Nguy hại khi tiêm chất làm đầy filler, hệ lụy từ đâu?

Khi PV hỏi về việc nếu sử dụng loại filler 600.000 đồng/cc có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe không, người cung cấp tỏ vẻ ấp úng và không dám khẳng định.

Filler giá rẻ – cần là có

Hiện nay, rất nhiều chị em tìm đến phương pháp làm đẹp không phẫu thuật bằng cách tiêm filler (chất làm đầy). Hoạt chất này được dùng trong việc nâng mũi, độn cằm, phẫu thuật ngực,… Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều hệ lụy từ việc bơm chất làm đầy như: Gây mù mắt, hôn mê não, hoại tử,…

Sở dĩ sự việc này xảy ra là do một số cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp đã sử dụng hoạt chất filler kém chất lượng, không tinh khiết. Các loại filler kém chất lượng thường bị pha chế thêm những tạp chất khác có hại cho sức khỏe như: Silicon,…

Đánh vào tâm lý khách hàng, các loại filler kém chất lượng thường được bán với giá rẻ. Chỉ cần lên mạng xã hội gõ từ khóa “mua filler” sẽ có rất nhiều trang mạng rao bán sản phẩm này với giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng.

Để tìm hiểu về nguồn gốc của những filler kém chất lượng, PV đã liên hệ với một số trang mạng rao bán filler, botox. Theo đó, qua người quen giới thiệu, PV có được số điện thoại 09734.….. của một người tên P.H.G. chuyên cung cấp sỉ và lẻ filler và botox thẩm mỹ.

Sau khi được giới thiệu, PV đã gọi vào số điện thoại trên với mong muốn mua filler với giá rẻ để tự nâng mũi và độn cằm tại nhà.

Sức khỏe - Nguy hại khi tiêm chất làm đầy filler, hệ lụy từ đâu?
Cô gái tiêm chất làm đầy giá rẻ bị mù mắt gây xôn xao dư luận cuối tháng 9 vừa qua.

Bạn chỉ cần mua filler rồi tự làm tại nhà, vẫn có thể có được chiếc mũi như ý muốn. Nếu không an tâm, bạn có thể thuê người về tiêm theo dịch vụ rồi trả công cho họ vài trăm ngàn là được. Bạn yên tâm, filler không gây đau, gây sưng như phẫu thuật”, người đàn ông này chào mời khách mua filler.Sau khi biết nhu cầu của PV, người đàn ông ở đầu dây bên kia trả lời nhiệt tình. “Thủ thuật thẩm mỹ bằng cách tiêm filler vô cùng đơn giản, không cần phải đến các trung tâm thẩm mỹ, phẫu thuật cho tốn kém.

Khi hỏi về giá cả, người đàn ông này cho biết: “Nếu bạn có nhu cầu muốn mua filler, bên mình sẽ bán với giá 900.000 đồng/cc. Với loại này, mình cam kết “bao” giá tốt nhất thị trường. Nếu bạn muốn dùng loại V.I.P, bên mình cũng có bán loại 5 triệu đồng/cc”.

Khi PV tỏ ý ái ngại vì giá vẫn cao, người đàn ông này liền nói tiếp: “Thực ra, filler có rất nhiều loại, nếu không muốn bạn có thể mua loại filler giá 600.000 đồng/cc. Tuy nhiên, loại này không tốt bằng loại trên kia, thời hạn sử dụng cũng không bằng nhưng tạo dáng mũi và cằm vẫn rất đẹp”.

PV hỏi về việc nếu sử dụng loại filler 600.000 đồng/cc có gây ảnh hưởng gì không? Tuy nhiên, lúc này, người bán tỏ vẻ ấp úng và không dám khẳng định. “Filler cũng giống như mặt hàng khác, tiền nào của nấy. Nếu bạn mua loại đắt tiền hơn thì chắc chắn chất lượng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, cam kết với bạn hàng filler bên mình là chất lượng nhất. Bởi, mình lấy hàng giá gốc nên mới bán rẻ hơn chỗ khác,…”, người đàn ông bán filler cho biết.

Có nên tiêm filler tại nhà?

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có buổi trao đổi với bác sĩ Chiêm Quốc Thái (chuyên gia thẩm mỹ, bệnh viện thẩm mỹ Việt – Mỹ, TP.HCM).

Bác sĩ Thái cho biết: “Filler là chất làm đầy được chia làm nhiều dạng. Ngày xưa, chất làm đầy là silicon, khi tiêm vào nó sẽ nằm vĩnh viễn trong cơ thể gây ra nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe nên đã bị cấm sử dụng. Sau này, giới thẩm mỹ phát minh ra loại filler có khả năng tan ra sau một thời gian sử dụng”.

Sức khỏe - Nguy hại khi tiêm chất làm đầy filler, hệ lụy từ đâu? (Hình 2).
Bác sĩ Chiêm Quốc Thái trao đổi với PV.

Cũng theo bác sĩ này, các trường hợp gây biến chứng như: Mù mắt, ù tai, hôn mê não hay hoại tử,… là do tay nghề của bác sĩ. Bởi, trong cơ thể có nhiều mạch máu.

Tại các vùng mắt, vùng mũi,… đều có mạch máu đi qua. Nguyên tắc sử dụng của chất làm đầy filler là chỉ được tiêm dưới vùng mô, không được tiêm vào mạch máu. “Tuy nhiên, nếu bác sĩ không có chuyên môn, họ sẽ tiêm chất làm đầy vào mạch máu. Khi filler bị tiêm vào mạch máu sẽ gây ách tắc, khiến máu không được truyền tới khu vực cần nuôi dưỡng trong cơ thể, từ đó gây ra các biến chứng, hệ lụy thẩm mỹ như mù mắt, hôn mê não hay hoại tử,…”, bác sĩ Chiêm Quốc Thái chia sẻ.

Ngoài ra, bác sĩ Thái cũng cho biết, trong quá trình bơm filler, nếu lỡ xảy ra biến chứng, bác sĩ có tay nghề sẽ nhận ra nguy hại nên kịp thời cứu chữa bằng cách tiêm thuốc giải vào làm cho filler gây tắc mạch máu tan ra, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân thẩm mỹ sử đụng filler không tinh khiết, đã bị trộn lẫn nhiều tạp chất gây dị ứng cơ thể, silicon không tan gây tắc mạch máu thì thuốc giải của filler chính hãng cũng không thể làm tan được.

“Vì vậy, nếu có nhu cầu làm đẹp bằng cách tiêm filler, khách hàng nên đến những trung tâm thẩm mỹ uy tín, không nên tự ý tiêm filler tại nhà,…”, bác sĩ Thái nói.

Hương Sen – Dương Hạnh

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button