Sơ cứu thế nào để cứu trẻ bị hóc thạch?

Bé trai 11 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, không còn phản xạ thần kinh sau khi được người nhà cho ăn thạch và bị hóc.

Ngày 6/12, bác sĩ bệnh viện Sản nhi Nghệ An xác nhận đêm 4/12, bé trai 11 tháng tuổi trú tại thị xã Cửa Lò nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu. Theo người nhà bệnh nhi, trước đó cháu bé đang ăn thạch thì bị sặc và tím tái toàn thân.

Sức khỏe - Sơ cứu thế nào để cứu trẻ bị hóc thạch?
Sức khỏe – Sơ cứu thế nào để cứu trẻ bị hóc thạch?

Người nhà lập tức đưa cháu đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng tim, ngưng thở phải hồi sức tim phổi nhưng đồng tử 2 bên giãn, không còn phản xạ thần kinh. Dẫu rất cố gắng nhưng các y, bác sĩ đành bất lực. Ngày 5/12, bé đã được gia đình đưa về lo hậu sự.

Hóc dị vật là tai nạn rất phổ biến

Thời gian vừa qua, bệnh viện Sản nhi Nghệ An liên tiếp tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị hóc dị vật. Gần đây nhất là trường hợp một cháu bé 16 tháng tuổi bị hóc giấy ăn trong lúc chơi đùa.

Không chỉ riêng bệnh viện Sản nhi Nghệ An mà nhiều bệnh viện khác cũng thường xuyên cấp cứu những trường hợp hóc dị vật ở trẻ nhỏ như trường hợp một bé gái 11 tuổi sống tại TP.HCM đã bị sặc hạt trân châu trong cốc trà sữa dẫn đến nghẹt đường thở và tử vong khi đến bệnh viện. Trước đó, bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng đã tiếp nhận trường hợp bé gái 11 tháng tuổi vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, tím tái toàn thân, khó thở vì bị hóc thạch rau câu. Dù được cấp cứu nhưng bé vẫn không qua khỏi.

Tại bệnh viện Nhi Trung ương cuối tháng 7 vừa qua cũng cấp cứu cho một bệnh nhi 2 tuổi (quê ở Nam Định) bị hóc khi đang ăn nhãn dẫn đến ho sặc sụa, tím tái. Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện hạt nhãn ngay nắp thanh môn của bệnh nhi vẫn còn lẫn cả cùi. Đây là tai nạn rất phổ biến nhưng có thể để lại hậu quả rất nặng nề. Các bác sĩ cho biết, do bệnh nhi không được sơ cứu đúng cách ngay từ đầu nên khi đến bệnh viện đã rơi vào hôn mê sâu, não thiếu oxy dẫn đến tổn thương não và phải sống thực vật sau đó.

Khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần làm thế nào?

Theo BS. Phạm Ngọc Toàn (khoa Cấp cứu, bệnh viện Nhi Trung ương), đối với các ca hóc dị vật – như thạch, nếu biết cách xử lý, sơ cứu đúng cách có thể cứu sống được bệnh nhân. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không biết cách xử lý hoặc xử lý không đúng dẫn đến hậu quả đáng tiếc, bệnh nhân có thể bị hôn mê sâu, chịu di chứng suốt đời, thậm chí tử vong.

BS. Nguyễn Hùng Mạnh – Trưởng khoa Hồi sức Chống độc, bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết: “Thời gian vàng để cứu trẻ bị hóc dị vật chỉ trong khoảng 5-10 phút. Sau khoảng thời gian này xem như đã trễ, mọi cách cứu chữa gần như vô phương. Nếu có cứu được cũng để lại di chứng nặng nề, bệnh nhi có thể phải sống thực vật”.

Vì vậy gặp phải tình huống trên, các phụ huynh nên dùng tay ấn lên lồng ngực, hoặc vùng thượng vị, làm tăng áp lực trong lồng ngực để tống dị vật ra ngoài. Nếu làm cách đó không hiệu quả, trẻ vẫn tím tái, cha mẹ nên hà hơi thổi ngạt để nhanh chóng cung cấp oxy cho não, phổi đồng thời gọi cấp cứu. Trên đường đến bệnh viện, người thân phải liên tục hồi sức tránh để trẻ ngưng tim, ngưng thở.

Để phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc do sặc, hóc dị vật gây ra, các chuyên gia khuyến cáo, các bậc cha mẹ có con nhỏ phải đặc biệt chú ý khi cho con ăn. Theo đó, cần cho trẻ ngồi đúng tư thế khi ăn, hạn chế cho trẻ nằm ăn. Trong khi ăn, không nên trêu đùa khiến trẻ cười, dễ gây sặc cháo, sữa. Bên cạnh đó, cho trẻ ăn đồ ăn phù hợp với lứa tuổi. Khi ăn nên đút miếng vừa phải và đút chậm, chờ trẻ nuốt hết thức ăn trong miệng rồi mới đút tiếp. Nếu khi ăn thấy trẻ bị ho, cần dừng lại ngay, đợi trẻ hết cơn ho mới cho ăn tiếp. Ngoài ra, trong quá trình chế biến đồ ăn cho trẻ, cần chú ý làm kỹ các loại thực phẩm có xương và vỏ cứng như cá, tôm, cua… tránh để lại xương, vỏ trong thức ăn, khiến trẻ bị hóc.

Một lưu ý nữa, với trẻ dưới 2 tuổi, không nên để trẻ tự cầm ăn những loại trái cây có hạt, tránh tình trạng trẻ nuốt cả hạt gây hóc. Tốt nhất, ngay từ nhỏ, bố mẹ nên dạy trẻ nhận biết các loại đồ ăn, dạy trẻ biết bỏ hạt khi ăn, nhất là các loại quả gần gũi với trẻ như nhãn, chôm chôm, vải, mít, hồng xiêm…

Với những trẻ lớn hơn (trong khoảng 2-5 tuổi), bên cạnh việc để mắt đến trẻ trong vấn đề ăn uống, bố mẹ, thầy cô nên chú ý đến những đồ vật trong nhà và tại lớp học mà trẻ có khả năng cho vào miệng gây hóc. Cụ thể, các loại đồ vật nhỏ như viên bi, cúc áo, đinh vít, viên thuốc… nên được để gọn gàng, xa tầm tay của trẻ.

Phong Linh (tổng hợp)

Theo: nguoiduatin.vn

Back to top button