Sốt xuất huyết vào đỉnh mùa dịch: Biến chứng nặng dẫn đến xuất huyết não
Sốt xuất huyết không chỉ nguy hiểm vì gây sốt cao triền miên, liên tục trong nhiều ngày mà còn gây ra các biến chứng nghiêm trọng có thể làm tử vong ở bệnh nhân giai đoạn sau cắt sốt.
Theo Thanh niên đưa tin từ trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm đến nay toàn thành phố có hơn 19.000 ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện. Thời điểm giữa tháng 11 là đỉnh của mùa dịch hằng năm. Trung tâm y tế dự phòng kêu gọi mọi người diệt muỗi, loại bỏ lăng quăng nơi sinh sống… để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Tại Quảng Nam, Nghệ An, Khánh Hòa cũng ghi nhận số ca mắc bệnh đang tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Sốt xuất huyết không chỉ nguy hiểm vì gây sốt cao triền miên, liên tục trong nhiều ngày mà còn gây ra các biến chứng nghiêm trọng có thể làm tử vong ở bệnh nhân giai đoạn sau cắt sốt. Nhận biết sớm các dấu hiệu của những biến chứng này là vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân.
Các biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết
Theo báo An ninh thủ đô, một trong số các biến chứng do sốt xuất huyết nặng là tràn dịch màng phổi. Huyết tương bị tràn trong cơ thể có thể khiến viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi hoặc viêm phổi, phù phổi cấp. Biến chứng này rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại những hậu quả nặng nề sau này cho người bệnh.
Một biến chứng thường gặp nữa là tổn thương một số cơ quan nội tạng như suy tim, thận. Do chảy máu liên tục, tim không đủ sức bơm máu cho cơ thể cộng với dịch huyết tương xuất huyến khiến màng tim bị tràn dịch gây ứ đọng. Thận cũng bị ảnh hưởng do phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu. Những bệnh nhân đã có những bệnh nền như suy thận, suy gan do rượu… thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.
Ở thể nặng, bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ cảm thấy khó khăn khi đứng và đi bộ do huyết áp giảm đột ngột. Sau đó, bệnh nhân sẽ bị đau đầu dữ dội. Đây là biến chứng nghiêm trọng của sốt xuất huyết bởi nó thường gây ra xuất huyết não và tử vong. Bên cạnh đó, biến chứng giảm tiểu cầu cũng là tình trạng rất nguy hiểm đối với các bệnh nhân xuất huyết nặng. Nếu đã bị giảm tiểu cầu, bệnh nhân không được truyền kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, dễ tử vong.
Biện pháp phòng tránh dịch sốt xuất huyết
Bộ Y tế khuyến cáo cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Phong Linh (tổng hợp)
Theo : nguoiduatin.vn