Thông tin mới nhất về vụ trẻ tử vong sau tiêm vắc xin 5 trong 1

Liên quan tới các ca tử vong sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1, bộ Y tế vừa có công điện gửi các sở y tế tỉnh thành.

Sở Y tế lên tiếng về trường hợp trẻ thứ 3 tử vong sau tiêm vắc xin 5 trong 1

Theo báo Tiền phong, trẻ tử vong là con thứ 3 trong gia đình, không có bệnh bẩm sinh, sinh thường, cân nặng 3,2kg. Trong thời gian mang thai tháng thứ 6, sản phụ tiêm 1 mũi vắc xin phòng uốn ván. Bố bệnh nhi cho biết gia đình không ai có bệnh mãn tính, dị ứng hoặc hen suyễn. Trẻ đã tiêm viêm gan B mũi 1 và tiêm BCG (vắc xin phòng lao). Sau các mũi tiêm trên trẻ không có biểu hiện bất thường.

Theo báo cáo, khoảng 8h ngày 9/1, trẻ được bố và mẹ đưa đến trạm Y tế xã Cần Kiệm để tiêm vắc xin. Kiểm tra trước tiêm, trẻ 36,5 độ, không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, đủ điều kiện tiêm chủng. Gia đình đã được nhân viên y tế tư vấn về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng, hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc, xử trí sau tiêm chủng tại nhà và được phát 2 gói thuốc Acepron 80mg (Paracetamol) để phòng khi trẻ có sốt thì gia đình cho uống, chỉ định mũi tiêm vào phiếu khám phân loại và sổ tiêm chủng của trẻ. Sau đó trẻ được tiêm vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Viêm gan B – Hib (ComBE Five) mũi 1 và uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 1. Trẻ được theo dõi 30 phút tại trạm y tế, sức khỏe trẻ bình thường, gia đình cho về nhà để tiếp tục theo dõi.

Theo lời kể của mẹ bệnh nhi, đến 12h30 gia đình chủ động cho bé uống hạ sốt Acepron 80mg lần 1 mặc dù trẻ chưa có biểu hiện gì bất thường. Đến 14h, mẹ gửi cháu cho bà nội trông, bà nội sờ trán thấy nóng, môi đỏ, không quấy khóc, tuy nhiên trẻ không được nhanh nhẹn như mọi khi. Sau đó, mẹ bé đón con về, bé vẫn bình thường nhưng sau đó có sốt và được dùng hạ sốt.

Tuy nhiên đến 22h cùng ngày trẻ tiếp tục sốt (không cặp nhiệt độ), gia đình mua thêm thuốc hạ sốt Colocol (paracetamol 80mg, dạng bột) để cho trẻ uống. Khoảng 5h30 đến 6h sáng ngày 10/1 gia đình thấy trẻ đỡ quấy khóc nên đặt trẻ ngủ trên giường cùng bố mẹ. Đến khoảng 7h sáng cùng ngày gia đình thấy trẻ chảy máu mũi người lạnh, không động đậy. Gia đình đưa con đến nhà chị Chu Thị Phượng (là y tế thôn Yên Lạc 3) để kiểm tra về tình trạng sức khỏe. Bé được cuốn trong 1 chăn bông mỏng, tại nhà y tế thôn bé đã ngừng thở, có máu chảy ở mũi. Trẻ được xử trí và sau đó đưa đến bệnh viện Thạch Thất cấp cứu theo đúng phác đồ điều trị  nhưng trẻ tử vong lúc 10h ngày 10/1.

Ngay sau khi nhận được thông báo, sở Y tế Hà Nội đã tiến hành các biện pháp điều tra. Tại cơ sở tiêm chủng cho thấy, đây là cơ sở đủ điều kiện thực hành tiêm chủng theo đúng quy định bộ Y tế. Hệ thống tiếp nhận, bảo quản, vắc-xin tại trạm Y tế xã Cần Kiệm thực hiện đúng quy định.

Bộ Y tế đã có công điện gửi các Giám đốc sở Y tế các tỉnh thành

Liên quan các ca tử vong sau tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBe Five, Zing.vn thông tin để bảo đảm tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao, mới đây, bộ Y tế đã có công điện gửi các Giám đốc sở Y tế các tỉnh thành về vấn đề này.

Sức khỏe - Thông tin mới nhất về vụ trẻ tử vong sau tiêm vắc xin 5 trong 1
Bộ Y tế đã có công điện gửi các Giám đốc sở Y tế các tỉnh thành về vấn đề tiêm chủng mở rộng.

Về việc triển khai ComBe Five trên toàn quốc, theo thông tin từ cục Y tế Dự phòng (bộ Y tế), đến ngày 9/1, đã có 131.171 trẻ được tiêm chủng vắc xin này. Ngoài phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc… với tỷ lệ khoảng 2,5%. Đồng thời cũng đã ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật ở một số địa phương với tỷ lệ khoảng 0,05%, các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị. Đây là vắc xin do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất có thành phần tương tự để thay thế vắc xin Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Trước tình hình này, bộ Y tế yêu cầu tổ chức tập huấn ngay cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng cũng như cán bộ y tế tuyến huyện chưa được tập huấn hoặc đã được tập huấn nhưng chưa thuần thục về khám sàng lọc, đặc biệt xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng. Bộ Y tế chỉ đạo chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng, tất cả cơ sở phải có phác đồ xử trí phản vệ và được treo tại điểm tiêm chủng.

Ngoài ra, các địa phương cần cử cán bộ có trình độ chuyên môn hợp lý từ tuyến trên xuống tăng cường cho các trạm Y tế xã, phường trong việc khám sàng lọc, cấp cứu và xử trí sau tiêm chủng, đặc biệt là những cơ sở không có bác sĩ hoặc xã, phường khó khăn.

Phong Linh (tổng hợp)

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button