Có uẩn khúc trong việc chậm tước bỏ danh hiệu Hoa hậu Đại dương của Lê Âu Ngân Anh?

Vì bị từ chối cấp phép đi thi quốc tế, Hoa hậu Lê Âu Ngân Anh đã khởi kiện cục Nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, nhìn lại hơn 1 năm qua, công chúng tự hỏi vì sao người đẹp này vẫn chưa bị tước bỏ danh hiệu?

Trong nhiều tuyên bố, người đẹp Lê Âu Ngân Anh khẳng định, bản thân không có lỗi và chưa bị tước bỏ danh hiệu nên cô vẫn là đương kim Hoa hậu Đại dương. Vì thế, yêu cầu đi thi quốc tế của cô cần được giải quyết theo đúng thủ tục.

Góc nhìn luật gia - Có uẩn khúc trong việc chậm tước bỏ danh hiệu Hoa hậu Đại dương của Lê Âu Ngân Anh?
Kết quả cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 vẫn gây tranh cãi sau hơn 1 năm kết thúc. (Ảnh: Hà Nhân).

Từ đó, câu chuyện quay lại vấn đề, vì sao chưa hủy kết quả cuộc thi và tước bỏ danh hiệu của Lê Âu Ngân Anh?

Cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 là cuộc thi người đẹp đầu tiên bị cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đề nghị hủy bỏ kết quả. Và Lê Âu Ngân Anh cũng là Hoa hậu đầu tiên bị đề nghị thu hồi danh hiệu.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm qua, việc hủy bỏ kết quả và thu hồi danh hiệu vẫn không có tiến triển. Chuyện một cuộc thi “phớt lờ” chỉ đạo và yêu cầu của cơ quan Nhà nước khiến dư luận hoài nghi về sự nghiêm minh trong công tác quản lý văn hóa.

Góc nhìn luật gia - Có uẩn khúc trong việc chậm tước bỏ danh hiệu Hoa hậu Đại dương của Lê Âu Ngân Anh? (Hình 2).
Lê Âu Ngân Anh đã thừa nhận với báo chí về chuyện từng phẫu thuật thẩm mỹ. (Ảnh: Hà Nhân).

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia pháp lý cho rằng, công tác quản lý của cục Nghệ thuật biểu diễn chưa hợp lý và thiếu thuyết phục, tạo kẽ hở cho các vi phạm không được xử lý triệt để.

Luật sư Đặng Thành Trí, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Một năm trước, cục Nghệ thuật biểu diễn đã ban hành công văn đề nghị ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 hủy bỏ kết quả. Xin nhấn mạnh là Cục “đề nghị” chứ không ghi rõ là bắt buộc”.

Việc đề nghị này hoàn toàn có căn cứ theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Đối chiếu theo hành vi “Đưa thí sinh thi người đẹp, người mẫu không đủ các điều kiện theo quy định”, tại điểm b, khoản 1, Điều 14 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, mức xử phạt đưa ra cho ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương 2017 là 4 triệu đồng.

Nhưng sau đó, Nghị định này được bổ sung, sửa đổi bằng Nghị định 28/2017/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP.

Nghị định 28/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05/05/2017. Trong đó, Điều 2 về Biện pháp khắc phục hậu quả đã bổ sung 4 khoản từ 8 đến 10. Khoản 10 quy định “Buộc thu hồi danh hiệu, giải thưởng trao cho cá nhân đạt giải cuộc thi người đẹp, người mẫu;…”.

“Như vậy, ngay từ đầu, cục Nghệ thuật biểu diễn đã viện dẫn thiếu sót các quy định pháp luật trong cách xử lý, dẫn đến sự việc bị kéo dài”, ông Trí cho hay.

Luật sư Trí cũng phân tích thêm, tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhưng hệ thống quy định pháp lý quản lý cuộc thi sắc đẹp vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý. Nghị định 28/2017/NĐ-CP vẫn còn thiếu sót khi không quy định cụ thể về các trường hợp vi phạm như thế nào sẽ bị thu hồi, chưa hoàn thiện về khung xử phạt với từng trường hợp và không nói rõ trường hợp nào sẽ bị thu hồi danh hiệu.

Nghị định 28/2017/NĐ-CP còn quy định mức xử phạt từ 15 – 30 triệu đồng nếu BTC “không thu hồi danh hiệu đã trao cho cá nhân đạt giải cuộc thi người đẹp, người mẫu khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép yêu cầu” (điểm d, khoản 5, Điều 14).

Từ đó, công chúng có thể thấy công tác vận dụng pháp lý trong quản lý hoạt động văn hóa nghệ thuật vẫn còn nhiều bất cập. Và nếu Lê Âu Ngân Anh tự ý đi thi quốc tế, bất chấp việc không được cấp phép thì biện pháp ngăn chặn của cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ là gì? Hay lại là xảy ra hậu quả rồi phạt tiền?

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button