Lý do sâu xa sau việc Mỹ một mực ngăn Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga

Một lý do khác khi Washington muốn gây sức ép lên Ankara, đặc biệt trong thương vụ S-400 đó là việc Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng độc lập, kể cả trong vấn đề an ninh quốc phòng lẫn giải quyết các vấn đề trong khu vực, Tổng thống Erdogan nhận định.

Mỹ đảo ngược thái độ với Thổ Nhĩ Kỳ

Theo Ahvalnews, chính quyền Mỹ vẫn chấp nhận thói quen che giấu một số hành động của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng với thương vụ Ankara mua hệ thống phòng thủ tân tiến S-400 của Nga thì khác. Washington đã đảo ngược thái độ với người đồng minh NATO này. Đây là nhận định của tờ Kathimerini của Hy Lạp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã gửi thư cho Quốc Hội yêu cầu chấm dứt ưu đãi thương mại cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tiêu điểm - Lý do sâu xa sau việc Mỹ một mực ngăn Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ 

Những ngày sau đó, tư lệnh các lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu, Tướng Mỹ Curtis Scaparrotti khẳng định nếu Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết mua S-400 Washington không nên tiếp tục cung cấp tiêm kích F-35 cho nước này.

“Nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng đối với các mối quan hệ, kể cả quân sự, giữa chúng tôi và họ”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Charlie Summers cảnh báo.

Ngoài ra, Mỹ còn cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về hàng loạt biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) nếu họ quyết mua S-400.

Hồi năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã thông qua hợp đồng trị giá 2,5 tỷ USD mà theo đó Moscow sẽ cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa cho Ankara. Tuy nhiên, Ankara một mực từ chối các nỗ lực thuyết phục của các nước phương Tây trong việc từ bỏ hợp đồng mua S-400. Mỹ thậm chí còn thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot để thay thế.

Tổng thống Tayyip Erdogan cũng khẳng định việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga không liên quan đến NATO, dự án chiến đấu cơ F-35 hoặc an ninh của Mỹ.

Lý do Mỹ một mực phản đối S-400

Washington được coi là có nhiều lý do khi phản đối thỏa thuận giữa Ankara và Moscow. Vốn xem S-400 là một mối đe dọa tiềm tàng với các vũ khí của họ, đặc biệt là F-35, Washington khẳng định các thành viên NATO chỉ nên mua vũ khí trong nội bộ khối để duy trì “khả năng tương tác”.

Tuy nhiên, theo Tổng thống Erdogan, một lý do khác khi Washington muốn gây sức ép lên Ankara vì nước ông đang ngày càng độc lập, kể cả trong vấn đề an ninh quốc phòng lẫn giải quyết các vấn đề trong khu vực.

“Vấn đề không phải vì S-400 mà vì Thổ Nhĩ Kỳ hành động theo ý mình đối với các vấn đề trong khu vực, đặc biệt là ở Syria”, ông Erdogan khẳng định, đồng thời nhấn mạnh sẽ không hủy thỏa thuận mua S-400. Thậm chí, Tổng thống Erdogan tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua hệ thống phòng không thế hệ mới S-500.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết bảo vệ quyết định mua S-400 vì nhiều lý do. Trước hết, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định việc đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và củng cố năng lực phòng không lẫn tên lửa có ý nghĩa to lớn đối với an ninh quốc gia của họ, đặc biệt là sau cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2016.

Ngoài ra, Ankara không muốn gây tổn hại đến nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung với Nga về vấn đề Syria và không còn nhiều thời gian để xét lại thỏa thuận S-400 vì thời điểm bàn giao đang đến gần.

Ngoài vấn đề S-400, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng đang bất đồng về khủng hoảng Venezuela – Ankara. Ankara ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro trong khi Washington ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido. Do đó, ông Endy Zemenides, Hội đồng Lãnh đạo Mỹ – Hy Lạp, khẳng định thỏa thuận mua bán S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể là “giọt nước tràn ly” trong quan hệ Ankara – Washington.

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button