Phim về Võ Tắc Thiên: Đường Thái Tông Lý Thế Dân và dự báo trước Thiên mệnh lập vương
Ông là bậc minh quân với tài năng xuất chúng cả về phương diện quân sự lẫn chính trị trong phim Võ Tắc Thiên, lịch sử ghi nhận triều đại của ông thường được biết tới với tên gọi “Trinh Quán chi trị”.
Sinh thời, Đường Thái Tông Lý Thế Dân là vị vua được hậu thế đời đời ngưỡng vọng. Ông được bách tính tôn vinh bằng danh hiệu “một đời minh quân”, thời đại của ông cũng được biết tới với cái tên “Trinh Quán thịnh thế” (Trinh Quán từng là niên hiệu dưới thời Đường Thái Tông).
Ngày 28/1/599, Lý Thế Dân – con trai thứ 2 của Đường Cao Tổ Lý Uyên ra đời tại một biệt quán ở Võ Công (nay thuộc Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây).
Lý Thế Dân chào đời không khóc như những đứa trẻ bình thường, trên bầu trời Thiểm Tây xuất hiện hai con rồng bay lượn trên không bên ngoài cổng của biệt quán, ba ngày sau thì chúng rời đi.
Sự việc ấy khiến hậu nhân tin rằng Lý Thế Dân xuất sinh là được an bài tiếp nhận quyền hành từ Thiên thượng.
Khi còn nhỏ Lý Thế Dân đã bộc lộ thiên chất thông minh, tài hoa, rất giỏi võ nghệ, có tài cầm quân, sử dụng binh pháp, lại rất can đảm, không nề những việc nguy hiểm nhất, khi tấn công thì như vũ bão.
Đương thời không ai có thể đoán ra được tâm trí của ông.
Không chỉ vậy, Lý Thế Dân còn có năng khiếu về nghệ thuật, đặc biệt về thư pháp và đánh đàn, thư pháp của ông luôn học tập theo Vương Hi Chi.
Năm Lý Thế Dân 4 tuổi, một lần theo cha của ông là Đường Cao Tổ Lý Uyên đi công tác tại Kỳ Châu thì gặp một thư sinh.
Vị thư sinh này tự xưng là rất giỏi về toán quái đoán mệnh, nhìn thấy Lý Uyên đi qua liền nói: “Ngài là bậc quý nhân, hơn nữa ngài còn có quý tử”.
Vị thư sinh ấy nhìn sang Lý Thế Dân, liền nói: “Cậu bé này có dung mạo long phượng, sáng sủa, đến năm 20 tuổi nhất định có thể tế thế dân an”.
Cao Tổ Lý Uyên nghe xong lời ấy, thấy rõ ý của thư sinh nói Thế Dân lớn lên sẽ làm Hoàng thượng.
Ông e sợ rằng lời thư sinh nói mà lan truyền ra ngoài, sẽ tạo thành mối họa to lớn. Vì vậy, ngay lập tức ông liền sai người đuổi theo thư sinh bắt giữ lại nhưng đã không thấy vị thư sinh đâu nữa. Lý Uyên thấy lạ, bèn tiếp thu ý “tế thế dân an” và đặt tên cho con là Thế Dân.
Năm Lý Thế Dân 18 tuổi, Lý Thế Dân được sắc phong Tần Vương, trong đêm, lần đầu tiên ông cùng với huyện lệnh Tấn Dương là Lưu Văn Tịnh lên kế hoạch khởi nghĩa. Cao Tổ mơ thấy mình rơi xuống dưới giường, trên người đầy dòi bọ.
Sợ hãi bởi cơn ác mộng, Lý Uyên bèn lên chùa An Lạc gặp Thiền sư Trí Mãn thỉnh giáo lành dữ.
Thiền sư Trí Mãn họ Giả, là người Tây Hà, tu dưỡng cao thâm chậm rãi nói: “Đại nhân hãy nên lạy tạ trời đất đi! Dưới giường, dòi bọ ăn thịt đại nhân, chính là ý chỉ dân chúng phải nương nhờ vào một người như đại nhân mới có thể sống được”.
