Liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc nấm, nhận diện “hung thủ” gây ngộ độc

Ngộ độc nấm thường xảy ra ở một số tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có hoàn cảnh rất khó khăn. Do tập quán đi rừng hái rau, nấm về ăn, bà con hái phải nấm hoang dại, có độc, nên khi ăn thường cả gia đình đều bị ngộ độc.

Ngày 30/10, theo thông tin từ bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, bệnh viện đã tiếp nhận 5 bệnh nhân ngộ độc đều là người nhà của ông Bồn Văn C. (sinh năm 1978; trú tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên). Theo thông tin ban đầu, con rể ông Bồn Văn C. là Bồn Văn Th. và con gái Bồn Thị T. lên rừng lấy măng thấy nhiều cây nấm lạ, màu trắng liền hái về nấu ăn bữa tối cùng gia đình. Sau khi ăn khoảng 2 giờ đồng hồ, 5 người trong gia đình đều có biểu hiện ngộ độc, với các triệu chứng: đau đầu, nôn, đau bụng, tê tay chân, khó thở…

Bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm đang được bác sĩ theo dõi, điều trị.
Bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm đang được bác sĩ theo dõi, điều trị.

Đến khoảng 23h cùng ngày, các bệnh nhân được anh em hàng xóm đưa xuống bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang điều trị. Hiện 5 bệnh nhân trong vụ ngộ độc nấm cơ bản đã hồi phục và tiếp tục được theo dõi điều trị tại bệnh viện.

Một vụ ngộ độc khác xảy ra ngày 24/9, chị Đinh Thị Dứa (ngụ ở thôn Suối Đá, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) đi làm rẫy cách nhà khoảng 1 km, thấy nấm lạ rồi hái khoảng 100 gram đem về nấu cháo nấm ăn bữa tối. Sau đó, chị Dứa cùng chồng sang nhà hàng xóm chơi. Ở nhà, bà Đinh Thị Nhiếk (64 tuổi) cùng 2 cháu ngoại là Đặng Thị Hòa Thế (10 tuổi) và Đinh Thị Thoắt (4 tuổi) đem nồi cháo ra ăn.

Ăn tối xong, khoảng 19h cùng ngày, 3 bà cháu đi ngủ. Đến 20h40, vợ chồng chị Dứa về nhà thì thấy 3 bà cháu nằm hôn mê trên sàn nhà. Ngày 26/9, sau gần 2 ngày cấp cứu tích cực và điều trị, 3 bà cháu đang dần hồi phục sức khỏe.

 “Chân dung” một số loại nấm độc

Theo PGS.TS. Hoàng Công Minh – nguyên chủ nhiệm bộ môn Độc học, trung tâm Phòng chống nhiễm độc – Học viện Quân y, ở Việt Nam có khoảng 50 – 100 loài nấm độc khác nhau. Dưới đây là một số loại nấm độc:

Nấm độc tán trắng (Amanita verna): Mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác… Mũ nấm: Màu trắng, bề mặt mũ nhẵn bóng, lúc non đầu tròn hình trứng, mũ nấm đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm phẳng với đường kính khoảng 5 –10 cm. Khi già mép mũ có thể cụp xuống. Phiến nấm: Màu trắng. Cuống nấm: Màu trắng, có vòng dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ. Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Thịt nấm: Mềm, màu trắng, mùi thơm dịu. Độc tố chính: các amanitin (amatoxin) có độc tính cao.

Nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa): Trông gần giống nấm độc tán trắng. Mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc trên mặt đất trong rừng và một số nơi khác… Mũ nấm: Màu trắng, bề mặt nhẵn bóng, mũ nấm lúc non đầu tròn hình trứng, mép khum đính chặt vào cuống. Khi trưởng thành mũ nấm thường khum hình nón với đường kính khoảng 4 – 10 cm. Phiến nấm: Màu trắng. Cuống nấm: Màu trắng, có vòng dạng màng ở đoạn trên gần sát với mũ. Chân cuống phình dạng củ và có bao gốc hình đài hoa. Thịt nấm: Mềm, màu trắng, mùi khó chịu. Độc tố chính: các amanitin (amatoxin), có độc tính cao.

Nấm mũ khía nâu xám (Inocybe fastigiata hoặc Inocybe rimosa): Mọc  trên mặt đất trong rừng, nơi có nhiều lá cây mục nát và một số nơi khác… Mũ nấm hình nón đến hình chuông, đỉnh nhọn, có các sợi tơ màu từ vàng đến nâu tỏa ra từ đỉnh mũ xuống mép mũ nấm. Khi già, mép mũ nấm bị xẻ ra thành các tia riêng rẽ; Đường kính mũ nấm 2 – 8cm. Phiến nấm lúc non màu hơi trắng gắn chặt vào cuống nấm và khi già có màu xám hoặc nâu tách rời khỏi cuống nấm. Cuống nấm: Màu từ hơi trắng đến vàng nâu dài 3-9cm, không có vòng cuống. Thịt nấm: màu trắng. Độc tố chính: muscarin.

Nấm ô tán trắng phiến xanh (Chlorophyllum molybdites): Mọc thành từng cụm hoặc đơn chiếc ở ven chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ, ruộng ngô và một số nơi khác… Mũ nấm: Lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt. Khi trưởng thành mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, đường kính mũ: 5 – 15 cm. Trên bề mặt mũ nấm có các vảy mỏng màu nâu bẩn, vảy dày dần về đỉnh mũ. Phiến nấm (mặt dưới mũ nấm): Lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ. Cuống nấm: Màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ. Chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc; Dài 10 – 30 cm. Thịt nấm: Màu trắng. Độc tính thấp, chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa.

Biểu hiện khi bị ngộ độc nấm

Chia sẻ trên báo Nhân dân, Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi ăn phải nấm độc, tuỳ theo loại nấm mà có các biểu hiện ngộ độc khác nhau. Biểu hiện ngộ độc nấm có thể xuất hiện rất nhanh ngay sau khi ăn 20-30 phút, còn bình thường biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau 2-4 giờ, thậm chí xuất hiện muộn sau khi ăn 20 giờ. Ngộ độc càng muộn thì càng khó chữa.

Với một số loại nấm gây ngộ độc sớm, thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như: giãn mạch, vã mồ hôi, chảy nước mắt, nước dãi, tiêu chảy, nôn mửa, hạ huyết áp… Một số trường hợp còn có các biểu hiện như giãy giụa, co giật, mê sảng, đồng tử giãn, đỏ da, niêm mạc miệng và mắt khô, có các ảo giác như nhìn thấy các đốm sáng hoặc các vạch nối nhau chạy trước mắt…

Nhóm gây ngộ độc muộn thường rất nguy hiểm do dấu hiệu ngộ độc chỉ xuất hiện sau 6 – 12 giờ, thậm chí là 40 giờ. Các biểu hiện thường gặp ở nhóm này là đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy nhiều, nước tiểu vàng, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, đi ngoài ra máu… Với nhóm gây ngộ độc muộn, bệnh nhân tử vong rất nhanh chỉ sau vài ngày do suy gan, chảy máu nhiều, co giật…

Phong Linh (tổng hợp)

Theo : Nguoiduatin.vn

Back to top button