Mời ông Putin vào “ngôi nhà chung” chống Iran, Mỹ đừng vì Israel mà phải trả giá đắt?

Mỹ-Israel đang muốn mời gọi Nga vào “ngôi nhà chung” chống Iran. Nhưng cái giá mà Mỹ phải trả cho Nga để chiều lòng “người bạn” Israel dường như là quá đắt.

Tiêu điểm - Mời ông Putin vào 'ngôi nhà chung' chống Iran, Mỹ đừng vì Israel mà phải trả giá đắt?

Thủ tướng Netanyahu đang làm trung gian trong các vấn đề khó giải quyết giữa Nga-Mỹ.

Mọi sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc họp ba bên giữa Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Meir Ben-Shabbat với các đối tác Mỹ-Nga, John Bolton và Nikolay Patrushev, diễn ra vào cuối tháng 6.

Được coi là một sự kiện chưa từng có từ trước đến nay, hội nghị thượng đỉnh giữa ba nhân vật nói trên sẽ cùng nhau thảo luận về những thách thức khu vực mà cả ba quốc gia đang phải đối mặt, cũng như hợp tác để tìm ra giải pháp.

Một số nhà quan sát cho rằng hội nghị là một sự ưu ái của Tổng thống Donald Trump cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong việc giải quyết cái gai trong mắt.

Chủ đề chính của cuộc họp sẽ là Syria, và đặc biệt là sự hiện diện của quân đội Iran ở quốc gia Trung Đông – thứ đã thu hút hàng chục, nếu không nói là hàng trăm cuộc không kích của Israel trong thời gian qua.

Cơ hội cho bế tắc Iran

Nga đã thường xuyên bỏ qua cho các cuộc không kích của Israel chống lại các mục tiêu của Iran ở Syria, mà phía Tel Aviv cho rằng những cơ sở này là mối đe dọa hiện hữu.

Tuy nhiên, điều này không hẳn làm hài lòng Thủ tướng Netanyahu. Ông đã nhiều lần tới Moscow để thảo luận vấn đề với Tổng thống Nga Vladimir Putin và muốn tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn từ Nga trong việc loại bỏ hoàn toàn lực lượng Iran ra khỏi quốc gia láng giềng.

Cho đến hiện tại, Nga đã không làm gì nhiều trong việc hạn chế sự hiện diện của Iran ở Syria. Do đó, đây sẽ là nghị sự chính của Israel và Mỹ tại cuộc họp chung giữa các cố vấn an ninh quốc gia ba bên.

Dự kiến trong hội nghị sắp tới, Mỹ và Israel sẽ nhấn mạnh rằng: Nga, với vị thế thống trị ở Syria và có quan hệ sâu sắc với chính quyền Assad nên đặt ra những quy tắc mới đối với Iran và dần dần buộc nước này từ bỏ sự hiện diện.

Về phần mình, Nga thường xuyên giải thích, họ không có thẩm quyền trong tay và chỉ có Tổng thống Assad mới có thể ra lệnh cho lực lượng nước ngoài nào được phép ở lại hay rời đi trên lãnh thổ Syria.

Trong một lần hiếm hoi, Nga đã đạt được sự đồng nhất với Israel khi cam kết sẽ giữ các lực lượng Iran, Hezbollah và dân quân Shia sẽ cách ly khỏi biên giới Israel 60 km.

Nhưng mặc dù có trách nhiệm thực thi các thỏa thuận này, Moscow đã không thể thực hiện nó một cách hoàn hảo. Và Israel đã cảm thấy buộc phải tiếp tục không kích vào các cơ sở, thiết bị và nhân sự của Iran tại nhiều địa điểm khác để ngăn chặn sự cố thủ của các mối đe dọa đang nhằm vào lãnh thổ Israel.

Liệu rằng, với sự tham gia của Mỹ trong cuộc họp lần này, bế tắc giữa Israel và Nga có thể được khai thông?

Cái giá phải trả của Mỹ không nhỏ

Tiêu điểm - Mời ông Putin vào 'ngôi nhà chung' chống Iran, Mỹ đừng vì Israel mà phải trả giá đắt? (Hình 2).

Israel coi sự hiện diện của Iran ở Syria như “cái gai trong mắt”.

