Góc nhìn pháp lý vụ tài xế Go-Viet gây tai nạn, ai sẽ phải bồi thường cho khách hàng?
Liên quan đến vụ việc tài xế Go-Viet gây tai nạn rồi bỏ mặc hành khách, khách hàng phàn nàn việc hãng xe Go-Viet vô trách nhiệm không một lời hỏi thăm.
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thúy Hà, khách hàng sử dụng dịch vụ xe ôm của của Công ty TNHH thương mại công nghệ Go-Viet (Go-Viet) kể lại: Hôm 22/3, thông qua ứng dụng Go Viet, chị đặt một xe ôm đưa con đi học từ ngõ 28 Lương Định Của, Kim Liên, Đống Đa đến trường trường Tiểu học Bế Văn Đàn, Ngõ 14 Hồ Đắc Di, Đống Đa, Hà Nội.
Tài xế nhận chở hôm đó là anh Trần Lương Huân, 22 tuổi, sử dụng xe Honda Lead biển kiểm soát 29L1-29140. Khi xe di chuyển đến đoạn bùng binh Hồ Đắc Di giao Đặng Văn Ngữ, xe anh Huân đã va chạm với xe 4 chỗ mang biển kiểm soát 29A-48005. Va chạm mạnh đã khiến cháu T.M.C, 6 tuổi (con gái chị Hà) rách toạc chân, mất nhiều máu phải đi cấp cứu.
Cháu C. bị tai nạn phải vào viện cấp cứu. |
Điều khiến cả gia đình chị Hà bất bình là từ hôm xảy ra tai nạn, hãng xe Go-Viet không hề liên hệ hay phản hồi gì về trách nhiệm của hãng đối với khách hàng.
Liên quan đến thông tin này, báo điện tử Người Đưa Tin đã liên hệ với đại diện hãng xe Go-Viet. Theo đó, nói về sự cố nêu trên, hãng xe Go-Viet cho biết: “Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc vì sự việc vừa qua. Sau khi tiếp nhận sự việc, Go-Viet đã tiến hành làm việc với đối tác tài xế và người dùng. Trên quan điểm không khoan nhượng với những hành vi gây ảnh hưởng đến an toàn của người dùng, chúng tôi đã tiến hành khóa tài khoản của đối tác tài xế. Hiện tại, Go-Viet đã đến thăm và gửi lời xin lỗi đến người dùng”.
Phải đến ngày 11/4, đại diện Công ty TNHH Thương Mại Công Nghệ Go Viet (Go Viet) – ông Trương Văn Mạnh, phụ trách phát triển cộng đồng xe Hà Nội đã đến thăm hỏi gia đình chị Hà.
Trong buổi trao đổi, ông Trương Văn Mạnh giải thích lý do chậm chễ trong trả lời phản ánh của khách hàng đó là: “Go-Viet đang gặp nhiều khó khăn vì từ khi xảy ra sự việc tài xế Huân không nghe điện thoại của bất kỳ ai nên không thể gọi tài xế lên trình diện, làm rõ trách nhiệm. Thậm chí, Go-Viet còn phải nhờ cộng đồng xe ôm liên hệ trực tiếp. Mặt khác, địa chỉ nhà chị Hà không rõ ràng…”.
Cùng với đó, khi PV đặt ra các câu hỏi như: Lái xe Trần Lương Huân đăng ký tham gia Go-Viet từ khi nào, đã được đào tạo tại Go-Viet chưa, đào tạo những nội dung, kỹ năng gì? Trong giá cước vận tải của Go-Viet có bảo hiểm cho hành khách tham gia sử dụng dịch vụ không? Trách nhiệm và quy định chi trả bảo hiểm cho hành khách sử dụng dịch vụ vận chuyển như thế nào? Từ khi tham gia thị trường Việt Nam đến nay, tài xế của Go-Viet đã để xảy ra vụ tai nạn nào chưa? Cách thức giải quyết của công ty ra sao? Tại sao Go-Viet lại chậm chễ trong việc trả lời thông tin của khách hàng? Có hay không việc khoái thác trách nhiệm của hãng? Nhưng các câu hỏi này không được Go-Viet phản hồi.
Trước thông tin phản hồi trên, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe ý kiến phân tích từ Ths.Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội).
Phân tích ở khía cạnh khách hàng có được đền bù và đền bù như thế nào?, Ths.Luật sư Đặng Văn Cường nói: “Dưới góc độ pháp lý, việc tài xế xe mô tô chở khách hàng di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác theo thỏa thuận của hai bên và khách hàng phải thanh toán cước phí vận chuyển việc này nghĩa là hai bên đã xác lập Hợp đồng vận chuyển hành khách quy định tại Điều 522, 523 Bộ luật dân sự 2015.
Theo quy định tại Điều 528 BLDS, trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bên vận chuyển chỉ không phải bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình”.
