Du học sinh Việt say mê nhạc cổ truyền, khi người trẻ đi thật xa để trở về

 

Trưởng thành trong môi trường giáo dục tư thục rồi đi du học tại Canada, nhiều người bất ngờ vì cô gái Lục Phạm Quỳnh Nhi vẫn giữ được nét truyền thống đậm đà trong lối sống của mình.

Nhận ra mình bằng cổ nhạc

Lục Phạm Quỳnh Nhi năm nay 20 tuổi, hiện là du học sinh tại đại học Fairleigh Dickinson (Canada) sau khi tốt nghiệp một trường THPT tư thục tại TP.HCM. Cô tham gia nhóm Cội Việt, tổ chức những buổi tìm hiểu văn hóa dân tộc, đặc biệt là cổ nhạc như đờn ca tài tử, hát sắc bùa… trong thời gian về Việt Nam nghỉ Hè, nghỉ Xuân.

Mê âm nhạc cổ truyền là vậy nhưng Quỳnh Nhi lại chia sẻ: “Nhà tôi không có ai theo con đường nghệ thuật. Tôi và em gái là hai người đầu tiên học nhạc cụ. Tuy vậy ba mẹ luôn sẵn lòng ủng hộ con cái học những gì chúng thích. Đặc biệt là ba tôi. Thông qua các bài hát ru và các câu chuyện kể đã nuôi dưỡng cho tôi tình yêu đối với văn hoá lịch sử”.

Nhịp trẻ - Du học sinh Việt say mê nhạc cổ truyền, khi người trẻ đi thật xa để trở về
Nữ du học sinh tìm thấy mình qua cổ nhạc.

“Năm lớp 10, tôi biết đến nhóm Cội Việt, một tổ chức giáo dục về văn hoá lịch sử. Từ đó, tôi có cơ hội học hỏi nhiều hơn, tình yêu đó lớn dần. Cho đến khi đọc xong hồi ký của thầy Trần Văn Khê, duyên hạnh như đã hội đủ, tôi quyết định sẽ làm gì đó cụ thể cho văn hoá chứ không chỉ là nói suông nữa. Rồi tôi học đàn tranh và càng học thì càng thấy mê say đến bây giờ”, Quỳnh Nhi cho hay.

Cô du học sinh Canada này từng trải qua nhiều giai đoạn hoang mang về việc mình là ai, vì sao lại suy nghĩ, hành động như hiện nay. Việc học nhạc cổ truyền giúp Quỳnh Nhi nhận ra, một người khi sống nên có ba chiều thời gian quá khứ – hiện tại – tương lai.

“Thông qua cổ nhạc tôi hiểu được về quá khứ, là bối cảnh đất nước, văn hoá, cái nôi mình sinh ra và có phần chịu ảnh hưởng. Đối với cổ nhạc, tôi sẽ hiểu được thanh âm của các vùng miền, nhạc miền Bắc vui nhộn tình tứ, nhạc miền Trung man mác buồn, hay nhạc miền Nam dí dỏm với các điệu lý nhưng cũng có lúc man mác buồn”, Quỳnh Nhi bộc bạch

Vì thế, Quỳnh Nhi cho rằng mình đã may mắn khi vượt qua giai đoạn hoang mang của tuổi trẻ, nên muốn chia sẻ lại cho các bạn khác như một lời gợi ý để biết đâu đấy có bạn sẽ có duyên với cổ nhạc và đi theo con đường bảo tồn văn hoá Việt.

Tấm lòng với văn hóa cộng đồng

Đang du học ở Canada và từng trao đổi văn hóa ở Đài Loan, nhưng dù ở đâu, Quỳnh Nhi vẫn tiếp tục chơi và giao lưu văn hoá bằng những bài ca dân gian Việt Nam. Từ đó, Quỳnh Nhi nhận ra sự hấp dẫn của văn hoá Việt Nam đối với các bạn nước ngoài là tính giản dị, thể hiện qua hình dáng các nhạc cụ, nhưng cũng đa dạng và linh hoạt khi chơi nhạc, qua hệ thống dân ca từ Bắc đến Nam, các hơi điệu.

“Các bạn nước ngoài lần đầu nghe cổ nhạc Việt Nam đa phần là ngạc nhiên thích thú. Không chỉ nghe rất hay mà còn diễn tả được nhiều cảm xúc mà các bạn không ngờ thông qua đó lại có thể hiểu được tính cách của người Việt nhiều như vậy”, Quỳnh Nhi cho biết.

Cô còn kể: “Có lần tôi đi taxi và tài xế là người Đài Loan, thấy tôi mang theo đàn tranh, người ấy đã hỏi về nhạc cụ này và âm nhạc Việt Nam. Tôi đã chia sẻ với anh ấy y hệt như nội dung mà mình thuyết trình ở các chương trình giao lưu.

Một lần khác khi đã về Việt Nam, một anh xe ôm cũng thích nhạc cổ truyền đã hỏi tôi một số câu hỏi và tôi cũng trả lời cặn kẽ cho anh như là đang thảo luận trên diễn đàn. Tôi nghĩ việc thiết thực là dù chỉ giúp cho một người hay một nhóm, một cộng đồng, hay cho chính bản thân mình, cần dốc hết lòng hết sức, làm tử tế đàng hoàng là đã được hạnh phúc rồi”.

Nhịp trẻ - Du học sinh Việt say mê nhạc cổ truyền, khi người trẻ đi thật xa để trở về (Hình 2).
Với Quỳnh Nhi, âm nhạc dân tộc là niềm tự hào để bước ra thế giới.

“Tôi luôn cho rằng học là mình tích luỹ cho mình trước, để chia sẻ với những người có duyên bằng cả tấm lòng mình, lan toả dần ra là được. Tôi hy vọng âm nhạc cổ truyền nói riêng và văn hoá nói chung sẽ là dòng nước mát cho đời sống tinh thần của mọi người, hướng con người đến cái đẹp và cái thiện”, nữ du học sinh Canada nói.

Đi thật xa rồi trở về quê hương, Quỳnh Nhi đánh giá: “Theo tôi, Việt Nam cũng giống như Canada ở tính đa dạng văn hoá. Quê hương chúng ta không chỉ có người Kinh mà còn có người Hoa, người Khmer, và càng ngày càng nhiều nhóm cư dân đến trú ngụ như Hàn Quốc, Mỹ… Người Việt Nam có thể xem múa ballet, xem kịch, nghe đờn ca tài tử hay ca trù…Không gian văn hoá cộng đồng là nơi để văn hoá được trưng bày ra cho người dân chọn lựa, và càng đa dạng càng sắc màu thì đời sống sẽ thi vị hơn”.

Tuy nhiên, cô cũng nhận ra rằng, tốc độ phát triển nhanh nhưng lại ít không gian văn hoá cộng đồng, nhịp sống bận rộn với công việc nên các yếu tố văn hoá chưa được khai thác hoàn toàn là một điều đáng tiếc cho Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,…

Kết thúc cuộc trò chuyện, Quỳnh Nhi chia sẻ: “Có thể ba mẹ ảnh hưởng đến lựa chọn của tôi, nhưng người quyết định, chịu trách nhiệm và sống với lựa chọn ấy vẫn là mình. Tôi nghĩ lắng nghe chính mình là điều tiên quyết. Và đối người trẻ chúng ta, quan trọng là khi đi trên con đường, cứ an tĩnh, kiên nhẫn và chịu trách nhiệm với quyết định ấy thì hạnh phúc đã nằm trên từng bước chân rồi”.

 

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button