新闻和攻略News and introduction

Nữ giáo viên khoe “ông chú bên sở Nội vụ” để lừa đảo hàng tỷ đồng tiền xin việc – Sukien24h.vn

Nữ giáo viên khoe “ông chú bên sở Nội vụ” để lừa đảo hàng tỷ đồng tiền xin việc

Mặc dù không có người chú nào làm tại sở Nội vụ Hà Nội, tuy nhiên một nữ giáo viên mầm non ở Tiền Phong, Thường Tín đã bịa đặt nhằm lừa đảo chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng của 15 người bị hại.

Ngày 16/5, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Quách Hiền Chi (SN 1982, ở thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang, huyện Thường Tín, Hà Nội), nguyên là giáo viên trường mầm non Tiền Phong, huyện Thường Tín, ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 174, BLHS năm 2015.

Nữ giáo viên khoe

Bị cáo Quách Hiền Chi trong giờ nghị án

Mặc dù không có khả năng xin việc, nhưng để có tiền chi tiêu cá nhân và trả nợ, Chi đã “tung” thông tin gian dối rằng bản thân có chú ruột làm ở sở Nội vụ, sở GD&ĐT nên có thể xin được việc làm tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện Thường Tín.

Đang trong cơn “khát” việc làm, nhiều người dân đã tin tưởng lời Chi nói để rồi nhiều lần “giao trứng cho ác”.

Dáng người nhỏ bé, đứng lọt thỏm trước bục khai báo, bị cáo Quách Hiền Chi lí nhí khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Nữ giáo viên này thừa nhận: “Khi nhận tiền, bị cáo không xin cho ai hết. Mục đích bị cáo đưa ra thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của bị hại để chi tiêu và trả nợ”.

Theo tài liệu của cơ quan công tố, với thủ đoạn gian dối như trên, trong khoảng thời gian từ tháng 7/2016 đến tháng 01/2018, có tất cả 15 người là nạn nhân trong vụ lừa đảo xin việc của Chi.

Người mất nhiều nhất lên tới 500 triệu đồng, người nào ít cũng mất 50 triệu đồng. Tổng số tiền Chi chiếm đoạt của 15 bị hại lên tới hơn 2,7 tỷ đồng.

Xót của, chị Lê Thanh H. (nạn nhân trong vụ án) mếu máo trình bày: Bị cáo Chi khoe có chú ruột làm ở sở Nội vụ thành phố Hà Nội, có khả năng xin được vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố Hà Nội, chi phí xin việc mỗi suất là 300 triệu đồng.

Tin là thật, chị H. vội vàng nhờ Chi xin việc không chỉ cho cả hai vợ chồng chị H. mà còn giới thiệu thêm 2 người bạn của mình.

Cầm tiền của các bị hại, song Chi không xin được việc như đã cam kết, cũng không trả lại tiền mà bỏ trốn.

Biết bị lừa, các nạn nhân đã làm đơn tố cáo, yêu cầu Chi trả số tiền đã nhận của họ và xử lý nghiêm trước pháp luật.

Hay một trường hợp khác của bà Phạm Thị T. (SN 1968, ở Văn Phú, Thường Tín, Hà Nội) cũng vì tin tưởng vào những lời nói ngon ngọt của Chi mà nhiều lần đưa tiền cho đối tượng.

Cụ thể, trong vòng 2 tháng (6/2017 đến tháng 8/2017), bà T. đưa cho Chi tổng số tiền 333 triệu đồng nhờ Chi xin việc cho con gái và con rể vào làm nhân viên nấu ăn và bảo vệ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1.

Đến khi biết mình bị lừa, bà T. cũng vội vàng làm đơn tố cáo hành vi của Chi lên cơ quan công an.

Tâm lí chung của những người bị hại trong vụ án lừa đảo đều mong bị cáo sớm trả lại số tiền đã chiếm đoạt, bởi đấy là tiền mồ hôi nước mắt, vay mượn thêm của người thân, những mong xin được vào làm việc tại cơ quan Nhà nước ổn định, đằng này, tiền vừa mất mà … tật lại mang.

“Mong tòa án tuyên bị cáo Chi phải trả lại cho tôi số tiền đã chiếm đoạt để tôi có tiền về trả nợ cho người thân. Để có tiền đưa cho bị cáo Chi, tôi cũng đã phải đi vay mượn của anh em, bạn bè mỗi người vài chục triệu, đến giờ không biết xoay đâu tiền để trả nợ”, bà T. xót xa trình bày.

Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án cùng tiến trình đưa vụ án ra xét xử công khai, HĐXX nhận định hành vi phạm tội của bị cáo Quách Hiền Chi là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp tới quyền sở hữu tài sản của người khác, gây mất trật tự trị an, bất bình trong quần chúng nhân dân. Do vậy, cần phải có hình phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe, giáo dục cũng như phòng ngừa chung.

Sau cùng, tòa cấp sơ thẩm quyết định tuyên phạt Quách Hiền Chi 13 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố. Buộc bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.

Theo : nguoiduatin.vn

Back to top button