Sai lầm khiến đế chế thời trang Topshop phải đóng cửa tại Mỹ
Hãng thời trang nổi tiếng Topshop vừa tuyên bố đóng cửa tất cả các cửa hàng tại Mỹ sau một thập kỷ bước chân vào thị trường màu mỡ này.
Theo Wall Street Journal, tuần trước Arcadia Group – công ty mẹ của Topshop và Topman – đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ. Theo ước tính của Arcadia Group, tài sản của công ty tại Mỹ chỉ vào khoảng 53 triệu USD trong khi nợ lên đến 179 triệu USD.
Năm 2009, Topshop tấn công thị trường Mỹ với một bữa tiệc cực kỳ xa hoa, hoành tráng với sự xuất hiện của hàng loạt ngôi sao tại New York. Năm 2014, hãng mở cửa hàng “flagship” trên Đại lộ 5, New York. Ngoài ra, Topshop còn có các cửa hàng ở Los Angeles, Atlanta, Las Vegas, San Diego, Chicago, Houston, Washington DC và Miami.
Tuy nhiên, sau 10 năm bước chân vào thị trường này, doanh số tại Mỹ của Topshop không đạt được kỳ vọng. Không chỉ tại Mỹ, tình hình làm ăn nói chung của Topshop đã có dấu hiệu tụt dốc từ vài năm nay khi hãng phải cạnh tranh với hàng loạt đối thủ đồng hương sừng sỏ khác như ASOS và Boohoo. Cả hai thương hiệu này đều được đánh giá là nhỉnh hơn Topshop về cả tốc độ sản xuất hàng cũng như độ nhanh nhạy trong khoản bắt sóng xu hướng.
Ngay tại thời điểm tuyên bố phá sản, Topshop mới chỉ mở được tổng cộng 11 cửa hàng trên toàn lãnh thổ nước Mỹ, con số quá đỗi khiêm tốn so với các thương hiệu đối thủ cùng phân khúc giá mà đơn cử là Zara với hơn 300 cửa hàng tính riêng tại Mỹ.
Ngay tại quê nhà Anh quốc, Topshop cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Trong năm nay, Arcadia Group sẽ đóng cửa 23 cửa hàng Topshop tại Anh. Hiện Arcadia Group đang sở hữu khoảng 566 cửa hàng Topshop, Burton, Dorothy Perkins, Evans, Outfit… ở Vương quốc Anh và Ireland.
Theo báo cáo mới đây, doanh thu của Arcadia Group giảm tới 5,6% xuống còn 1,9 tỷ bảng (tương đương 2,4 tỷ USD) trong năm tài chính kể từ ngày 26/8/2017.
Tuy đóng cửa toàn bộ các cửa hàng tại Mỹ nhưng Topshop (cùng với dòng thời trang nam giới Topman) vẫn sẽ tiếp tục duy trì hình thức bán hàng online cũng như phân phối sản phẩm qua các đối tác bán buôn tại Mỹ, đơn cử như Nordstrom. Cùng với đó, hệ thống các cửa hàng của Topshop tại các quốc gia khác sẽ vẫn hoạt động bình thường.
Thêm vào đó, Chủ tịch Phillip Green cũng đang đối mặt với các cáo buộc quấy rối tình dục và các hành vi phân biệt chủng tộc. Vụ bê bối khiến thương hiệu bình dân đình đám một thời này đối mặt với làn sóng tẩy chay của khách hàng.
Lê Lan
Theo: nguoiduatin.vn