Thi giáo viên dạy giỏi: Chuyên gia đề xuất phương pháp thay thế
Để hạn chế một số tiêu cực và tìm ra những “viên ngọc quý” trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi, trước tiên, phải xác định đúng mục đích và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đánh giá toàn diện.
“Lối mở” cho cuộc thi thực chất
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam khẳng định, xóa bỏ ngay kỳ thi giáo viên dạy giỏi là một sự vội vàng: “Cần xác định đúng mục tiêu đề ra ban đầu, có thể mục tiêu đề ra tích cực nhưng khi tổ chức bị lệch lạc, dẫn đến tiêu cực. Vì vậy, phải kịp thời rút kinh nghiệm tổ chức lại, không khắc phục được thì phải thay đổi”.
Theo ông, việc tổ chức đánh giá phải làm cho đúng, không tính toán, sắp xếp toàn người giỏi để hoàn thành phần thi. Nếu thi kiểu chọn toàn học sinh giỏi đến lớp là không trung thực.
Giáo viên dạy giỏi yêu cầu truyền đạt sao cho dễ hiểu, một học sinh kém cũng hiểu và theo kịp được kiến thức, học sinh giỏi có thể trội hơn nhưng vẫn phải đảm bảo cả lớp cùng tiến bộ.
Trong một lớp, trình độ học sinh không đồng đều, người giáo viên giỏi phải từ cùng một bài giảng, vừa giúp học sinh khá, giỏi càng giỏi hơn, nâng cao năng lực sáng tạo; vừa giúp học sinh kém hơn cố gắng theo kịp bài và cải thiện trình độ dần dần.

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Trước hết, cần xác định chủ trương thi giáo viên dạy giỏi nhằm mục đích gì? Tôn vinh những giáo viên giỏi, nhưng phải là những người giỏi thực sự được công nhận từ cuộc thi tổ chức thực chất, không phải chỉ mang tính hình thức”.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp, bộ GD&ĐT cho biết: “Việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi với mục đích tốt thì nên khẳng định, còn những “lỗ hổng” tiêu cực thì cần chấn chỉnh, sửa đổi.

Thực tế, vẫn có thể tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, nhưng phải chấn chỉnh lại các quy định về hội thi mang tính chất tự nguyện, xây dựng lại nội dung thi, chuyên môn, phương pháp đánh giá cả quá trình giúp học sinh tiến bộ”.
“Trước hết, phải hoàn thiện lại điều lệ, quy chế về hội thi giáo viên dạy giỏi, tạo động lực, thu hút giáo viên giỏi tham gia, hệ thống đo lường đánh giá giáo viên qua các hội thi và các quá trình khác phải được tổ chức hợp lý.
Hội đồng đánh giá phải có đủ trình độ, năng lực và đạo đức, đảm bảo hội thi tổ chức không xảy ra bất cập nào.
Không nên lấy giáo viên dạy giỏi qua một kỳ thi, để đánh giá xếp loại thi đua, củng cố vị trí quyền lực. Những biểu hiện của bệnh thành tích, vì danh sách giáo viên dạy giỏi để tăng lương và đạt danh hiệu trường chuẩn… thì nên bỏ đi. Giáo viên dạy giỏi chỉ cần vinh danh, xây dựng uy tín với học trò, xã hội”, ông phân tích.
Nhiều phương pháp thay thế
Tuy nhiên, theo GS.TS Đinh Quang Báo, cần đánh giá một cách tổng thể qua các tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, nếu xuất sắc mới xứng đáng để tôn vinh, trở thành người cốt cán cả một đơn vị. Không nhất thiết phải thi qua một vài giờ học, vì qua một vài giờ khó để đánh giá và tôn vinh.
“Trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên, đã có hướng dẫn cụ thể phải đánh giá hàng năm như thế nào, tổng kết kết quả ra sao để người quản lý hiểu được mà bồi dưỡng, giáo viên tự biết năng lực mình đến đâu để tự trau dồi. Nếu chất lượng thực sự tốt, có thể lựa chọn hình thức tôn vinh như tặng giấy khen, nâng lương…”, ông nhấn mạnh.
GS.TS Đinh Quang Báo cho rằng, nên lấy mục đích bình chọn giáo viên dạy giỏi để đồng nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Không riêng những người giỏi, những người thành công mà cả những người bình thường, người không thành công cũng chia sẻ. Bởi vì, thất bại của đồng nghiệp này cũng sẽ trở thành bài học cho đồng nghiệp kia.
Từ đó, ông gợi ý, nên thay chương trình thi giáo viên dạy giỏi hàng năm bằng hình thức tổ chức nghiên cứu bài học, công nghệ nghiên cứu dạy học để phát triển cho giáo viên. Vì nếu chỉ tập trung vào dạy giỏi trong một vài giờ học mang ra “biểu diễn” ở cuộc thi thì các giờ khác không có người dự giờ có đảm bảo dạy đầy đủ kiến thức, dạy giỏi hay không. Đó chỉ là hình thức, không bền vững.

Đồng tình với quan điểm đó, GS.TS Phạm Tất Dong cũng nhận định: “Tổ chức cuộc thi giáo viên dạy giỏi thực chất nhằm mục đích tìm ra những người giáo viên có kinh nghiệm để truyền đạt cho người khác, không phải chỉ là cuộc thi nhằm mục đích tuyên dương cá nhân”.
GS.TS Phạm Tất Dong phân tích: “Cuộc thi giáo viên dạy giỏi bây giờ chỉ nên tổ chức để tất cả giáo viên có thể tự nguyện tham gia. Ai có thế mạnh gì thì trình bày ra, nhưng mục đích để chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ tri thức, có thể tổ chức hội thảo, dự lớp. Qua đó, chia sẻ cho những giáo viên mới vào nghề có thể học hỏi thêm từ những giáo viên giỏi về tác phong, nội dung, phương pháp…
Giáo dục cần giáo viên giỏi để làm gì? Để dìu dắt những người khác cùng giỏi lên. Không chỉ để tôn vinh sáng tạo, mà để đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt học tốt như Bác Hồ đã từng dạy, giáo viên phải dạy thật tốt, làm sao cho học sinh học tập thật tốt, hai phong trào gắn bó với nhau”.
Theo: Nguoiduatin.vn