Sốc phản vệ: Xử trí thế nào để giúp con thoát cửa tử?

Vụ 2 trẻ em liên tiếp tử vong sau truyền dịch, khi trẻ có triệu chứng đi ngoài thời gian gần đây khiến nhiều người vô cùng lo lắng. Vậy xử trí thế nào để giúp bệnh nhân thoát cửa tử?

Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây tử vong, tuy nhiên trên Đời sống Plus/Gia đình Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có nhiều nguyên nhân có thể khiến trẻ tử vong khi truyền dịch, nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất là do sốc phản vệ.

Thông tin trên Đời sống Plus/Gia đình Việt Nam, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng cực kỳ nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng của trẻ. Nó có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút tiếp xúc với các chất gây dị ứng.

Sốc phản vệ có thể làm cho bệnh nhân bị sốc, huyết áp giảm đột ngột và đường thở tắc hẹp, chặn đường thở bình thường. Nếu bệnh nhi có những biểu hiện như rét run, khó thở, tím tái, nổi ban da, nghi là sốc phản vệ thì thuốc đầu tiên, quan trọng nhất nhân viên y tế cần sử dụng là là adrenaline.

Theo kinh nghiệm của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, những người sốc phản vệ được tiêm adrenaline sớm, khi đến viện cấp cứu không có mạch, không có huyết áp các bác sĩ vẫn cứu được.

Hình minh họa
Hình minh họa

Theo các nghiên cứu, dùng adrenaline trong điều trị sốc phản vệ càng sớm thì hiệu quả càng cao. Và adrenaline tiêm bắp là liệu pháp điều trị căn bản và có tính chất cứu mạng người bệnh.

Về cơ chế, adrenaline tác động trên các thụ thể thần kinh giao cảm giúp giải quyết hầu hết các triệu chứng của sốc phản vệ. Ví dụ như thuốc có tác dụng co mạch (giúp tăng huyết áp, giảm phù nề, ban đỏ), giãn cơ trơn phế quản, tăng sức co bóp cơ tim…

Theo quy định ở nước ta hiện nay, adrenaline cần phải được chuẩn bị trước ở tất cả những tình huống có nguy cơ xảy ra sốc phản vệ như tiêm truyền thuốc, truyền dịch, gây tê gây mê, tiếp xúc với ong…

Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, nếu thấy trẻ có những biểu hiện của sốc phản vệ thì cần thực hiện đúng nguyên tắc kịp thời và tuân thủ đúng các trình tự cấp cứu.

– Gọi cấp cứu nếu thấy bé có dấu hiệu khó thở hoặc bất tỉnh.

– Để trẻ trong tư thế nằm, kê cao hai chân để tránh nguy cơ bị sốc, đặt nằm nghiêng sang bên trái nếu trẻ bị nôn để tránh chất nôn rơi vào đường thở.

– Nói chuyện liên tục để trẻ giữ nhịp thở và tránh bị kích thích.

– Đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Thông tin trên báo Nông Nghiệp, theo BS Cấn Phú Nhuận, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bậc cha mẹ không được đưa bé đi tiêm phòng nếu thấy sốt, ho nhẹ, nước mũi chảy. Trước khi tiêm, không cho bé ăn, bú sữa quá no, cũng không để bé quá đói dẫn tới tình trạng kiệt sức, hạ huyết áp sau khi tiêm…

Đối với trẻ em đã có hiện tượng sốc phản vệ nhẹ với lần tiêm đầu thì những lần tiêm tiếp theo, cha mẹ cần thông báo điều này với các chuyên gia y tế để đưa ra một phác đồ tiêm hợp lý, an toàn cho bé và có những biện pháp can thiệp kịp thời…

Mộc Miên (Tổng hợp)

Theo : Nguoiduatin.vn

Back to top button