Tai nạn thảm khốc ở Long An: ĐBQH lên tiếng việc đổ lỗi cho xe máy

Khi chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc ở Long An, chuyên gia giao thông – Tiến sĩ Lương Hoài Nam nhắc lại quan điểm cần hạn chế xe máy. Tuy nhiên, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng không thể đổ lỗi cho việc nhiều xe máy thì dễ gây tai nạn, nhiều người thương vong.

Chiều ngày 2/1, thông tin, hình ảnh, clip về vụ tai nạn thảm khốc ở Long An khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Vụ tai nạn vô cùng nghiêm trọng, hy hữu khi các phương tiện dừng đèn đỏ nhưng bị tai nạn đã khiến cho dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, ý kiến trái chiều xoay quanh vụ tai nạn thương tâm này.

Mới đây nhất, khi chứng kiến vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến nạn nhân là hơn 20 người đi xe máy, chuyên gia giao thông – Tiến sĩ Lương Hoài Nam tiếp tục nhắc lại quan điểm phải hạn chế xe máy.

Theo đó, ông Nam nói: “Tôi đã hứng chịu bao nhiêu là gạch đá vì quan điểm đối với giao thông xe máy. Nhưng, khi nhiều người đi xe máy đã phải bỏ mạng trong 2 vụ tai nạn ở tỉnh Long An và Lâm Đồng, tôi tiếp tục khẳng định xe máy không phải và không thể lấy làm phương tiện giao thông chủ lực của người dân”.

Ông Nam cho rằng người dân cần sợ xe máy kể cả khi bắt buộc phải sử dụng. Từ đó, vị chuyên gia đề xuất Nhà nước cần có lộ trình giảm dần rồi loại bỏ xe máy, thay thế bằng những phương tiện giao thông công cộng an toàn, tiện nghi, tiết kiệm chi phí hơn so với việc phải tự bỏ tiền mua và nuôi xe máy…

Tin nhanh - Tai nạn thảm khốc ở Long An: ĐBQH lên tiếng việc đổ lỗi cho xe máy
Tai nạn thảm khốc ở Long An khiến hàng chục người thương vong.

Từ ý kiến này, PV báo Người Đưa Tin đã lắng nghe quan điểm của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre).

Thưa ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, có ý kiến cho rằng ở Việt Nam hiện nay xe máy không thể coi là phương tiện giao thông chủ lực, cần hạn chế sử dụng xe máy. Ý kiến của đại biểu như thế nào?

Tôi chưa hiểu và chưa nắm được ai đưa ra đề xuất xe máy không phải là phương tiện chủ lực ở nước ta. Nhưng, xét về vụ tai nạn thảm khốc ở Long An mới đây, nếu xe đứng trước container là ô tô khách thì xe container lao vào có sao hay không?

Vì thế, tôi cho rằng xe máy có là phương tiện chủ lực hay không phải do chính người dân nói. Một người dân không thể không sử dụng xe máy, hoặc một người dân cứ phải sử dụng ô tô. Đây là câu chuyện cần xem xét ở nhiều khía cạnh. Phải dựa trên cơ sở thực tiễn đời sống của người dân, có những gia đình xe máy là cả một gia tài thì tại sao không coi đó là phương tiện chủ lực?

Thêm nữa, cần nhìn tổng thể giao thông công cộng ở Việt Nam hiện nay đã đáp ứng chủ lực chưa? Đây là điều các nhà quản lý, nhà khoa học cần phải xem xét một cách đầy đủ ở mọi khía cạnh.

Theo tôi, không nên thấy xe máy bị nạn nhiều từ vụ tai nạn thảm khốc ở Long An mà nói hạn chế xe máy. Phải dựa trên cơ sở, có những nghiên cứu thực tiễn, khoa học đầy đủ các khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội… mới có thể đưa ra đề xuất được.

Còn việc nói rằng có thể áp dụng, học các nước tiên tiến thì cần phải xem phương tiện công cộng đi như thế nào, có thuận lợi hay không. Tôi lấy ví dụ phương tiện công cộng cách xa chỗ ở của người dân thì người dân sẽ không thể chấp nhận sử dụng. Cho nên, cần phải dựa vào nhu cầu của người dân, chứ không thể dựa vào ý kiến chủ quan của một người, của một nhà quản lý. Không phải cái gì cũng có thể rập khuôn máy móc theo nước ngoài, mà cần vận dụng đúng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước ta.

Tin nhanh - Tai nạn thảm khốc ở Long An: ĐBQH lên tiếng việc đổ lỗi cho xe máy (Hình 2).
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ quan điểm của mình.

Quay trở lại về vụ tai nạn thảm khốc ở Long An, đã có rất nhiều thông tin trên báo chí về vụ tai nạn này. Vậy, cá nhân đại biểu có suy nghĩ gì về vụ việc đau lòng này?

Cảm giác đầu tiên của tôi khi hay tin về vụ tai nạn thảm khốc này là đau lòng. Bởi, người dân tham gia giao thông chấp hành đúng luật lệ mà lại bị tai nạn, đây là điều hết sức đau xót.

Thêm nữa, thông tin báo chí phản ánh tài xế lái xe container vừa uống rượu tân gia, lại có xét nghiệm dương tính với ma túy. Đây là điều hết sức suy nghĩ, trăn trở. Một câu hỏi đặt ra là những người lái xe có sử dụng chất kích thích như vậy cơ quan quản lý có biết không? Có kiểm soát được không?

Bản thân những người lái xe khi được học luật, cảnh báo luật như vậy có nắm được? Hiện nay, còn bao nhiêu những lái xe kiểu như vậy, biến lái xe thành hung thần.

Tôi cho rằng, công tác quản lý nhà nước và công tác tuyên truyền, giáo dục của các hiệp hội liên quan đến lái xe là có vấn đề.

Từ sau vụ tai nạn thảm khốc, trên mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh chế vượt đèn đỏ, hoặc nói rằng khi đèn đỏ thì nên vượt chứ không nên dừng lại sẽ bảo toàn tính mạng. Điều này có vi phạm luật?

Vụ tai nạn này là hy hữu chứ không phải ngày nào cũng xảy ra. Thêm nữa, ai đó lấy sự vi phạm pháp luật để đùa giỡn là điều không nên. Theo tôi, thay vì câu chuyện hùa theo nhau để vượt đèn đỏ, vi phạm luật giao thông thì cần kêu gọi tất cả mọi người chấp hành pháp luật, có ý thức tham gia giao thông một cách có văn hóa. Vì thế, không nên đùa như vậy!.

Xin cảm ơn đại biểu!

Xem thêm: 

 

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button