Sản xuất xe hơi “made in Vietnam” còn chậm vì doanh nghiệp kém chủ động

Sau khi tập đoàn Vingroup ra mắt xe hơi đầu tiên của Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn phát triển khá chậm. Việc phụ thuộc vào nước ngoài khiến các linh kiện xe hơi của Việt Nam vẫn yếu thế khi cạnh tranh về giá cả.

Theo đánh giá của phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo (cục Công nghiệp, bộ Công Thương), trong những năm qua, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định.

Cụ thể, tổng số các doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô là 358, trong đó có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. Đa số các doanh nghiệp cũng chủ động đầu tư vào dây chuyền máy móc, công nghiệp để sản xuất sản phẩm phụ tùng linh kiện, chi tiết ô tô… Tuy nhiên, số lượng này còn khá khiêm tốn so với 385 doanh nghiệp ở Malaysia và 2.500 doanh nghiệp ở Thái Lan về sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số nhóm linh kiện, phụ tùng ở mức độ đơn giản với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp như các chi tiết cấu thành khung gầm xe, thùng xe, vỏ cabin, cửa xe, săm lốp, bộ tản nhiệt,…

Đầu tư - Sản xuất xe hơi “made in Vietnam” còn chậm vì doanh nghiệp kém chủ động

Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô Việt Nam vẫn là sân chơi của doanh nghiệp nước ngoài. (Ảnh: Hà Nhân).

Chuyên gia kinh tế Trần Văn Cường (đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định: “Trên thực tế, dù có một số doanh nghiệp trong nước tham gia vào công nghiệp hỗ trợ nhưng hầu hết phụ tùng, linh kiện chủ yếu được sản xuất và nhập khẩu từ doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài). Còn tỷ lệ đặt hàng phụ tùng linh kiện từ doanh nghiệp nội địa cung cấp rất thấp. Trong số các doanh nghiệp cung cấp hiện có, hơn 90% là doanh nghiệp FDI, chỉ có số ít doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào mạng lưới cung cấp cho các nhà sản xuất lắp ráp ô tô ở Việt Nam”.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin tại triển lãm Saigon Autotech & Accessories 2019 được khai mạc từ ngày 23/5 tại TP.HCM, ông Ronald Ashkin, đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) cũng khẳng định: “Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm 98% nhưng chỉ 21% có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp nước ngoài cần nguyên liệu, vật liệu nhưng khó hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam vì công nghệ lạc hậu”.

Đầu tư - Sản xuất xe hơi “made in Vietnam” còn chậm vì doanh nghiệp kém chủ động (Hình 2).

Ông Ronald Ashkin, đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ mong doanh nghiệp Việt Nam chủ động hơn. (Ảnh: Hà Nhân).

Đồng quan điểm, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ đánh giá: “Năm 2018 vừa qua đã có nhiều biến động trong ngành sản xuất ô tô của Việt Nam khi ra mắt xe hơi đầu tiên. Nhìn chung, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện có phát triển nhưng rất chậm”.

Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình chia sẻ: “Một trong các lý do công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển là sản lượng của thị trường còn thấp. Hiện tại, lượng tiêu thụ ô tô tại Việt Nam trong những năm gần đây chỉ khoảng dưới 300.000 xe/năm, lại còn phân bổ vào rất nhiều dòng xe khác nhau. Trong khi, về lý thuyết, mỗi mẫu xe muốn gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, phải đạt sản lượng tối thiểu 50.000 xe/năm”.

“Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất (tiêu chuẩn quốc tế, cải tiến) rất tốt nhưng chiến lược quản trị (sự chủ động, tính kết nối) và thương mại (công cụ bán hàng, thông tin) thì chưa đồng đều. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng nhận xét, doanh nghiệp Việt Nam thường kém chủ động”, Tiến sĩ Trương Thị Chí Bình cho hay.

Vì thế, bà Chí Bình cho rằng các doanh nghiệp trong nước cần chú ý hơn về các kỹ năng mềm để tăng cường hiệu quả tiếp cận khách hàng. “Đồng thời, liên tục cập nhật công nghệ kỹ thuật để đạt các tiêu chuẩn quốc tế cũng rất quan trọng. Vì trong cuộc cạnh tranh với các nước khác có nền công nghiệp hỗ trợ đã phát triển cách đây 10 – 20 năm, Việt Nam phải làm chủ công nghệ để có mức giá tốt nhất”, đại diện hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ trình bày.

Tiến sĩ Trần Minh Ngọc (đại học Công nghiệp TP.HCM) đề nghị: “Để ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển mạnh mẽ, qua đó đẩy nhanh tốc độ nội địa hóa ô tô, Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào ngành này. Bởi đầu tư vào các lĩnh vực này đòi hỏi nhiều vốn và thời gian thu hồi vốn cũng dài hơn các ngành khác”.

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button