Giải mã “độ” ranh ma của trùm đường dây ma túy 500 tỷ có hình xăm hổ bên chân trái
Trước khi bị tóm gọn, Liu Ming Yang lần lượt chọn 2 địa điểm để tập kết các máy ép bao bì, chuẩn bị cho khâu cất giấu ma túy để xuất đi nước thứ ba. Nếu như kho hàng ở Bình Chánh là địa điểm vùng ven hẻo lánh, thì ngôi nhà ở đường Gò Xoài, quận Bình Tân lại khá đông đúc dân cư.
Clip: Địa điểm đầu tiên tại TP.HCM được các đối tượng trong đường dây ma túy chọn để cất giữ máy ép bao bì.
Thay đổi địa điểm, “thoát xác” liên tục
Ngày 14/5, PV báo Người Đưa Tin có mặt tại ngôi nhà trên đường Gò Xoài, quận Bình Tân, TP.HCM để tìm hiểu thêm thông tin liên quan vụ đường dây ma tuý do Liu Ming Yang (người Đài Loan – Trung Quốc) cầm đầu vừa bị cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý (C04, bộ Công an) phối hợp cục Hải quan TP.HCM triệt phá.
Ngôi nhà được các đối tượng trong đường dây nửa tấn ma túy thuê để cất máy ép bao bì nằm trong hẻm nhỏ trên đường Gò Xoài, quận Bình Tân. Tuy nằm trong hẻm nhưng ngôi nhà chỉ cách đường lớn một căn nhà khác. Căn nhà có thêm một tầng lầu, bề ngoài khá khang trang, không phù hợp để thuê làm nhà kho.
Thế nhưng, kẻ cầm đầu đường dây này lại ra lệnh cho đàn em chủ động thuê và tập kết 4 máy ép bao bì về đây. Đây là điểm mấu chốt khiến nhiều người bất ngờ. Các đối tượng dùng đòn tâm lý để hòng qua mặt cơ quan chức năng.
Qua quan sát của PV, với kết cấu và vị trí của ngôi nhà, người sống bên trong căn nhà đứng ở tầng 1 có thể dễ dàng để theo dõi hoạt động diễn ra bên ngoài đường Gò Xoài. Một cán bộ điều tra tiết lộ: “Với vị trí của ngôi nhà, trinh sát khó mà có nơi cố định bí mật để ngồi theo dõi, giám sát hoạt động của các đối tượng bên trong ngôi nhà”.
Chị T., người dân sống cùng con hẻm có căn nhà các đối tượng thuê chia sẻ: “Họ chở một số máy móc đến rồi khóa cửa ngôi nhà và không có hoạt động nào khác. Khoảng chừng hơn 1 tuần sau, một số người đến chở các máy móc đó đi. Tôi thấy ngôi nhà khang trang mà họ thuê để chứa máy móc nên cũng thấy lạ”.
Cũng theo chị T. tiết lộ, chị có biết việc trinh sát thường ngồi ở quán cà phê đầu hẻm để theo dõi hoạt động của căn nhà. Có lẽ, nhóm người này cũng phát hiện bị theo dõi nên tìm cách chuyển máy ép đi nơi khác.
Trước hàng loạt vụ vận chuyển ma túy bị triệt phá, nhóm đối tượng quyết định thay đổi địa điểm “thoát xác” ma túy. Từ ngôi nhà ở hẻm trên đường Gò Xoài, nhóm của Liu Ming Yang chuyển 4 máy ép bao bì về kho hàng ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tại đây, các đối tượng tìm cách ép ma túy vào 4 chiếc máy ép bao bì để vận chuyển đi nước thứ ba.
Theo dấu các đối tượng có xăm hình con hổ ở chân trái
Kho hàng ở xã Vĩnh Lộc A được xây dựng khá sơ sài nhưng kín kẽ, có camera quan sát phía trước. Kho nằm trên con đường Liên ấp 2-3-4 nhỏ hẹp. Hai camera phía trước kho có thể theo dõi bao quát cả hai chiều của con đường trước mặt. Phía sau của kho là đồng ruộng rất thoáng và dễ quan sát khi có người muốn tiếp cận. Hiện tại, kho hàng đã bị cơ quan chức năng niêm phong để phục vụ công tác điều tra.
Anh Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng tổ 14, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh cho biết: “Trước khi đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia của nhóm người nước ngoài bị triệt phá, trinh sát có đến hỏi tôi về hoạt động của nhóm người bên trong kho hàng. Lúc đó, tôi biết gì đều kể hết cho trinh sát nghe. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ trinh sát là người hiếu kỳ, hoặc muốn làm ăn với chủ thuê kho hàng nên dò hỏi dân địa phương. Khi chuyên án được phá, tôi mới biết người hỏi mình là trinh sát đang theo dõi đường dây ma túy”.
Một người dân sống tại tổ 14 chia sẻ thêm: “Có lẽ, các trinh sát đã sống bên cạnh chúng tôi trong thời gian qua mà có ai hay biết đâu. Các anh tài tình thiệt. Bọn tội phạm ma túy nguy hiểm lắm, có súng hết, mà bắt gọn như vậy thật đáng biểu dương”.
Về khó khăn khi phá chuyên án, Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy, bộ Công an nói tại buổi họp báo ngày 12/5, từ tháng 8/2018, sau khi phát hiện và nhận định đường dây vận chuyển ma túy do các đối tượng Đài Loan cầm đầu, cục Cảnh sát ma túy đã phối hợp với cục Hải quan điều tra, thu thập chứng cứ, nhận định các đối tượng cầm đầu, nhận định hình thức hoạt động của băng nhóm.
“Các tổ công tác phải đeo bám, có lúc mất dấu các đối tượng. Trong khi đó các đối tượng chủ chốt thường không ra mặt, trao đổi liên lạc với nhau bằng thiết bị hiện đại qua vệ tinh, internet. Chỉ có một điểm chung là các đối tượng cầm đầu có xăm hình con hổ ở chân trái. Đối tượng liên tục dùng “tiểu xảo” để phát hiện lực lượng chức năng”, Thiếu tướng Phạm Văn Các chia sẻ thêm.
Theo : nguoiduatin.vn