Nữ Thẩm phán “ngồi ghế nóng” phiên tòa xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ

Ấn tượng trong phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ lớn nhất từ trước tới nay có lẽ chính là phong cách điều hành của HĐXX, thẩm vấn cuốn chiếu; hỏi – đáp đúng, trúng; tranh luận gọn gàng… Trong đó phải kể tới sự điều hành phiên tòa khéo léo, uyển chuyển, “trong cương có nhu, trong nhu có cương” của nữ thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương. Nhờ vậy, ngay đến cựu tướng công an “cứng đầu” nhất như ông Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng C50) cũng phải nhận tội.

“Phiên tòa hiện đại nhất”

Vụ án đánh bạc lớn nhất từ trước tới nay được đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Phú Thọ tuy đã khép lại nhưng dư âm của nó vẫn còn để lại trong lòng nhiều người từng tham dự, theo dõi phiên tòa.

Cơ quan chức năng xác định, điều hành đường dây đánh bạc trực tuyến trên mạng internet là do Nguyễn Văn Dương, nguyên Chủ tịch HĐTV công ty đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) và Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch HĐQT công ty VTC online) cầm đầu, dưới sự “bảo kê” của 2 cựu tướng công an là ông Phan Văn Vĩnh (nguyên Tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát – bộ Công an) và ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – C50).

Nhiều người không khỏi “giật mình” khi có tới 72 bị cáo bị đưa ra xét xử trong cùng 1 vụ án, bị truy tố về 6 tội danh Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hồ sơ điều tra - Nữ Thẩm phán “ngồi ghế nóng” phiên tòa xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ
Các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ.

13 ngày xét xử, điều gì làm tôi ấn tượng nhất? Đó có lẽ chính là HĐXX, sự điều hành khéo léo của nữ Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương – Chủ tọa phiên tòa. Từng “mục sở thị” khâu chuẩn bị trước phiên tòa chừng gần một tháng, chúng tôi choáng ngợp bởi “phòng xử” đặc biệt được dựng trên hơn 1.000m2 sân TAND tỉnh Phú Thọ. Phòng xử lấy ba mặt của ba tòa nhà làm vách ngăn; mái tôn bắn kiên cố, đủ chống chọi với mọi thời tiết.

Để bố trí ghế ngồi cho những người tham gia phiên tòa, các thư ký, cán bộ tòa đã tới nhiều trường học, thuê mượn những băng ghế gỗ tối màu, giống với ghế thường dùng cho người tham gia tố tụng trong phòng xử. Họ xếp thành ba hàng đều tăm tắp, có rào ngăn giữa khu dành cho bị cáo, người liên quan.

Trong những ngày chuẩn bị để mở phiên tòa theo đúng kế hoạch, không ngày nào là không thấy Chánh văn phòng, Chánh án, Phó Chánh án tòa đăm chiêu, nhìn từng hàng ghế đã được xếp thẳng hàng, ngay ngắn hay chưa. Chưa kể, ở ba căn phòng trên tầng ba của tòa lúc nào cũng sáng đèn, những cánh cửa luôn có dấu niêm phong. Bảy chiếc tủ két sắt đựng hàng triệu bút lục, hồ sơ vụ án đứng sừng sững.

Hai màn hình máy chiếu lớn hàng trăm inch treo hai bên cánh gà HĐXX là điều khiến tất cả bị cáo, luật sư hài lòng. Nhiều luật sư bảo nhau “đây là phiên tòa hiện đại nhất”.

Để điều hành một phiên tòa đặc biệt lớn cả về số lượng người tham gia tố tụng cũng như tính chất, mức độ nghiêm trọng thì phải kể đến công lao của nữ thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương. Nhìn bề ngoài, chị có vẻ nhỏ bé, nhưng bên trong người phụ nữ ấy lại là một tinh thần quyết đoán, mạnh mẽ, hài hòa giữa cương và nhu, tất cả đã làm nên thành công của phiên tòa đặc biệt này.

Những đêm trăn trở thức trắng

Những ngày đưa vụ án ra xét xử, nếu chỉ nghe qua loa phát thanh, giọng nói của nữ Thẩm phán – Chánh tòa Kinh tế Nguyễn Thị Thùy Hương cũng đủ “uy” mỗi khi có bị cáo quanh co, lòng vòng; có lúc lại dịu dàng, quan tâm mỗi khi thấy bị cáo có vấn đề về sức khỏe. Không chỉ những bị cáo từng có địa vị cao trong xã hội như ông Vĩnh, Hóa, Nam, hay Dương mà cả những con bạc, người mua bán hóa đơn trái phép đều được bố trí ghế ngồi trước bục khai báo nếu thực sự không đảm bảo về sức khỏe. Thẩm phán Hương nhớ rõ từng bị cáo trong số 92 người; bị cáo nào đi muộn, bị cáo nào chưa trả lời, chị đọc tên ngay…

Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, Thẩm phán Thùy Hương cho biết, từ cuối tháng 12/1996, chị bắt đầu công tác tại VKSND tỉnh Phú Thọ cho đến cuối năm 2008 thì chuyển công tác đến phòng Giám đốc kiểm tra (nay là phòng Kiểm tra nghiệp vụ) của TAND tỉnh Phú Thọ. Đến tháng 3/2009, chị Hương được bổ nhiệm chức danh thẩm phán sơ cấp và công tác tại TAND TP.Việt Trì. Năm 2013, chị được bổ nhiệm làm Phó chánh án TAND TP.Việt Trì. Tháng 4/2017, chị được bổ nhiệm làm Chánh tòa Kinh tế TAND tỉnh Phú Thọ cho đến nay.

Hồ sơ điều tra - Nữ Thẩm phán “ngồi ghế nóng” phiên tòa xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ (Hình 2).
Nữ thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương – Chánh tòa Kinh tế TAND tỉnh Phú Thọ.

Chia sẻ về vụ án tổ chức đánh bạc được dư luận hết sức quan tâm, Thẩm phán Thùy Hương cho biết: “Đây là một vụ án đặc biệt đối với riêng bản thân tôi cũng như HĐXX. Vụ án có tới hơn 100 nghìn bút lục kèm theo hàng nghìn chứng từ, hóa đơn, sao kê tài khoản ngân hàng, chứa trong 7 tủ hồ sơ. Khi Tòa án nhận hồ sơ, phải huy động 10 thư ký kiểm đếm bút lục trong 2 ngày”.

“Ngay khi hồ sơ được chuyển từ VKSND tỉnh Phú Thọ sang Tòa án thì lập tức tôi được Chánh án phân công cùng HĐXX tham gia nghiên cứu hồ sơ ngày đêm, kể cả ngoài giờ hành chính và cả thứ Bảy, Chủ nhật để đảm bảo kịp tiến độ đưa vụ án ra xét xử. Từ khi nhận hồ sơ, những người được phân công nghiên cứu làm việc ở cơ quan liên tục, ăn cơm hộp rồi làm thông trưa cho đến tận khuya mới về, thậm chí gần đến ngày xét xử, để làm tới cùng những vấn đề khúc mắc, có hôm, tôi và các đồng nghiệp làm luôn tới sáng”, thẩm phán Thùy Hương tâm sự.

Mặc dù tính chất vụ án phức tạp, số người bị truy tố, người tham gia tố tụng khác đạt mức kỷ lục, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có 02 bị cáo khi phạm tội đang công tác trong lĩnh vực bảo vệ pháp luật, nhưng thẩm phán Thùy Hương và các thành viên của HĐXX không hề cảm thấy áp lực. Chị Hương nói: “Chúng tôi thực hiện việc nghiên cứu hồ sơ, xét xử như những vụ án bình thường khác vì bất kể là ai thì địa vị pháp lý đều như nhau khi tham gia tố tụng”.

Với kinh nghiệm thực tiễn, tham gia xét xử nhiều vụ án từ đơn giản đến phức tạp, thẩm phán Thùy Hương cho rằng: “Tội Tổ chức đánh bạc không phải là mới, nhưng hình thức tổ chức đánh bạc công nghệ cao, nhiều bị cáo phạm tội như vụ án này đòi hỏi phải tìm hiểu kỹ mô hình, cách thức tổ chức, vận hành, thanh toán để hiểu đúng bản chất, từ đó mới đánh giá đúng vị trí, vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội và có sự phân hóa đối với các nhóm bị cáo cụ thể. Chính vì vậy trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, thường xuyên có các cuộc tranh luận và làm rõ đến cùng đối với từng nội dung dù là nhỏ nhất”.

Vụ án này, theo nữ thẩm phán Thùy Hương khẳng định “không có vùng cấm”, tất cả các vấn đề đều phải được làm rõ tới cùng để có một bản án công tâm, khách quan, nghiêm minh, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Điều khiến thẩm phán Thùy Hương cùng các thành viên HĐXX trăn trở nhất chính là trong vụ án này có rất nhiều bị cáo là người có trình độ về công nghệ cao, là nhân tố xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ, có thể bắt kịp với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin trên thế giới nhưng lại thiếu hiểu biết về pháp luật và phải trả giá bằng bản án thích đáng.

Qua vụ án này, thẩm phán Thùy Hương cũng muốn gửi một thông điệp là mong mọi người hãy tự xem đó như một bài học, tiếp tục trang bị cho mình những kiến thức về pháp luật, từ đó phát huy tài năng của mình đúng lúc đúng chỗ, mang lại những giá trị tích cực cho bản thân, gia đình và đất nước.

Nguyễn Thúy

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button