Những con người đương đầu với tử thần hậu “cơn bão ma túy”

Để đẩy lùi được ma túy là một cuộc chiến vô cùng khó khăn. Nhưng để đấu tranh với những hệ lụy sót lại còn gian khổ gấp bội. Việc đó cần sự phối hợp của người dân và các cấp chính quyền.

Cuộc chiến trường kỳ về ma túy

Sắp có cuộc họp nhưng khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về tình hình ma túy trên địa bàn, ông Lương Văn Thuận, Trưởng Công an xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An lập tức niềm nở nán lại đón tiếp.

Tình trạng ma túy đã trở thành vấn nạn kéo dài hàng chục năm nay, khiến cho đời sống người dân vô cùng khốn khổ. Ma túy “lây lan” đến từng ngóc ngách của bản nghèo xã Châu Hạnh, gõ cửa từng nhà, khiến nhiều gia đình ly tán. Mặc dù hiện nay nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền cùng Công an huyện Quỳ Châu nên đang có xu hướng giảm, nhưng cuộc chiến này vẫn vô cùng khốc liệt.

“Nay thì bớt rồi, nhưng chỉ cách đây khoảng 5 năm thôi xã vẫn là điểm nóng của ma túy. Gần như thời gian đó cán bộ ban Công an xã không có ngày nghỉ, suốt ngày phải trực chiến để truy bắt ma túy. Công cụ hỗ trợ chỉ có dùi cui cao su, gần như “tay không bắt giặc” trong khi nguy hiểm cao”, ông Thuận nói.

Khó khăn thì muôn trùng, thậm chí ảnh hưởng cả tính mạng, bởi chỉ một chút sơ sểnh thì có thể bị lây nhiễm HIV từ con nghiện. Vì sự bình yên của xã hội, tất cả mọi người đều cố gắng hết mức có thể và đặc biệt là tránh đụng chạm những vị trí chảy máu của người nghiện. Tuy nhiên, việc đi khám và điều trị phơi nhiễm HIV gần như đã quá quen thuộc đối với cán bộ, chiến sĩ.

Ông Thuận kể: “Có một lần, phát hiện nhóm đối tượng đang sử dụng ma túy nên ban Công an xã lập tức triển khai lực lượng vây bắt. Những kẻ này vừa mới dùng thuốc xong nên vô cùng khỏe, tôi to như thế này mà khi vào khống chế cũng bị vật ngược lại. Toàn thân người nghiện bị xây xát hết, tôi vừa cố tránh kẻo dính máu, vừa cố khóa tay. May mà sau đó đồng nghiệp đến hỗ trợ nên mới bắt được người này”.

Quá trình truy bắt, không ít lần cơ quan chức năng “chạm mặt” với người thân, người quen biết. Nhưng vì muốn tốt cho mọi người, ban Công an xã quyết không nương tay cho trường hợp nào, bởi dính vào ma túy là đang tìm đến cái chết.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an Châu Bình vốn là cán bộ trẻ, có trình độ và có thể dễ dàng tìm được những nơi lương cao. Thế nhưng năm 2013, ông Tuấn vẫn quyết tâm đảm nhận nhiệm vụ này mà không hề một chút hối hận.

“Lương công an xã vốn “ba cọc ba đồng”, đủ ăn chứ chẳng thể nào làm giàu được. Tuy nhiên, là người con của Châu Bình, thấy tình trạng này tôi cũng xót lắm. May mà nhờ công sức của tất cả mọi người thì tình trạng ma túy mấy năm nay đều giảm. Tuy nhiên hệ lụy thì vẫn khủng khiếp, những người nhiễm HIV có đến cả trăm”, ông Tuấn nói.

Vận động sử dụng thuốc ARV ở xã

Bà Lê Thị Nga, Trưởng trạm Y tế xã Châu Hạnh vốn sinh ra trong một gia đình người dân tộc Thái, cha mẹ đều làm nghề nông, nên bà sớm nhận thức được rằng mình phải làm điều gì đó để người dân quê mình đỡ khổ. Chứng kiến cảnh bà con cuộc sống đã nghèo nàn, lại bị “bão ma túy” hoành hành, bà đã ấp ủ ước mơ trở thành một y sĩ chữa bệnh cho dân nghèo.

Sau nhiều năm công tác ở các vị trí khác nhau, đến năm 2008, bà Nga mới chính thức làm trạm trưởng. Đây cũng là lúc tình trạng người nhiễm HIV tăng cao do hệ lụy của ma túy. Thậm chí có gia đình 4 – 5 người đều bị nhiễm bởi việc thiếu hiểu biết nên vợ lây cho chồng, mẹ lây cho con.

Tuy nhiên, khá nhiều trường hợp không dám “lộ diện” hoặc không sử dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm vì sợ người khác gièm pha, xem thường, kỳ thị,… nên dẫn đến làm lây lan HIV/AIDS cho cộng đồng, thậm chí lây lan cho cả người thân.

Toàn xã Châu Hạnh hiện có 126 người có HIV.
Toàn xã Châu Hạnh hiện có 126 người có HIV.

“Tôi là người con của bản nên khi về công tác tại các tuyến xã, tôi rất hiểu về phong tục và tập quán người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Ngoài ra, nhiều khi họ ngại nên chỉ ở nhà dùng lá thuốc chứ chẳng đi điều trị bao giờ. Vì vậy chúng tôi phải chia nhau đến từng nhà để thuyết phục họ đi kiểm tra và dùng thuốc”, bà Nga kể.

Một trong những sáng kiến của Trưởng trạm Y tế xã Châu Hạnh là vận động chính những người bị nhiễm HIV để làm tuyên truyền viên. Hoàn cảnh giống nhau đã kết nối họ lại, cùng nhau giúp đỡ trong việc chữa trị, vì thế số lượng người chấp nhận dùng thuốc ngày càng tăng cao.

Năm 2015, tỉnh Nghệ An bắt đầu thực hiện Chương trình 90-90-90 (gồm 3 mục tiêu: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người điều trị ARV kiểm soát được virus ở mức thấp và ổn định). Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV đã chứng minh tính hiệu quả, không chỉ giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, có tuổi thọ tương đương người không nhiễm HIV mà còn giảm lây truyền sang người thân, cộng đồng.

“Đáng tiếc rằng khi bắt đầu người nhiễm HIV có xu hướng giảm thì dự án này đến tháng 12/2018 sẽ kết thúc. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn sẽ gặp khó khăn cả về mặt tài chính, quản lý hoạt động và triển khai thực hiện. May mà người bị nhiễm sẽ được hỗ trợ 100% phí mua thẻ BHYT”, bà Nga nói.

Mặc dù cuộc chiến về hệ lụy ma túy vẫn còn dài và nhiều khó khăn, nhưng bà Nga tin tưởng nếu như các cấp chính quyền quan tâm như hiện nay, những người nhiễm HIV đồng lòng chung tay thì chắc chắn ma túy sẽ chỉ là dĩ vãng trên mảnh đất Châu Hạnh.

Theo : Nguoiduatin.vn

Back to top button