Hài nhảm, ăn mặc phản cảm: Thiếu tính trí tuệ thừa tính câu khách dịp Tết
Theo PGS. TS Đinh Hồng Hải, phim hài nhảm xuất hiện ngày càng nhiều, thiếu tính trí tuệ trong khi thừa tính câu khách với những cảnh hở hang phản cảm làm mất đi những giá trị đích thực mà hài vốn có.
Phim hài, hài Tết từ lâu trở thành một món ăn tinh thần quan trọng trong dịp Tết của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây nhiều bộ phim hài với cảnh hở hang, nhảm nhí, phản cảm xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này làm mất đi những giá trị đích thực mà hài vốn có.
Phóng viên Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Đinh Hồng Hải, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển dân tộc miền núi, lưu vực sông Hồng, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH QGHN về vấn đề này.
Hiện nay, đặc biệt là dịp Tết, các tác phẩm hài xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên cũng nhiều tác phẩm hài bị đánh giá phản cảm, hở hang tục tĩu. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Hài bao gồm nhiều thể loại như hài kịch, phim hài, tiểu phẩm hài,… là bộ môn nghệ thuật giải trí đặc biệt, bởi ngoài tiếng cười mang đến cho người xem, hài kịch còn được xem như một loại hình giải trí có chức năng giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội. Những bức xúc đôi khi trở nên hết sức khó thể hiện bằng những phát ngôn chính thống hay lời bình luận mang tính trực diện.
Từ đầu thế kỷ 20, những câu chuyện và biếm họa về Lý toét- Xã xệ trên một số tờ báo đầu tiên ở Việt Nam như: Phụ nữ thời đàm, Phong hóa, Ngày nay…đã có sức cuốn hút mãnh liệt đối với công chúng. Những bài báo thời đó đã mang lại tiếng cười sảng khoái cho người xem nhưng ẩn đằng sau đó là bức tranh về những vấn đề nhức nhối của xã hội mà chính quyền thực dân đã lờ đi.
Đi xa hơn, chúng ta có thể thấy nỗi đau nhân loại qua các tác phẩm kinh điển của vua hề Sác-lô (Charlie Chaplin) thể hiện qua tiếng cười. Nội dung của các tác phẩm đó đều mang ý nghĩa lột tả mặt trái của đời sống xã hội.
Ở Việt Nam, một trong những chương trình hài được yêu thích nhất giai đoạn hiện nay là chương trình “Gặp nhau cuối năm.” Chương trình này đã trở thành một món ăn không thể thiếu vào mỗi dịp Giao thừa hàng chục năm qua. Có điều đó là do nó nêu lên được những vấn bức xúc của cả năm vào những câu chuyện hài.
Đối lập với những tác phẩm hài đích thực nói trên là những phim hài bị đánh giá dung tục, phản cảm, ngày càng xuất hiện nhiều mà tôi gọi là “hài nhảm”. Nội dung của các loại “hài nhảm” này không được nghiên cứu sâu, không hướng đến việc giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội. Dù chỉ mang tính giải trí thuần tuý nhưng yếu tố giải trí này cũng không đạt tới những giá trị căn bản của nghệ thuật.
Không chỉ nhiều cảnh quay bị đánh giá phản cảm, ví dụ phim “Bản nhiều vợ” còn sử dụng những từ ngữ như: bọn người Kinh, lũ người rừng…Việc sử dụng những từ ngữ như vâỵ theo ông có phù hợp? Nó ảnh hưởng thế nào đến xã hội?
Với những tác phẩm hài mà tôi gọi là “hài nhảm” nói trên, chúng ta có thể thấy rõ sự rẻ tiền và yếu tố câu khách trong đó. Trên thực tế, bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào ra đời đều cần đến sự nghiên cứu, tìm tòi, đi sâu, bám sát vào hơi thở của cuộc sống. Do thiếu sự tìm hiểu về văn hoá và đời sống xã hội, “hài nhảm” tạo ra những yếu tố phản cảm, những cảnh hở hang, những từ ngữ không phù hợp cố để gây cười nhưng trên thực tế lại gây phản cảm.
Có điều đó là do sự thiếu chiều sâu của kịch bản. Nếu kịch bản không quan tâm sâu sát đến những vấn đề của cuộc sống, những bức xúc xã hội sẽ tạo ra các sản phẩm rẻ tiền mà “hài nhảm” là một trong những ví dụ điển hình. Dễ dàng nhận thấy “hài nhảm” có ít giá trị nghệ thuật, thiếu tính nhân văn, thậm chí gây phản cảm. Điều tệ hơn là khi nó được phổ biến ra toàn xã hội bởi truyền hình hay các kênh thông tin khác sẽ ảnh hưởng đến trẻ em qua những cảnh hở hang, những lời tục tĩu,…
Như ông đã phân tích, phải chăng “hài nhảm” đang làm xấu đi giá trị chân-thiện-mỹ mà hài vốn có?
