Hơn 10.000 ca sốt xuất huyết, tay chân miệng xuất hiện tại Đồng Nai

Theo báo cáo của trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp tại tỉnh Đồng Nai và các tỉnh phía Nam, chiều  nay (4/10), đoàn công tác của cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) đã có buổi làm việc với đơn vị chức năng tỉnh này.

Buổi làm việc nhằm khảo sát, đánh giá tình hình dịch bệnh, đưa ra những biện pháp phòng trừ các loại dịch bệnh nguy hiểm.

Sức khỏe - Hơn 10.000 ca sốt xuất huyết, tay chân miệng xuất hiện tại Đồng Nai
Nhiều bệnh viện quá tải vì dịch bệnh.

Theo báo cáo của trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Trong đó có hơn 4.000 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 12% so với cùng kỳ năm 2017) với 2 trường hợp tử vong; hơn 6.100 ca mắc tay chân miệng (giảm 12% so với cùng kỳ).

Tại buổi làm việc, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng, Trưởng đoàn cho biết, hiện nay đang là mùa cao điểm của các loại dịch bệnh nguy hiểm, nhiều loại bệnh có diễn tiến phức tạp.

Vì vậy, yếu tố công tác dự phòng là yếu tố quan trọng hàng đầu, cần phải có những giải pháp quyết liệt ngay từ đầu để đề phòng dịch bệnh phát tán và lây lan, chủ động phòng chống dịch bệnh.

Cụ thể, ông Phu nói: “Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả cần đảm bảo vệ sinh thân thể, nơi ở, đặc biệt là những nơi công cộng như: Trường học, nhà trẻ, … Đây là những nơi dễ gây phát tán và lây lan dịch bệnh nhất. Do đó cần phải có những biện pháp cụ thể, quyết liệt để đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh không bùng phát”.

“Đối với các trường học, mẫu giáo, nhà trẻ cần phải có chính sách hướng dẫn làm vệ sinh, tẩy rửa đồ chơi, trang thiết bị học tập cho các thầy cô trong trường. Đồng thời, phải có những quy chế xử phạt đối với những trường hợp không chấp hành; cấp hóa chất tẩy rửa sàn nhà cho các trường học, có biện pháp xử lý phân đúng cách không được để tràn lan ra môi trường”, ông Phu phân tích thêm.

Ngoài ra, người đứng đầu cục Y tế dự phòng còn thông tin thêm, do tỉnh Đồng Nai là địa phương có đông công nhân làm việc trong các khu công nghiệp nên việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh cho công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp là điều rất cần thiết.

Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng cho biết, trong thời gian tới, Trung ương sẽ đưa tỉnh Đồng Nai là 1 trong 3 tỉnh khu vực phía Nam vào chương trình tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 1 – 5 tuổi, chương trình bắt đầu từ tháng 12/2018.

Cục Y tế dự phòng đề nghị tỉnh Đồng Nai nên xem xét đối với những trẻ ngoài độ tuổi từ 1 – 5 (nằm ngoài chương trình tiêm vắc xin sởi), UBND tỉnh nên cân đối chi tiền để mua vắc xin tiêm chủng cho những đối tượng này.

Cũng trong thời gian đến làm việc tại tỉnh Đồng Nai, đoàn công tác đã khảo sát thực tế một số khu vực có số ca dịch bệnh cao.

Theo : Nguoiduatin.vn

Back to top button