Thiền sư Trí Mãn lại nói: “Tôi có chút am hiểu Kinh Dịch, nên có thể dùng quẻ tượng để giải thích điềm báo này. Theo những gì được nói trong Kinh Dịch, quẻ tốn ở dưới giường, vô cùng hỗn độn, dường như không có chuyện xấu gì, thật ra là lành trước hung sau. Đại nhân chớ làm chuyện nhỏ, ắt thất bại. Đại nhân hãy nên làm chuyện lớn, làm chuyện lớn ắt thành công. Nếu như ngài vì dân mà cứu giúp, sẽ thành công vô cùng dễ dàng”.
Cao Tổ nghe xong, xúc động nói: “Cảm ơn ông đã có lòng tốt chỉ dẫn, nhưng tôi thật sự không dám làm”.
Thiền sư lại liếc mắt sang Lý Thế Dân ngạc nhiên phán: “Giấc mơ ấy có thể giải thích rằng, đại nhân và công tử đây (ý chỉ Lý Thế Dân) hiệp trợ lẫn nhau, dù phải động binh khí, đắc tội với phụ vương. Nếu như ông trời đã giao phó cho đại nhân, đại nhân lại cự tuyệt, thế thì sẽ phải chịu trừng phạt. Điều này không có gì là không thể cả”.
Năm 617, Đường Thái Tông khuyến khích cha là Đường Cao Tổ nên khởi binh phản nhà Tuỳ.
Trước đó, khi theo cha đến trấn thủ Thái Nguyên, Lý Thế Dân bắt đầu xây dựng lực lượng của mình và đã chiêu mộ được các nhân tài như Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Hầu Quân Tập, Trưởng Tôn Vô Kỵ.
Biết phụ hoàng lưỡng lự, Thế Dân đã mật mưu bàn với 2 thủ hạ của cha là Bùi Tịch và Lưu Văn Tĩnh.
Thời cơ chín muồi, Thế Dân cho Bùi Tịch nói cho cha biết rằng nếu việc Lý Uyên “nẫng tay trên” phi tần của Dạng Đế ở Tấn Dương cung bị phát hiện thì cả họ Lý sẽ bị giết.
Lý Uyên đồng ý khởi binh, bí mật cho triệu hồi Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát và con rể là Sài Thiệu.
Một năm sau, Tuỳ Dạng Đế bị Vũ Văn Hóa Cập hại chết, Lý Uyên ép Dương Hựu nhường ngôi, lật đổ nhà Tùy lập ra nhà Đường, phong cho con trưởng Lý Kiến Thành làm thái tử, Lý Thế Dân làm Tần Vương kiêm Thượng thư lệnh, tiếp tục coi việc quân.
Năm 618 – 620, Lý Thế Dân bình phục được hết miền Tây Bắc Trung Hoa, thắng một trận lớn ở Sơn Tây.
Hai năm 620 – 622, Thế Dân chuyển quân qua phía Đông, đánh Trịnh Vương là Vương Thế Sung ở Lạc Dương (Đông Kinh), để tiến tới Sơn Đông.
Năm 628, sau khi đã lên ngôi, Lý Thế Dân ra lệnh cho anh rể là Sài Thiệu (chồng của Bình Dương công chúa) đem quân đi đánh nước Lương của Lương Sư Đô ở Sơn Tây.
Vì lúc đó Đông Đột Quyết, kẻ bảo hộ nước Lương đang có nội chiến, nên quân Lương yếu thế không chống lại được, quân Đường đánh thẳng tới kinh đô nước Lương. Lương Sư Đô bị người em họ giết rồi dâng thủ cấp cho quân Đường. Đến đây thì nhà Đường hoàn toàn thống nhất Trung Quốc.
Đương thời, Lý Thế Dân lấy đạo trị dân, ông hạ mình cầu hiền, lắng nghe can gián, chọn dùng người đúng với khả năng, trị quốc chi đạo đều được hậu thế tôn sùng.
Trong 23 năm tại vị, quốc chính trong sạch, kinh tế phồn vinh, xã hội an định. Văn hóa nghệ thuật, thi từ ca phú, chói lọi huy hoàng, cực kỳ hưng thịnh xưa nay chưa từng có.
Năm thứ 23 niên hiệu Trinh Quán, Thái Tông Lý Thế Dân băng hà tại cung Thuý Vy, điện Hàm Phong, hưởng thọ 51 tuổi, táng ở Chiêu lăng.
(còn nữa)
Minh Anh
Theo: Nguoiduatin.vn