Dệt may Sài Gòn và mảng đầu tư “đẻ trứng vàng” mang tên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Dệt may Sài Gòn và mảng đầu tư “đẻ trứng vàng” mang tên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Sau 25 năm chuyển hướng đầu tư vào giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, dưới sự hỗ trợ của Dệt may Sài Gòn, ngày càng khẳng định tiềm năng với những khoản thu khổng lồ hàng năm.
Hàng nghìn tỷ đồng từ đầu tư giáo dục đại học
Năm học 2023-2024 khép lại với nhiều dấu ấn đáng chú ý, đặc biệt là các con số doanh thu “khủng” đến từ nhiều trường đại học. Bên cạnh các trường công lập, một số trường đại học tư thục cũng nổi bật với mức thu nhập khổng lồ.
Đáng kể là Trường Đại học Nguyễn Tất Thành với hai năm liên tiếp tổng thu vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, trong năm học 2023-2024, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đạt doanh thu 1.475 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước.
Trong đó, 98% đến từ nguồn thu học phí, còn lại là 11,7 tỷ đồng từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, cùng 9,7 tỷ đồng từ các nguồn hợp pháp khác.
Những con số này cho thấy tiềm năng sinh lời lớn của mảng đầu tư vào giáo dục đại học, đặc biệt là các trường tư thục – một lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Hành trình của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành gắn liền với Công ty Cổ phần Dệt may Sài Gòn, vốn có xuất phát điểm là một công ty sản xuất và kinh doanh dệt may. Trước áp lực đổi mới vào cuối thế kỷ 20, Dệt may Sài Gòn đã quyết định chuyển đổi công năng từ nhà máy thành một trung tâm đào tạo nghề.
Vào năm 1999, Trung tâm Đào tạo Công nhân may được thành lập, rồi dần chuyển đổi thành Trường Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Bán công Nguyễn Tất Thành vào năm 2002.
Với sự thay đổi về định hướng phát triển, từ một trung tâm dạy nghề, qua nhiều giai đoạn nâng cấp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chính thức được thành lập vào năm 2011 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Mối liên hệ khăng khít giữa Dệt may Sài Gòn và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Không chỉ đơn thuần là một mối quan hệ đầu tư, Dệt may Sài Gòn và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có sự gắn kết chặt chẽ thông qua đội ngũ lãnh đạo. Bà Nguyễn Mai Lan – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT của Dệt may Sài Gòn.
Bên cạnh đó, các Phó Chủ tịch của Dệt may Sài Gòn như ông Trần Văn Ái, ông Nguyễn Kim Quý và ông Nguyễn Văn Lượng đều đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong Hội đồng Trường.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có bốn cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm cơ sở chính tại quận 4, cơ sở An Phú Đông (quận 12), cơ sở Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), và cơ sở công nghệ cao tại Tp. Thủ Đức.
Đáng chú ý, cơ sở tại quận 9, Tp. Thủ Đức của Nguyễn Tất Thành đã được đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, tập trung phát triển các dự án như Trung tâm Phát triển và Đào tạo Công nghệ cao, cùng Công viên Thiên niên kỷ.
Theo giới thiệu trên website Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (ntt.edu.vn), hiện cơ sở giáo dục ngoài công lập này có hệ thống gồm 52 ngành học với 3 thư viện, 204 phòng thí nghiệm, thực hành và 521 giảng đường, phòng học, phòng làm việc.
Bức tranh tài chính rộng mở Dệt may Sài Gòn
Song song với thành công trong lĩnh vực giáo dục, Dệt may Sài Gòn vẫn duy trì hoạt động sản xuất và xuất khẩu lao động – hai lĩnh vực cốt lõi của công ty. Theo đó, Dệt may Sài Gòn đang là công ty cung cấp cho nhiều thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, các nước Trung Đông và Nhật Bản.
Theo tài liệu của Người Đưa Tin, từ năm 2020 – 2022, Dệt may Sài Gòn đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Năm 2022, doanh thu thuần của công ty đạt 1.360 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước, trong khi lợi nhuận gộp tăng 21,7%, đạt 933 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 52%, đạt 353 tỷ đồng – đánh dấu năm thứ ba liên tiếp công ty tăng trưởng.
Cuối năm 2023, tổng tài sản của Dệt may Sài Gòn đạt 1.645 tỷ đồng, bao gồm 897 tỷ đồng tài sản ngắn hạn và 747 tỷ đồng tài sản dài hạn.
Tuy nhiên, tổng nợ cũng tăng 34% so với cùng kỳ, lên 736 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty cũng ghi nhận sự tăng trưởng liên tục, từ 390 tỷ đồng năm 2020 lên 540 tỷ đồng năm 2022, tăng 38%.
Theo nguoiduatin.vn