Nhất quyết không tiêm vắc-xin cho con vì sợ “chất độc vào cơ thể”

Có nhiều luồng ý kiến khác nhau cho rằng, nhiều bậc phụ huynh ở thành phố không muốn cho con đi tiêm phòng vắc-xin sởi. Vậy nguyên nhân sâu xa do đâu và lý do gì khiến họ có cái nhìn như vậy?

Như đã phản ánh trong bài viết trước: Nhiều trẻ mắc bệnh sởi do phụ huynh “tẩy chay” tiêm chủng?, hai tháng gần đây, số ca mắc bệnh sởi vào bệnh viện Nhi Trung ương đang tăng cao. Đa số các ca bệnh đều do trẻ chưa được cha mẹ cho đi tiêm phòng.

Theo thống kê của khoa Truyền nhiễm (bệnh viện Nhi Trung ương), từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 500 trẻ bị mắc sởi và hầu hết là các trẻ chưa được tiêm chủng. Đặc biệt, thời gian gần đây, có những ngày khoa Truyền nhiễm của bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 10-12 ca trẻ mắc sởi phải nhập viện.

Có nhiều luồng ý kiến khác nhau cho rằng nhiều bậc phụ huynh ở thành phố không muốn cho con đi tiêm phòng vắc-xin sởi. Không chỉ trên mạng xã hội, ngoài đời thực, nhiều cha mẹ cũng đã có những trả lời bất ngờ. Nguyên nhân sâu xa và lý do gì khiến họ có cái nhìn tiêu cực này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với một số phụ huynh có con nhỏ để làm rõ.

Sức khỏe - Nhất quyết không tiêm vắc-xin cho con vì sợ 'chất độc vào cơ thể'
Nhiều phụ huynh ở thành phố có xu hướng không muốn cho con tiêm vắc-xin sởi.

Chị Lê Hiếu, một người có 2 con nhỏ (Phùng Hưng, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Nhiều bà mẹ đã chú ý tới việc tiêm chủng của con và sởi cũng là lưu tâm rất lớn nên chả có bà mẹ nào bỏ qua, nếu có thì rất ít. Thực ra, tiêm vắc-xin là tiêm chất độc vào cơ thể với liều lượng nhỏ đủ để cơ thể phản ứng nên thực tế một số người không muốn cho con mình tiêm, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng qua thực tế, chúng ta phải tỉnh táo nhận ra việc nếu không tiêm thì trẻ dễ tử vong. Tôi nghĩ là các bà mẹ thành phố vẫn quan tâm tiêm cho con, có chăng là họ không chú ý lịch tiêm cho con em mình hoặc quên các mũi tiêm nhắc lại.

Thường bố mẹ do bận mải nhiều việc lu bù nên hay bị quên các mũi tiêm nhắc lại. Vì có thể có mũi cách nhau từ 1 đến 2 năm, sởi có nhiều mũi nhắc lại lắm. Ở thành phố cũng có kiểu nhắc như vậy, không riêng gì nông thôn. Tuy nhiên, thành phố giống nông thôn ở chỗ là nếu tiêm cho con mà không may bị sốc thuốc thì họ không dám cho con họ đi tiêm nữa, nhưng là tiêm loại 5,6 trong 1. Chứ với tiêm vắc-xin sởi chỉ nghe nói biến chứng tử vong là nhiều thôi”.

Cùng quan điểm trên, chị Thạch Thảo (Xã Đàn, Hà Nội) cho rằng: “Ban đầu tôi có đọc và tham gia một số hội nhóm các bà mẹ bỉm sữa để chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc và nuôi con. Có nhiều bà mẹ bảo không cho con đi tiêm vắc-xin vì như vậy là tự hại con mình, đem chất độc vào cơ thể khiến con bị ảnh hưởng. Tiếp nữa là dù có tiêm vắc-xin thì con trẻ vẫn có nguy cơ mắc phải hay bị lại nên tôi không có ý định cho bé đi tiêm. Nhưng khi có con thì việc cân nhắc giữa tiêm và không tiêm vắc-xin cũng như thấy hậu quả của việc không tiêm cho con trẻ sau trận bùng phát sởi xảy ra cách đây mấy năm, tôi đã thấy sợ. Nếu không tiêm đủ hay không tiêm nhắc lại thì trẻ cũng dễ bị bệnh như thường.”

“Trước đó, các phòng tiêm chủng đều khá vắng vì dân mình vẫn không có thói quen tiêm phòng đâu. Sau khi có nguy cơ bùng phát dịch sởi, người ta mới đưa con đi tiêm nhắc lại đông nghẹt thở. Tới giờ, phòng tiêm nào cũng đông hết. Người dân vì sợ mà ý thức phải tiêm phòng. Có điều, chắc sau sự cố các bé bị sốc thuốc mở rộng 5 trong 1 thì mình không tin thuốc mở rộng nữa. Con mình chích ngừa dịch vụ tuy đắt nhưng yên tâm hơn”, chị Loan Trần (TP.HCM) chia sẻ thêm.

Để chủ động phòng bệnh sởi, bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc-xin phòng sởi.
2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
3. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button