“Người đàn bà thép” của Quốc Cường Gia Lai từng suýt tự tử vì áp lực doanh nghiệp

Tại Hội nghị gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp Bất động sản với lãnh đạo các sở, ban ngành TP.HCM, CEO Quốc Cường Gia Lai-bà Nguyễn Thị Như Loan nhiều lúc nói như khóc. Thậm chí, bà Loan cho biết nếu không vì cổ đông và hơn 3.000 nhân viên thì chắc đã tự tử.

Sáng 10/4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp Bất động sản với lãnh đạo các sở, ban ngành TP. Đại diện nhiều doanh nghiệp đã nêu lên nhiều băn khoăn, trăn trở về thủ tục chồng chéo, vướng mắc giữa các luật; đặc biệt là thủ tục hành chính vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Bất động sản - 'Người đàn bà thép' của Quốc Cường Gia Lai từng suýt tự tử vì áp lực doanh nghiệp

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị tiếp xúc với các doanh nghiệp bất động sản.

Khổ vì một câu chữ

Thông tin trên báo Tuổi trẻ, tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai đã giãi bày tâm tư, có lúc nói như khóc khi cho rằng TP cần xử lý tốt những việc nhỏ ở các sở, ngành trước khi giải quyết các chuyện lớn.

Theo bà Loan, Quốc Cường Gia Lai đang có 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Nhưng những diện tích này chủ yếu là đất nông nghiệp mà Quốc Cường Gia Lai tự đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, không phải có nguồn gốc đất công.

Trong số 150 ha này, bà Loan tỏ ra bức xúc về một dự án đất ở có diện tích 3.000 m2 tại huyện Nhà Bè (TP.HCM), khu vực không thuộc diện rà soát của chính quyền thành phố.

Bất động sản - 'Người đàn bà thép' của Quốc Cường Gia Lai từng suýt tự tử vì áp lực doanh nghiệp (Hình 2).

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc công ty Quốc Cường Gia Lai giãi bày tâm tư.

Cùng đưa tin hội nghị trên, tờ Zing.vn ghi lời bà Loan, diện tích này có thể giúp kiếm vài trăm tỷ đồng, từ đó có thể trang trải được chi phí, tiền lương cho nhân viên khoảng 1-2 năm, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để chờ đợi, khi thành phố rà soát xong có thể tiếp tục các dự án khác.

Tháng 10/2018 dự án đã duyệt xong 1/500, tất cả đầy đủ, không sai bất cứ dấu phẩy nhưng khi trình UBND TP.HCM thì chuyên viên UBND TP trả về vì văn bản Sở xây dựng ghi “cơ bản hoàn thành” mà không khẳng định “hoàn thành”.

Chỉ vì 1 câu chữ mà Sở yêu cầu doanh nghiệp phải quay lại từ đầu duyệt 1/2.000 trong lúc dự án đã được duyệt 1/500.

“Chỉ một câu chữ thôi mà từ tháng 10/2018 đến nay bắt chúng tôi phải quay lại từ đầu làm lại dự án gần như 100%”, Zing.vn dẫn lời Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai Nguyễn Thị Như Loan.

“Doanh nghiệp muốn nhanh thì phải tự tìm hồ sơ”

Cũng tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai cho biết, từ tháng 12/2018 đến bây giờ Sở QH&KT vẫn chưa giải quyết được thủ tục, chưa trình UBND này cho doanh nghiệp với lý do họ thắc mắc đất giao cho doanh nghiệp vào năm 2005 có vướng vào đất công hay không.

Doanh nghiệp phải qua Sở Tài chính hỏi cái này có vướng đất công hay không. Sở Tài chính trả lời là quá nhiều hồ sơ sau 14 năm, trải qua 3 đời giám đốc nên không thể tìm hiểu ngay được. Cơ quan này đề nghị muốn nhanh thì doanh nghiệp phải tự tìm ra hồ sơ.

Doanh nghiệp chấp nhận khổ cực để tìm cho ra hồ sơ và thấy được rằng năm 2005 không vướng vào đất công. Tuy nhiên, Sở QH&KT vẫn yêu cầu phải có văn bản chính thức từ Sở Tài chính thì mới chấp thuận.

“Tôi bỏ cả ăn sáng, ăn trưa và ngồi chầu trực ở quận 7 lấy được hồ sơ nhưng Sở QH&KT yêu cầu phải có công văn từ Sở Tài chính”, bà Loan kể lại quá trình xin hồ sơ vất vả của mình.

Chia sẻ với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, bà Loan cho rằng hiện nay nhiều chuyên viên ở các Sở ban ngành rất hoang mang, sợ sai, ngại trình, đề xuất lên lãnh đạo. Họ không trình hồ sơ thì lấy đâu ra trưởng phòng ký, lãnh đạo Sở ký.

“Đó là thực tiễn rất là đau lòng, khổ tâm. Có lúc nếu như tôi không vì cổ đông, nợ ngân hàng, cuộc sống hơn 3.000 nhân viên tập đoàn thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, tâm thư để Nhà nước làm sao, cách nào tháo gỡ thủ tục cho doanh nghiệp”, bà Loan nói như khóc.

Cũng tại buổi đối thoại này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM HoREA, đã nêu ra 12 vướng mắc chủ yếu về pháp lý và thủ tục hành chính, dẫn đến tình trạng ách tắc của nhiều dự án bất động sản trong hai năm qua, theo báo Người lao động.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị UBND TP và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết đối với hơn 30 dự án đang được các cơ quan chức năng rà soát, thanh tra. Ông Châu cho rằng việc kéo dài quá trình rà soát, thanh tra khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh.

Từ những khó khăn trên, số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm, không có lợi cho cả cho người mua nhà và thị trường bất động sản. Nguồn thu ngân sách TP về tiền sử dụng đất từ đó cũng bị sụt giảm mạnh.

Ngoài ra, nhiều đại diện doanh nghiệp mong TP đơn giản hóa thủ tục, cơ để các dự án sớm được triển khai. Đặc biệt đối với dự án liên quan đến khách hàng, TP đa số dân nhập cư, thu nhập thấp, dân số tăng cơ học lớn… nếu không tháo gỡ thì người thu nhập thấp khó mua nhà.

Đình Văn (tổng hợp)

Back to top button