Thư từ đất nước Hồi giáo Indonesia: Tết và những niềm nhớ…

 

Tác giả là một phụ nữ Việt, do công việc nên xa Việt Nam đằng đẵng. Tết Nguyên đán đến, chị hái lá dong tự trồng trong vườn rồi đi chợ mua nguyên liệu và gia vị để gói và nấu bánh chưng, rồi mua và cắm hoa, đi chùa…, để Tết không chỉ thuần là nỗi nhớ. Lối kể của chị tỉ mỉ, đầy ắp chi tiết – một đặc trưng trong tính cách của phụ nữ Á đông cổ điển, để lại dư vị xúc cảm cho người đọc.

Khi gói ghém vai li và dắt hai con trai nhỏ theo chồng đi công tác, bỏ lại công việc yêu thích cùng những người thân, bạn bè đang ríu rít hàng ngày, tôi không bao giờ nghĩ mình lại “đi một mạch” thế này.

Ban đầu nhiệm kỳ công tác của chồng tôi là 3 năm, rồi tiếp tục kéo dài, ký lại hợp đồng, thoáng đấy mà ngoảnh lại đã 13 năm trôi qua… Chồng tôi làm việc cho một tổ chức ngoại giao đa phương ở Jakarta, trường học của các con tôi cũng chỉ cho nghỉ 1 ngày mùng Một Tết.

Và chúng tôi đã cùng đón 13 cái tết xa nhà tại đất nước Hồi giáo Indonesia này.

Tết bao giờ cũng là thời điểm nhớ nhà nhất, không chỉ nhớ cha mẹ, người thân, bạn bè, mà tôi nhớ cái không khí, những âm thanh, tiếng rao bán muối đầu năm…, và cả “mùi” của Tết.

Thời tiết ở Indonesia khác hẳn với miền Bắc Việt Nam, với Hạ Long quê hương của tôi, vì  chỉ hai mùa mưa nắng nối nhau là đã qua một năm mới. Mùa mưa ở đây kéo dài từ tháng Mười đến tháng Tư hằng năm. Tết Nguyên đán thường rơi vào cao điểm mùa mưa. Những cơn mưa chiều chợt đến chợt đi, ào ào xối xả rồi tạnh khô ngay được. Vậy mà thật kỳ lạ là có nhiều năm đúng vào thời điểm giao thừa, hay mùng Một Tết, trời như thấu hiểu lòng dạ những người con xa xứ hay sao, mà chợt mưa phùn, se se mát, gần giống với tiết xuân ở nhà. Những khung cảnh ấy làm ta thêm bâng khuâng lắm và rưng rưng nhớ…

Nhớ cánh đào hồng tươi trong giá rét, những đọt mầm non đỏ nảy lên sức sống trong làn mưa xuân, nhớ mùi thơm quánh quyện của nồi bánh chưng lan tỏa trong lao xao tiến nói cười thân thương…

Kể làm sao hết những niềm nhớ?

Năm đầu ăn Tết xa nhà, thấy ở đây có những cây dong riềng nhưng có lá to và tròn hơn ở Việt Nam, mừng quá, vợ chồng tôi đi xin về. Trong vườn nhà tôi thuê để ở có sẵn mấy gốc tre của chủ nhà, thế là có lạt, có lá dong, những thứ tưởng chừng khó kiếm nơi đất khách quê người để cả nhà cùng gói bánh chưng. Chúng tôi mong các con hiểu biết nhiều hơn về phong tục Tết truyền thống của dân tộc. Ngồi quanh nồi bánh chưng thơm mùi quê hương, cảm giác thật bình yên và ấm áp…

Những năm sau này, tôi đi xin cây dong về trồng trong vườn nhà cùng với các loại rau xanh khác để lại được tự tay làm những chiếc bánh chưng mang đậm hồn Việt mỗi dịp Tết đến xuân về…

Một khu chợ của người Hoa

Ở Thủ đô của một đất nước Hồi giáo, chị em người Việt chúng tôi đã tìm được một khu chợ của người Hoa, nơi có thể mua được rất nhiều thứ cần thiết mà không có bán ở đâu khác. Nhất là những nguyên liệu và gia vị để nấu các món ăn Việt. Ngày thường thì vài tuần một lần, chúng tôi lại rủ nhau đi một chuyến, mua dự trữ đồ ăn và gia vị để nấu những món ăn thân thuộc. Ở đây, nếu muốn ăn các món chuẩn vị Việt thì phải chịu khó tự nấu vì hương vị của các món ở nhà hàng Việt Nam đều bị “bay đi ít nhiều” và đặc biệt khác xa vị của các món ăn miền Bắc.

Trong những ngày giáp Tết, khu chợ này đặc biệt đông đúc và sầm uất, cảnh mua bán và những món đồ ở đây mang lại cho chúng tôi chút không khí gần giống với Tết ở Việt Nam. Chợ bán từ phong bao mừng tuổi, đồ trang trí nhà cửa ngày tết, hình con vật biểu trưng của năm Âm lịch, đến đồ thờ, lễ, thậm chí có cả pháo nổ và pháo hoa được bày bán (vì luật pháp Indonesia không cấm đốt pháo)… Về hoa và cây cảnh thì không thể bằng ở Hà Nội, hoa tươi ở đây không đẹp bằng và không nhiều chủng loại phong phú như ở Việt Nam. Cũng chỉ có ít cây quất được bày bán với giá có khi gấp 10 lần giá ở Việt Nam. Tất nhiên là hoa đào thì tuyệt nhiên không có, nên chỉ là niềm ao ước…

Tết cộng đồng ở Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia

Thời điểm đúng chất, đúng vị Tết ở đây là ngày Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Jakarta tổ chức Tết cộng đồng và chúng tôi được sum họp với những Việt kiều, những người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ở Indonesia, được nghe những giai điệu quê hương và thưởng thức những món ăn đặc trưng truyền thống trong mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc. Những lời thăm hỏi, những câu chúc Tết, tình cảm của những người con đất Việt xa quê, hơn lúc nào hết gắn quyện và đáng quý.

Một điều may mắn nữa là ở đây có vài ngôi chùa, và tôi cùng các gia đình người Việt thường không hẹn cũng gặp nhau sáng mùng Một Tết, ở ngôi chùa gần trung tâm thành phố. Chùa được xây dựng từ gần 100 năm trước và do một vị sư người Thái Lan trụ trì, nên lâu nay chúng tôi quen gọi là chùa Thái.

Tới chùa sáng đầu năm, thắp lên những nén hương thơm ngát, chúng tôi cầu mong một năm mới sẽ mang đến cho mọi nhà sự bình an, sung túc và an khang thịnh vượng…/.

Vân Vy

 

Theo: Nguoiduatin.vn

Back to top button