Nắng như đổ lửa, TP.HCM tiêu thụ điện kỷ lục trong 10 năm
Chỉ trong một ngày toàn TP.HCM đã tiêu thụ hơn 90 triệu kWh, cao hơn 10% số lượng điện tiêu thụ/ngày cao nhất năm 2018. Đây cũng là con số tiêu thụ kỷ lục trong vòng 10 năm nay.
Bất ngờ, hốt hoảng là cảm xúc của nhiều khách hàng khi nhận thông báo tiền điện tháng 4. Đây là tháng đầu tiên từ khi Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá điện ngày 20/3. Theo đó, mức tăng giá là 8,36%, nhưng hóa đơn tiền điện tăng cao hơn nhiều.
Riêng tại TP.HCM, trong tháng 3, toàn thành phố đã “đốt” hết 2,38 tỉ kWh điện, tăng gần gấp rưỡi so với mức 1,65 tỉ kWh trong tháng 2. Dự kiến lượng điện tiêu thụ trong tháng 4 cũng sẽ rất cao, đến ngày 25-4 đã lên đến 2,05 tỉ kWh.
Ngoài sản lượng tiêu thụ “khủng” nói trên, thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP.HCM còn cho thấy lượng điện tiêu thụ mỗi ngày trên địa bàn trong hơn 1 tháng nay luôn ở mức cao. Trong đó, ngày cao nhất tháng 4 (24/4) đã tiêu thụ hơn 90 triệu kWh, cao hơn 10% số lượng điện tiêu thụ/ngày cao nhất năm 2018. Đây cũng là con tiêu thụ kỷ lục trong vòng 10 năm nay.
Trao đổi với VnExpress, chủ một xưởng may tại quận Tân Phú (TP.HCM) phản ánh, tiền điện tháng 1 tới tháng 3 luôn dao động quanh mức 3-9,4 triệu đồng, nhưng tháng 4 cơ sở này phải trả tới 17 triệu đồng, tăng 1,8 lần so với tháng 3.
Nhiều người thắc mắc tại sao giá điện chỉ tăng 8,36% từ ngày 20/3 mà số tiền phải đóng “nhảy” lên gấp đôi so với tháng trước. Một số người đặt vấn đề ngành điện có tính đúng, tính đủ tiền điện hay không và mức điều chỉnh giá có thật là 8,36% hay nhiều hơn.
Trả lời thắc mắc của khách hàng, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, cho biết hóa đơn tiền điện của người dân TP.HCM tăng cao bởi nhiều nguyên nhân như: số ngày sử dụng tăng, giá điện tăng, mức tính giá điện ở các bậc thang tính khác nhau và nhiệt độ thời tiết nắng nóng kéo dài.
Vì sao tiền điện tăng phi mã?
Bậc giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh vào 20/3 chia làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh.
Giá bậc 4 là 2.536 đồng cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.834 đồng cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.927 đồng cho 401 kWh trở lên.
Theo tính toán của EVN, khách hàng dùng dưới 50 kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng. Với khách hàng dùng 51-100 kWh, sẽ phải trả thêm 14.000 đồng. Bậc 2, khách dùng 101-200 kWh phải trả thêm 31.600 đồng; nếu dùng 201-300 kWh thì phải trả cao hơn 53.100 đồng. Với khách hàng dùng trên 400 kWh thì phải trả thêm 77.200 đồng.
Cụ thể, một khách hàng dùng 100 kWh, giá cũ phải trả 77.450 đồng, với giá mới phải trả 83.900 đồng. Tổng cộng hộ này phải trả thêm 6.450 đồng. Với hộ dùng 300 kWh, với giá cũ phải trả 577.250 đồng; giá mới phải trả 635.600 đồng, tăng thêm 48.350 đồng.
Tính toán của EVN dựa trên cơ sở giữ nguyên mức tiêu thụ điện. Tuy nhiên, nếu khách hàng vừa tăng dùng điện, vừa cộng hưởng với yếu tố giá, tổng tiền điện sẽ tăng cao hơn 8,36%.
Một hộ gia đình dùng 200 kWh tính theo giá cũ phải trả 343.000 đồng. Nếu hộ này tăng sử dụng lên 250 kWh, cộng hưởng với việc tăng giá, tổng số tiền phải trả là 499.000 đồng, cao hơn 156.000 đồng, tương ứng thêm 45%.
Tương tự, nếu hộ gia đình dùng 300 kWh, tính theo giá cũ là 577.000 đồng. Hộ gia đình dùng tăng lên 350 kWh, cộng hưởng với tăng giá, số tiền phải trả là 767.000 đồng, cao hơn gần 200.000 đồng, tương ứng tăng 33%.
Nếu hộ gia đình tăng dùng thêm 20 kWh, tiền điện cũng có thể tăng tới 34%. Ví dụ, một hộ dùng 100 kWh, tính theo giá cũ là 157.000 đồng. Khi dùng thêm 20 kWh, số tiền phải trả là 211.000 đồng. Tổng số tiền tăng 54.000 đồng, tương ứng thêm 34%.
EVN nói gì?
Đại diện Ban kinh doanh EVN khi trao đổi với Zing có đưa ra một số nguyên nhân dẫn tới việc tăng giá điện.
Theo đó, EVN cho biết theo quy luật thời tiết hằng năm vào tháng 3 và 4, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng dùng cho thiết bị giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.
EVN dẫn số liệu tại Hà Nội giai đoạn cuối tháng 3 và đầu tháng 4, việc tiêu thụ điện tăng cao từ 47 triệu kWh/ngày lên gần 58 kWh/ngày (tăng 23%). Tại TP.HCM, sản lượng tiêu thụ tăng 71 triệu kWh/ngày lên 83 triệu kWh/ngày (tăng 17%).
EVN cũng dẫn một lý do khác là giá điện đã được điều chỉnh thêm 8,36%. Cộng thêm số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày, kéo dài từ ngày ghi chỉ số tháng 2 đến ngày ghi chỉ số tháng 3).
“Số ngày sử dụng điện dài hơn nên lượng điện năng tiêu thụ sẽ nhiều hơn. Điều này kết hợp với việc giá bán điện điều chỉnh làm tổng số tiền điện tăng hơn so với tháng trước”, EVN cho biết.
Dự báo, tình hình nắng nóng sẽ còn tiếp diễn, vì vậy số tiền trong hóa đơn điện của khách hàng sử dụng trong tháng này sẽ tiếp tục tăng. Người dân nên có giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, góp phần giảm chi phí tiền điện cho gia đình và giảm áp lực cho ngành điện.
Lê Lan (tổng hợp)
Theo: Nguoiduatin.vn