Tây Du Ký: Tại sao học Đạo xong, Tôn Ngộ Không trở nên ngang ngược đến mức bị chôn 500 năm dưới chân núi Ngũ Hành?
Học đạo để tu thân, để an yên trong cửu giới, cớ sao 7 năm tu đạo trên núi Linh Sơn, Tôn Ngộ Không Tây Du Ký lại trở nên ngang ngược khuấy trời đạp nước?
Tôn Ngộ Không an phận thủ thường?
Lang bạt biển lớn, Khỉ đá quyết tâm học đạo Trường sinh:
Thác sinh từ đá trời, lênh đênh hơn chục năm biển lớn, nín nhịn không cáu gắt trước đối xử tệ bạc của nhân gian, tầm sư học đạo nhất nhất tuân lệnh Bồ Đề Tổ Sư, Tôn Ngộ Không thực là một con khỉ đá có bản tính hiền lành, khát khao tìm đạo cùng một trái tim đôn hậu, kiên cường.
Nhớ lại lúc mới lên núi tầm sư, nhìn thấy Bồ Đề Tổ Sư, Hầu vương nhác trông người đã cúi người lạy liên tiếp và nói:
– Thưa sư phụ, thưa sư phụ, đệ tử con lòng thành chầu lễ.
Tổ sư nói:
– Nhà ngươi là người ở đâu, mau nói rõ quê quán họ tên rồi hãy lạy.
Hầu vương thưa:
– Đệ tử là người động Thủy Liêm, núi Hoa Quả, nước Ngạo Lai, thuộc Đông Thắng Thần Châu.
Tổ sư quát mắng ra lệnh:
– Tống cổ nó ra! Tên này là hạng dối trá quanh co, còn tu hành thành đạo quả sao được!
Hầu vương sợ hãi dập đầu thưa:
– Đệ tử nói thật mà, đâu dám nói dối.
Tổ sư nói:
– Ngươi nói thực thà, mà lại nói Đông Thắng Thần Châu à? Từ nơi ấy đến đây cách hai lần biển lớn, một tòa Nam Thiệm Bộ Châu, làm sao mà tới được?
Hầu vương cúi đầu thưa:
– Đệ tử lênh đênh vượt biển, lang thang trên bộ mười mấy năm trời, mới đến được đây.
Tổ sư nói:
– Ừ, đi mãi dần dà cũng đến nơi. Thế tính ngươi là gì?
Hầu vương đáp:
– Con không có tính. Người ta mắng con, con cũng không giận, đánh con, con cũng không tức, chỉ lạy họ mà thôi, cả đời con không có tính.
Ở Nam Thiệm Bộ Châu, Ngộ Không chịu nhiều thiệt thòi, uất ức, bị đánh bị mắng nhưng lại không chút để tâm, chỉ lạy đáp lễ.
Rõ ràng, ngay từ ban đầu, con khỉ đá ấy đã có tâm tính rất tốt, tính khí hiền lành, bản tính thuần thiện ban đầu.
“Kẻ sĩ bậc thượng nghe Đạo thì chăm chú làm theo. Kẻ sĩ bậc trung nghe Đạo thì điều còn điều mất. Kẻ hạ sĩ nghe Đạo thì cười lớn, không cười thì sao tỏ rõ đó là Đạo được?”.
Khi nghe giảng, Tôn Ngộ Không ngồi nghe giảng, sướng quá đến nỗi xoa tai vuốt má, mặt mày hớn hở, khoa tay múa chân.
Bỗng bị tổ sư trông thấy, gọi lên bảo:
– Ngươi ngồi trong lớp, tại sao lại điên cuồng nhảy nhót, không nghe ta giảng?
Ngộ Không thưa:
– Con thành tâm nghe giảng, đến những chỗ sư phụ giảng nhiệm mầu quá, lòng vui mừng khôn xiết, không nhịn được, nên có những điệu bộ như vậy, mong sư phụ tha tội.
Tổ sư Bồ Đề hẳn là cũng sớm biết được căn cơ của Hầu vương không tầm thường nên cũng đã cố ý đưa ra mấy thứ thuật loại tiểu đạo kia để thử lòng. Khi Ngộ Không từ chối không học, tổ sư cũng tỏ vẻ giận dữ vô cùng. Tây Du Ký kể rằng:
“Tổ sư nghe đoạn, hừ một tiếng, từ trên đài cao nhảy xuống, tay cầm gậy giới xích, chỉ vào Ngộ Không nói:
– Loài khỉ già kia, đạo này không học, đạo kia không học, còn đòi học cái gì?