Ths.Luật sư Đặng Văn Cường phân tích yếu tố pháp lý xoay quanh vụ việc (Ảnh minh hoạ). |
Theo Ths.Luật sư Đặng Văn Cường, việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm quy định tại Điều 590 BLDS gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người thiệt hại gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Pháp luật còn quy định trường hợp Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra quy định tại Điều 597 BLDS, theo đó Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
“Do đó, trong sự việc báo chí phản ánh nêu trên, khách hàng thuê xe mô tô vận chuyển con trai đi học nhưng xe mô tô có va chạm với xe ô tô khác gây tai nạn giao thông, hậu quả cháu bé bị thương phải vào viện điều trị, nếu thiệt hại xảy ra do lỗi của tài xế xe ô tô thì trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại thuộc về tài xế xe ô tô, còn nếu sự việc xảy ra do lỗi của tài xế xe mô tô Go-Viet thì tài xế xe mô tô này có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho gia đình cháu bé. Trường hợp tài xế xe mô tô này là làm công hoặc là nhân viên của một pháp nhân thì pháp nhân đó phải bồi thường thiệt hại sau đó có quyền yêu cầu tài xế xe phải hoàn trả khoản tiền đó.
Như vậy, trường hợp này trách nhiệm bồi thường chỉ đặt ra với Go-Viet khi tài xế xe mô tô đó là người được Go-Viet thuê, mướn làm công hoặc là nhân viên, người lao động của Go-Viet. Nguyên tắc bồi thường và các khoản chi phí bồi thường thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự như tôi đã phân tích nêu trên”, Ths.Luật sư Cường nhấn mạnh.
Ths.Luật sư Đặng Văn Cường cũng chỉ ra, cần phải hiểu về cách thức hoạt động của Go-Viet để xem xét trách nhiệm của Go-Viet trong trường hợp này. Ứng dụng Go-Viet mà người dân thường hay dùng để đặt xe được cung cấp bởi Công Ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Go-Viet. Ứng dụng Go-Viet là một phần mềm được sử dụng như là phương tiện tìm kiếm dịch vụ sử dụng xe mô tô được cung cấp bởi bên thứ ba (các tài xế xe mô tô) mà Go-Viet gọi là nhà cung cấp dịch vụ. Loại hình dịch vụ mà khách hàng có thể yêu cầu thông qua ứng dụng này là Chuyển phát nhanh; Vận chuyển; giao thức ăn; Mua sắm cá nhân,… Các thông tin được ứng dụng này cung cấp là được cung cấp bởi các tài xế xe mô tô.
Ths.Luật sư Cường nói: “Theo công ty này thì ứng dụng này chỉ đơn giản là một công cụ để kết nối khách hàng với các tài xế xe mô tô. Việc cung cấp dịch vụ là tùy thuộc vào quyết định của nhà cung cấp dịch vụ và việc chấp nhận dịch vụ là tùy thuộc vào quyết định của khách hàng. Công ty này cũng khẳng định Go-Viet là một công ty công nghệ và không cung cấp các dịch vụ vận tải, chuyển phát, bưu chính hay vận chuyển. Công ty cũng không phải là bên thuê mướn các tài xế xe mô tô và không chịu trách nhiệm cho bất kỳ các hành vi và/hoặc sự thiếu sót của nhà cung cấp dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ chỉ là đối tác làm việc, không phải là người lao động, đại lý, hoặc người đại diện của Go-Viet.
Chính vì điều này, theo điều khoản và điều kiện của việc sử dụng dịch vụ thì Go-Viet cho biết họ không chịu trách nhiệm về bất kỳ thương tật, tử vong, thiệt hại hoặc mất mát nào do nhà cung cấp dịch vụ (các tài xế xe mô tô) gây ra và cũng không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi vi phạm nào, bao gồm việc vi phạm luật giao thông, hoặc bất kỳ các hành vi phạm tội hình sự nào do các tài xê gây ra trong suốt tiến trình cung cấp các dịch vụ.
Như vậy, theo các điều khoản và điều kiện của việc sử dụng dịch vụ mà bằng việc tải xuống, cài đặt, và/hoặc sử dụng ứng dụng Go-Viet, khách hàng đã đồng ý rằng họ đã đọc, đã hiểu và đã chấp nhận và đã đồng ý điều khoản sử dụng đó thì Go-Viet không phải chịu trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại do các nhà cung cấp dịch vụ là tài xế xe mô tô gây ra mà tài xế đó phải tự chịu trách nhiệm nếu gây ra thiệt hại do lỗi của tài xế.
Cũng theo điều khoản và điều kiện sử dụng dịch vụ của Go-Viet thì công ty này sẵn sàng cung cấp hỗ trợ tài chính nếu một người sử dụng gặp tai nạn, hoặc bị thương hoặc tử vong khi được vận chuyển bởi nhà cung cấp dịch vụ và số tiền hỗ trợ tài chính này do công ty toàn quyền quyết định.
Do đó, trường hợp trên thì gia đình cháu bé bị nạn có thể yêu cầu người có lỗi gây ra tai nạn phải bồi thường thiệt hại, nếu tài xế xe mô tô là người có lỗi thì người đó phải bồi thường theo quy định pháp luật. Ngoài ra, khách hàng có thể yêu cầu Go-Viet hỗ trợ tài chính trường hợp cháu bé gặp tại nạn bị thương khi được vận chuyển với nhà cung cấp dịch vụ của Go-Viet”.
HOÀNG SƠN
Theo: Nguoiduatin.vn