà cụ “đốt hết” 5,2 triệu tiền điện thoại. Cả nhà đều sốt ruột nhưng không ai dám ngăn cản vì biết cụ vẫn luôn lo lắng cho con cái như thế.
Gia đình đông con hiếm có khi nào toàn vẹn, nhất là khi sinh trưởng và lớn lên trong thời kỳ đất nước có nhiều khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, 11 người con cụ Sử đều trở thành doanh nhân lẫy lừng, có người là giáo sư tiến sĩ hàng đầu của nền y khoa, giáo dục.
Cụ Sử từng bộc bạch: “Tôi chỉ có ba điều để tựa vào, đó là trí tuệ, quyết tâm và đức hay lam hay làm. Tôi chịu khó học hỏi và tìm tòi sáng tạo trong công việc…”.
Chẳng thế mà dù thành thạo tiếng Pháp, 80 tuổi, cụ vẫn tiếp tục học tiếng Anh. Ngay cả khi chuẩn bị bước sang tuổi 90, cụ vẫn mua sách tiếng Trung về tự học, khuyến khích con cháu học theo.
Theo lời kể của những người con họ Đỗ, trong buổi sum họp con cháu chiều 30 Tết, cụ có thói quen tổng kết năm cũ bằng tiếng Anh, thứ tiếng cụ gọi là của “công dân toàn cầu”, với phong thái tự tin và trôi chảy.
Sự học không chỉ dừng trên sách vở mà cả học trên thương trường ở tuổi xưa nay hiếm. Vì vậy, 62 tuổi nghỉ hưu, cụ xuất khẩu may mặc sang Tiệp; 73 tuổi, thành lập công ty Gamexco, điều hành hàng trăm công nhân lao động.
“Hổ phụ sinh hổ tử”
Dường như, gia đình của cụ Đỗ Thế Sử có “gene” đại gia khi cả 11 người con của cụ, ai cũng giỏi giang, thành đạt. Theo đó, người con trai cả là Đại tá, Kỹ sư Đỗ Thái Tùng đã nghỉ hưu nhưng vẫn đang làm việc cho một công ty lớn ở Hà Nội. Người con thứ hai là Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân đội 103, hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu bệnh viện Vimec.
Người con thứ ba cũng là người nổi tiếng nhất là ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Tiên Phong.
Ông Đỗ Quốc Bình là Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội. Ông Đỗ Anh Tuấn giữ chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ nhiệt lạnh FTD. Ông Đỗ Anh Tú là Tổng giám đốc Công ty Diana.
Người con trai thứ bảy là Đỗ Khôi Nguyên, tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Mỹ, luật sư thuộc ngành sở hữu trí tuệ ở Mỹ, hiện đang làm cho một công ty của Mỹ ở Hà Nội.
Người con gái đầu của cụ là nhà giáo Đỗ Minh Thuận đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn tham gia công tác giảng dạy. Những người con gái khác của cụ cũng rất thành đạt với nghiệp kinh doanh như bà Đỗ Kim Dung, Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các công ty sữa, bà Đỗ Xuân Mai và chồng là điều hành Công ty Green Global…
Từ kinh nghiệm đời mình, cụ Đỗ Thế Sử chia sẻ rằng, muốn các con thành đạt thì người cha phải là tấm gương sáng cho con học tập về tri thức, nhân cách; người cha phải là người biết khả năng của con mình đến đâu để có định hướng đúng.
Trong số 11 người con của cụ Sử, ông Đỗ Minh Phú – người con trai thứ ba có sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng nhất. Không chỉ sáng lập Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI và kinh doanh thành công, ông Phú và em trai Đỗ Anh Tú đã tạo dựng thành công thương hiệu Diana và bán lại cho tập đoàn Unicharm với giá từ 180-200 triệu USD.
Sau thương vụ M&A đình đám này, anh em ông Phú và Tập đoàn Doji đã mua lại 20% cổ phần tại Tienphong Bank (nay là TPBank). Không chỉ TPBank, Doji cũng nắm cổ phần chi phối tại một số doanh nghiệp khác.
“Thấm nhuần chữ Đạo làm người từ người cha hơn 90 tuổi vẫn trực tiếp điều hành công ty xuất khẩu, những người con cháu của ông vẫn luôn đặt bài học tự lực cánh sinh làm đầu”, người con trai thứ ba, ông Đỗ Minh Phú nói.
Tới nay, cụ Sử đã có tất thảy 22 con, 37 cháu và 25 chắt. Tất cả con cháu dâu rể đều là cử nhân, kỹ sư, bác sỹ, giáo viên và có gần chục Giáo sư, Phó giáo sư và Tiến sỹ.
Thế hệ thứ ba của nhà họ Đỗ vẫn tiếp nối truyền thống gia đình. Nhiều người đang cùng thế hệ cha anh dẫn dắt doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Gia tộc họ Đỗ góp một phần phát triển kinh tế xã hội qua suốt một thế kỷ, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động.
Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI kiêm Chủ tịch HĐQT TPBank từng chia sẻ, không chỉ có dòng máu kinh doanh chảy trong huyết quản, cũng chẳng phải nhờ gia thế lẫy lừng, mà chính tinh thần tự lập, tự cường đã góp phần tạo nên một Đỗ Minh Phú bản lĩnh như ngày hôm nay. Những thành công có được hôm nay của ông và các anh em nhờ vào sự dạy dỗ và 3 chữ tự của cha để lại.
Hình ảnh về người cha tận tụy, hết lòng về con cái luôn khắc sâu trong tâm trí của ông Phú. Ông từng gửi gắm điều này qua bài thơ “Cha tôi”.
Đạo quân tử, Cha một tấm gương trong
Đạo làm người, Cha là vầng trăng sáng
Đạo học kia như ánh sao ngời rạng
Bạn bè tôi khâm phục nói về người.
Ngày 10/5/2019, đại lão doanh nhân Đỗ Thế Sử đã tạ thế, hưởng thọ 97 tuổi.
Lê Lan
Theo: nguoiduatin.vn