Các báo cáo mới nhất trong tuần này đều khẳng định, Washington đã khẳng định rõ với Nga về việc họ hoàn toàn ủng hộ các cuộc không kích của Israel chống lại các mục tiêu Iran ở Syria, và mong muốn loại bỏ lực lượng Iran đến từ Mỹ cũng không kém gì Israel.

Nhưng đòn bẩy của Mỹ ở Syria hiện nay rất hạn chế. Do đó, tiếng nói của Washington trong vấn đề này là không có sức nặng.

Cần phải nhớ rằng, Tổng thống Trump mới đây đã tuyên bố ông muốn loại bỏ hoàn toàn quân đội Mỹ khỏi Syria. Trong khi các cuộc đàm phán hậu chiến ở Syria phần lớn được tiến hành giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, mà không có đại diện Mỹ có mặt.

Theo tờ Haaretz, Israel và Mỹ sẽ cần phải nhân cơ hội của cuộc họp chung này để tạo ra các động lực nhằm thuyết phục Nga cuối cùng phải ngăn chặn sự hiện diện của Iran ở Syria.

Đối với Mỹ – nước đang tiến tới khởi động lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran – điều này có thể bao gồm việc trao cho Nga một vị trí trên bàn đàm phán, hoặc thậm chí là một vai trò trung gian quan trọng.

Tuy nhiên, sẽ có một sự đánh đổi trong đề nghị như vậy đến từ Mỹ. Nga không ủng hộ vũ khí hạt nhân Iran. Nhưng Moscow vẫn tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump vừa rút khỏi, và chắc chắn sẽ hướng tới việc ngăn chặn các lệnh trừng phạt nhiều hơn đối với Iran trong tương lai so với Mỹ hoặc Israel.

Đồng thời, Nga muốn tránh xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran. Các tác động gây mất ổn định của một cuộc đụng độ như vậy có thể gây ra sự sụp đổ đối với chính quyền Iran.

Ngoài ra, đó cũng chưa phải là lý do chính. Điều Nga muốn tránh nhất là một kịch bản đòi hỏi sự gia tăng lực lượng của Mỹ trở lại Trung Đông. Với hai chính quyền liên tiếp của Mỹ đang tìm cách hạn chế và giảm các cam kết quân sự của Mỹ trong khu vực, Nga đang được hưởng lợi lớn từ điều này.

Vì vậy, Moscow sẽ cố gắng sử dụng các biện pháp ngoại giao, bao gồm thúc giục sự nhượng bộ của Iran, để giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột giữa Mỹ và Iran, theo Haaretz.

Mặc dù vậy, cũng có những rủi ro liên quan đến các cuộc đàm phán này mà Israel và Mỹ phải tránh.

Một là Nga sẽ tìm cách chia rẽ hai đồng minh, hoặc sử dụng áp lực đối với Israel để khiến Mỹ đưa ra những nhượng bộ không thể chấp nhận được đối với Nga.

Thủ tướng Netanyahu đã tự đặt mình là một người trung gian giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Putin, giúp thúc đẩy một cuộc đối thoại mà cả hai người dường như muốn nhưng khó thực hiện.

Nhưng Israel và Mỹ có thể sớm thấy mình phải đối mặt với một vấn đề tiến thoái lưỡng nan.

Đại diện Nga có thể nêu ra một số vấn đề “khó nhằn” như giảm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng Ukraine và sáp nhập Crimea để đổi lấy việc Nga đồng ý trục xuất Iran khỏi Syria.

Nếu thực hiện thỏa thuận này, Mỹ sẽ hy sinh các lợi ích chiến lược cốt lõi ở châu Âu để đổi lấy những lời hứa không rõ ràng của Nga ở Trung Đông.

Bởi vậy, Israel cũng được khuyên là không nên bị cuốn theo loại mặc cả này. Sẽ là khôn ngoan nếu cố vấn Bolton loại trừ kiểu giao dịch “Ukraine-Syria” trước khi các cuộc đàm phán này bắt đầu, tờ Haaretz nhấn mạnh.

Israel có mọi lý do để theo đuổi lợi ích chiến lược của mình, bao gồm cả sử dụng kênh kết nối Netanyahu-Putin “nồng ấm” và định dạng ba bên mới để cố gắng giảm thiểu các mối đe dọa của Iran ở Syria.

Nhưng lựa chọn tốt nhất của Israel là không nên theo đuổi những mục tiêu mà Washington không có khả năng, khi cái giá phải trả cho Nga là quá lớn.

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button