Một tác phẩm hài không tạo ra tình huống gây cười thì hài không còn là hài, nếu cố tình tạo ra những tiếng cười kệch cỡm thì sẽ đánh mất tính nhân văn. Có thể dễ dàng nhận thấy “hài nhảm” hiện nay thiếu tính trí tuệ thừa tính câu khách. Với các tác phẩm hài kinh điển của vua hề Sác-lô, trong cái “hài” đều có cái “bi”.
Hay trong chương trình “Gặp nhau cuối năm”, ngoài sự cuốn hút của dàn diễn viên xuất sắc, thì cái “bi” luôn ẩn chứa đằng sau nội dung của tác phẩm. Xem những tác phẩm này, chúng ta cười đó, nhưng sau đó lại là những nỗi đau, nỗi đau của con người, của xã hội được các nghệ sĩ hài biến thành tiếng cười. Đó cũng là giá trị nhân văn đích thực mà nghệ thuật cần mang tới cho công chúng.
Việc để tác phẩm “hài nhảm” làm mất đi tính nhân văn vốn có của hài kịch. Theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?
Theo tôi là “hài nhảm” xuất hiện là do nhu cầu của thị trường và áp lực công việc buộc những người làm chương trình phải hoàn thành trong thời hạn khắt khe của hợp đồng. Khi nội dung kịch bản chưa được nghiên cứu sâu, tìm hiểu kỹ về tính nhân văn hay yếu tố xã hội sẽ dẫn đến những khiếm khuyết.
Nhưng về trách nhiệm tôi cho rằng, ở đây thuộc về người thẩm định nghệ thuật. Chúng ta làm bất kỳ chương trình nào đều cần phải có những tiêu chí đặt ra đối với tác phẩm. Sự thẩm định nghệ thuật là cực kỳ quan trọng đối với mọi tác phẩm nghệ thuật chứ không chỉ có nghệ thuật hài. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, nếu các tác phẩm rẻ tiền “lọt lưới” thẩm định thì công chúng chính là những người có quyền phán xét cao nhất đối với tác phẩm.
Để hài trở lại đúng với giá trị nhân văn vốn có, những nhà sản xuất, nhà thẩm định, kiểm duyệt…cần có những hướng đi như thế nào thưa ông?
Để hài trở lại đúng với giá trị nhân văn vốn có của nó thì hài nói riêng hay là các loại hình nghệ thuật biểu diễn nói chung trước tiên phải có kịch bản tốt. Đây là yếu tố hàng đầu, bởi vì một kịch bản không được nghiên cứu và tìm hiểu cặn kẽ chắc chắn sẽ thiếu đi chiều sâu của tác phẩm. Thêm nữa, từ kịch bản tới diễn xuất cần có sự kết nối giữa người viết kịch bản và sự nhập tâm của diễn viên. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để tạo ra những điểm “nút” của vấn đề, chính điểm thắt nút ấy tạo nên tình huống gây cười.
Thứ hai, người xây dựng chương trình cần định hướng rõ thông điệp của tác phẩm. Nghệ thuật hài rất cần chiều sâu của thông điệp này trước khi điểm “thắt nút” được mở ra. Vì vậy, công chúng cần đọc được những thông điệp mà kịch bản hướng đến thì tác phẩm hài mới có thể tạo được tình huống gây cười. Những tác phẩm đặc sắc của vua hề Sác-lô có thể khiến cho tất cả chúng ta đều cười, vì thông điệp của những tác phẩm hài kinh điển đó đều rất rõ nét.
Yếu tố quan trọng thứ ba là người diễn xuất. Những diễn viên hài nổi tiếng có năng khiếu hài, đó là sở trường của họ. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy một số diễn viên đã vào vai những tác phẩm xuất sắc nhưng khi họ đóng phim “hài nhảm” thì sở trường của họ dường như biến mất.
Yếu tố cuối cùng, đó là tính nhân văn cần phải được đề cao. Bất luận là loại hình nghệ thuật nào thì yếu tố nhân văn cũng phải đặt lên hàng đầu. Nghệ thuật là hướng đến cái đẹp và Chân- Thiện-Mỹ là mục tiêu mà cả nhân loại hướng đến. Suy cho cùng thì mọi sản phẩm văn hóa và nghệ thuật mà nhân loại tạo ra là để phục vụ và mang lại lợi ích cho chính con người. Vì vậy, tính nhân văn luôn là một yếu tố quan trọng nhất của mọi tác phẩm nghệ thuật.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đặng Thuỷ
Theo: Nguoiduatin.vn