Rồi đi đến gõ đầu Ngộ Không 3 cái, quay lưng giơ tay đi thẳng vào trong, đóng cửa giữa lại, bỏ mọi người ở ngoài”.
Bề ngoài thì là giận dữ nhưng trong lòng tổ sư sớm đã chọn Ngộ Không là đệ tử chân truyền.
Đến khi truyền Đạo, Bồ Đề Tổ Sư sớm đoán được ý đồ của con khỉ ấy. Đạo gì không học nhất quyết muốn học đạo Trường sinh bất lão.
Tu luyện phép trường sinh ấy kỳ thực chính là thoát khỏi sự khống chế của Ngũ hành, cao hơn nữa chính là vượt ra ngoài Tam giới, không chịu vòng luân hồi, sinh tử để đạt đến quả vị của La Hán, Chân Nhân.
Sau khi được truyền dạy 72 phép thần thông cùng thuật Cân đẩu vân (cưỡi mây), Tôn Ngộ Không dương dương tự đắc biến hoá hết vật này sang vật nọ.
Cuối cùng tổ sư bèn đuổi Ngộ Không đi, hơn thế, tổ sư còn bắt Ngộ Không thề rằng về sau có xảy ra chuyện gì cũng không được nói y là đệ tử của ông.
Tôn Ngộ Không bị đuổi khỏi đạo quán của Bồ Đề Tổ Sư:
Bị đuổi khỏi đạo quán trở thành Tề Thiên Đại Thánh
Tôn Ngộ Không vốn dĩ tính khí tốt như vậy, có thể nhẫn nhịn tốt như vậy, tại sao về sau lại trở thành một kẻ cao ngạo, không sợ trời không sợ đất?
Tôn Ngộ Không hiện lên như một kẻ bất trị, đại náo long cung thủy tề, phá hội Bàn Đào, quậy phá thiên giới, thực không coi ai ra gì.
Lý do là ở chỗ tính khí của Ngộ Không là thuận theo tài năng của bản thân mà biến đổi. Trước khi học Đạo cầu Tiên, Ngộ Không chỉ là một con khỉ đá, hình dung xấu xí, không hiểu phép tắc, khi ấy không thể cao ngạo, dương dương tự đắc.
Thế nhưng mọi chuyện đã biến đổi sau khi học 72 phép Địa sát, vượt khỏi giới hạn của Tam giới.
Tôn Ngộ Không trổ phép thần thông vì sự kích tướng của đồng môn ấy là khoe mẽ, muốn được người khác nịnh bợ. Với người tu hành mà nói, đây là một loại tâm lý hết sức không tốt. Thực chất sự khoe khoang, cậy mình có tài, sau này ắt là chuốc vạ vào thân.
Cho nên, Ngộ Không tu Đạo rồi tính khí lại còn kém hơn lúc chưa tu là vì thế!
Cậy 72 phép biến hóa, xuống Địa phủ xóa tên sổ sinh tử, lên thiên cung quấy nhiễu hội Bàn Đào, tự xưng Tề Thiên Đại Thánh, muốn thay cả Ngọc Hoàng cai quản Tam giới, đại náo thiên cung, sự ngông cuồng đã lên đỉnh điểm.
Ngay cả sau khi đã quy y Phật gia, theo Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, Tôn Ngộ Không cũng vẫn là con khỉ bản tính “coi trời bằng vung” không chịu nổi dù chỉ một chút chèn ép, xem thường người khác.
Phật Tổ Như Lai xuất hiện như một điều hiển nhiên, thu hàng Ngộ Không, ép chặt 500 năm dưới núi Ngũ Hành, coi như cấp cho một dịp tu luyện tâm tính lại từ đầu, uốn nắn lại con người.
Với Tôn Ngộ Không việc bị đày dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm minh chứng cho một điều quan trọng rằng: Con người tu Đạo đúng nghĩa phải khiêm nhường, khoan dung, hành thiện tích đức.
(còn nữa)
Minh Anh
Theo: nguoiduatin.vn