Ông Nguyễn Hữu Linh sẽ bị xóa tên khỏi liên đoàn Luật sư?
Theo quy định, nặng nhất một luật sư có thể bị xóa tên khỏi danh sách liên đoàn Luật sư và đương nhiên bị thu hồi thẻ luật sư. Ông Nguyễn Hữu Linh liệu sẽ bị liên đoàn Luật sư Việt Nam xử lý ra sao?
Ngày 21/4, Công an quận 4, TP.Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Linh, SN 1958, trú quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 bộ Luật Hình sự năm 2015.
Ông Linh là cựu Viện phó VKSND TP.Đà Nẵng, về hưu giữa năm 2018 và đang là luật sư thuộc đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng. Ngay sau khi nắm được thông tin ông Linh bị khởi tố, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng cho biết, khi có kết luận chính thức về vụ việc, đơn vị này sẽ xem xét và đưa ra hình thức xử lý.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, việc làm của ông Nguyễn Hữu Linh đã gây bức xúc dư luận. Với tư cách là cựu Viện phó VKSND TP.Đà Nẵng, tư cách của một luật sư thì điều này là khó có thể chấp nhận. Do đó, cần xem xét thu hồi thẻ luật sư, xóa tên khỏi danh sách đoàn luật đối với ông Linh.
Trao đổi với PV về hình thức xử lý đối với một luật sư vi phạm, luật sư Lê Cao, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng cho biết, hiện nay, việc một luật sư bị khởi tố để điều tra về một tội danh nào đó, về nguyên tắc suy đoán vô tội thì họ đang bị khởi tố để điều tra về một hành vi có dấu hiệu phạm pháp, họ bị khởi tố thì về địa vị pháp lý trong vụ án họ là nghi can. Và chỉ khi bị kết án, có bản án có hiệu lực mới bị xem là có tội, tuy nhiên, vấn đề liên quan đến hành nghề vẫn có những tiêu chuẩn cơ bản đối với các nghề nghiệp, mà theo đó dù mới bị khởi tố bị can, nhưng có thể một người cũng có thể bị xem xét các hình thức kỷ luật theo luật Luật sư, theo Điều lệ của liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Luật sư Lê Cao dẫn chứng, theo quy định của luật Luật sư, điều 40 Điều lệ liên đoàn Luật sư Việt Nam thì trường hợp một luật sư mà đã có bản án bằng một bản án hình sự đã có hiệu lực, thì đương nhiên bị xóa tên khỏi đoàn luật sư, thu hồi thẻ luật sư.
Còn đối với trường hợp khác, dù chưa bị kết án nhưng theo điều 85 của Luật luật sư, khi luật sư vi phạm quy định của luật Luật sư, chẳng hạn không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất người luật sư theo Điều 10 của luật Luật sư, vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và các quy định khác của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm đình chỉ tư cách thành viên đoàn luật sư từ 6 tháng đến 24 tháng; Xoá tên khỏi danh sách luật sư của đoàn luật sư.
Theo luật sư Cao, vấn đề kỷ luật một luật sư bị khởi tố thuộc thẩm quyền của ban Chủ nhiệm đoàn luật sư theo đề nghị của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của đoàn. Trong trường hợp luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của đoàn, phải thông báo bằng văn bản với sở Tư pháp và đề nghị bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đề nghị liên đoàn Luật sư Việt Nam thu hồi thẻ luật sư.
“Theo chúng tôi, vấn đề xem xét kỷ luật đối với luật sư trong trường hợp như thế này thuộc về đánh giá, nhận định về tính chất, mức độ vi phạm của người luật sư liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn của một luật sư. Đây là trường hợp không phải là đương nhiên bị thu hồi thẻ mà do đánh giá nhận định của ban Chủ nhiệm đoàn luật sư và điều này cần sự tham mưu, đánh giá khách quan cũng như đầy trách nhiệm của Hội đồng khen thường kỷ luật của đoàn.
Do đó, vấn đề kỷ luật hay chưa kỷ luật là nằm trong thẩm quyền của đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng xem xét, quyết định dựa trên các quy định của luật Luật sư, Điều lệ liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và các quy định nội bộ của đoàn Luật sư Việt Nam”, luật sư Cao nói.
Điều 146 Tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi quy định: Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Danh Vĩnh
Theo: Nguoiduatin.vn