Không được thi đấu thường xuyên ở V.League, các tuyển thủ U22 sẽ đá SEA Games như thế nào?
Quá nửa đội hình của U22 Việt Nam không tìm kiếm được cơ hội ra sân trong màu áo các CLB ở V.League sẽ khiến mục tiêu giành huy chương Vàng SEA Games của bóng đá Việt Nam trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Sau khi thành công giành tấm vé vào chơi ở VCK U23 châu Á 2020 cùng chiến thắng rực rỡ trước U23 Thái Lan với tỷ số 4-0 trong niềm sung sướng, hâm hoan đến tột độ của NHM bóng đá Việt Nam thì các cầu thủ trẻ của chúng ta lại trở về CLB chủ quản, phải làm bạn với băng ghế dự bị.
Còn nhớ, trong buổi họp báo trước thềm vòng loại U23 châu Á 2020, HLV Park Hang-seo đã từng tỏ ra lo lắng bởi lứa cầu thủ hiện tại quá thiếu kinh nghiệm thi đấu do không được thường xuyên thi đấu ở CLB. Và thực tế cũng chứng minh cho những gì mà vị chiến lược gia người Hàn Quốc lo lắng khi các cầu thủ trẻ của chúng ta gặp khó khăn như thế nào trước một Indonesia chơi áp sát và quyết liệt tại vòng loại U23 châu Á. Ngoài ra, vì ít được thi đấu ở giải quốc nội nên cảm giác bóng và phong độ của các tuyển thù là không tốt nên chúng ta gặp khó khăn trong việc triển khai lối chơi hay thực hiện theo những chỉ đạo về chiến thuật của BHL.
Thêm một điều nữa, khi triệu tập danh sách để chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á, HLV Park Hang-seo gọi đến 37 cầu thủ nhưng cuối cùng chỉ lựa chọn những cầu thủ nào đã từng làm việc với ông tại các giải đấu đã qua hay có chút lợi thế trong việc quen biết, thích nghi nhanh với triết lý bóng đá của ông.
Tính đến thời điểm hiện tại, khi V.League đã chính thức trở lại sau quãng thời gian nghỉ để tập trung cho các cấp độ ĐTQG được vài vòng đấu nhưng số lượng cầu thủ được thi đấu tại các CLB sau khi trở về từ U23 Việt Nam được thi đấu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Những gương mặt cộm cán như Thành Chung, Thái Quý, Bùi Tiến Dũng (Hà Nội); Tấn Sinh (Quảng Nam); Thanh Thịnh (SHB Đà Nẵng)… thi đấu rất tốt trong màu áo của U23 Việt Nam nhưng có một điểm chung là thường xuyên phải ngồi dự bị khi trở về V.League.
Điều này không phải quá mới mẻ với NHM bóng đá Việt Nam bởi trên thực tế, từ nhiều năm nay, các cầu thủ trẻ rất ít có cơ hội được thi đấu thường xuyên. Còn nhớ, lứa cầu thủ từng vinh dự được tham dự U20 World Cup như Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh, Tấn Sinh… sau khi trở về thi đấu ở CLB thì cũng chỉ có một vài cái tên được thi đấu chính thức.
Một lý do khác cũng khiến các cầu thủ trẻ ít có cơ hội thi đấu là áp lực thành tích của các CLB là rất lớn, đá thắng thì đạt thành tích cao mà đá thua nhiều thì có nguy cơ trụ hạng hoặc xuống hạng nên các đội bóng cũng không dám mạo hiểm sử dụng các cầu thủ trẻ.
Bên cạnh đó, bóng đá Việt Nam còn quá ít sân chơi để các cầu thủ trẻ được thi đấu thường xuyên. Nếu như ở các nước có nền bóng đá phát triển thi họ còn tổ chức một giải đấu trẻ tương tự với giải đấu chính thức mà đội một đang tham dự để lứa U của họ được thi đấu thường xuyên và điển hình là giải Barclays U18 Premier League của nước Anh.
Đây là điều đáng báo động bởi những cầu thủ trẻ vừa tham dự vòng loại U23 châu Á 2020 này sẽ là nòng cốt của U22 Việt Nam tham dự SEA Games 30, nơi mà chúng ta kỳ vọng rất lớn vào việc lần đầu tiên trong lịch sử giành được chức vô địch. Thế nhưng, nhìn vào thực trạng hiện nay thì việc giành huy chương Vàng SEA Games là khá khó khăn bởi lứa U22 này đa số là những cầu thủ trẻ, kinh nghiệm thi đấu là rất ít. Thêm vào đó, với việc ít được thi đấu sẽ khiến các em không có được cảm giác bóng cũng như phong độ tốt nhất nếu được triệu tập lên tuyển.
Như vậy, nếu các tuyển thủ U22 không được thi đấu thường xuyên để duy trì phong độ và cảm giác bóng thì liệu rằng bóng đá Việt Nam có thể giành được tấm HCV tại SEA Games 30 này hay không? và liệu các CLB có dám vì mục tiêu chung của cả nước mà quyết định chơi mạo hiểm khi để các cầu thủ trẻ thường xuyên được thi đấu như những gì mà CLB HAGL của bầu Đức đã từng làm?
Theo: Nguoiduatin.vn