新闻和攻略News and introduction

Tin tức Đời sống 5/11: Nguy cơ tử vong sớm tăng 34% nếu điều này xảy ra nơi phòng ngủ – Sukien24h.vn

Tin tức Đời sống 5/11: Nguy cơ tử vong sớm tăng 34% nếu điều này xảy ra nơi phòng ngủ

Tin tức Đời sống 5/11: Nguy cơ tử vong sớm tăng 34% nếu điều này xảy ra nơi phòng ngủ

Cập nhật tin tức đời sống ngày 5/11: Nguy cơ tử vong sớm tăng 34% nếu điều này xảy ra nơi phòng ngủ; Nguy cơ biến chứng từ các sản phẩm peel da quảng cáo trên mạng xã hội…

Nguy cơ “đoản thọ” tăng 34% nếu điều này xảy ra nơi phòng ngủ

Viết trên tạp chí khoa học PNAS, một nhóm nghiên cứu từ Úc và Mỹ cảnh báo rằng nguy cơ tử vong sớm có thể tăng từ 21% – 34% ở những người tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng ban đêm.

Kết quả này được đưa ra sau cuộc phân tích 13 triệu giờ dữ liệu, được thu thập từ 89.000 tình nguyện viên thông qua một cảm biến ánh sáng mà họ được yêu cầu mang.

Các tình nguyện viên cũng được theo dõi trong vòng 8 năm và ghi nhận các trường hợp tử vong.

Trái lại với ánh sáng ban đêm, việc tiếp xúc với nhiều ánh sáng ban ngày lại giúp giảm được nguy cơ tử vong sớm 17% – 34%.

GS Sean Cain, chuyên gia về giấc ngủ tại Đại học Flinders (Úc), đồng tác giả chính, giải thích rằng việc tiếp xúc với đêm sáng hơn và ngày tối hơn có thể phá vỡ nhịp sinh học của chúng ta.

“Sự phá vỡ này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau bao gồm tiểu đường, béo phì, bệnh tim mạch, các vấn đề về sức khỏe tâm thần… và làm tăng nguy cơ tử vong” – tờ SciTech Daily dẫn lờn GS Cain.

PGS Andrew Phillips từ Đại học Flinders, đồng tác giả chính, cho biết việc tiếp xúc với ánh sáng ban đêm có thể làm gián đoạn nhịp sinh học bằng cách thay đổi thời gian và làm suy yếu tín hiệu của “máy tạo nhịp” trung tâm điều phối nhịp sinh học trên khắp cơ thể.

Trước đó, nhiều nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra tác hại của các kiểu chiếu sáng “trái giờ” khác nhau lên giấc ngủ cũng như nguy cơ mắc các bệnh mạn tính khác nhau.

Bên cạnh đó, ánh sáng gây hại không chỉ đến từ việc bạn thức quá khuya với các thiết bị điện tử để làm việc, giải trí, mà còn là sự nhiễu sáng nơi phòng ngủ của bạn.

Các biện pháp đơn giản có thể giúp bạn đẩy lùi những nguy cơ nói trên, ví dụ đừng quên tắt đèn – bao gồm đèn ngủ – trước khi ngủ hay chọn rèm cửa đủ dày nếu bạn sống ở các thành phố lớn, ánh sáng mạnh có thể hắt qua cửa sổ.

Nguy cơ biến chứng từ các sản phẩm peel da quảng cáo trên mạng xã hội

Một tài khoản trên mạng xã hội TitTok quảng cáo về sản phẩm được nhập từ Hàn Quốc có khả năng “đánh bay mọi mảng nám lâu năm trên da mặt”. Theo đó, tài khoản này đưa ra hình ảnh một phụ nữ được bôi một lớp dung dịch lên mặt, sau khi dung dịch khô, da có màu sậm đen như cháy nắng và được một người khác dùng nhíp lột lớp da ngoài để lộ phần da non mỏng, căng, trắng hồng. Tuy nhiên, theo bác sĩ, các sản phẩm trong quảng cáo trên thực chất là peel da sâu bằng hóa chất sẽ gây ăn mòn da, bỏng, nhiễm trùng, sẹo, giảm sắc tố da.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thảo Hiền, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, peel hay còn gọi là lột da bằng hóa chất nhằm mục đích bao gồm: Tẩy tế bào chết, điều trị các bệnh lý về da hoặc vấn đề thẩm mỹ của da như mụn trứng cá, thâm mụn, sẹo mụn, lỗ chân lông to, sạm da, tẩy tế bào chết… Thủ thuật peel phụ thuộc vào tình trạng da, tính chất của da để lựa chọn hoạt chất và nồng độ phù hợp.

Nếu người dân chủ quan tự peel ở nhà cũng như sử dụng không đúng hoạt chất và nồng độ có thể dẫn đến tổn thương trên da, gây bong tróc, mụn nước, bóng nước; nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Nếu không đến bệnh viện kịp thời, người bệnh có thể bị để lại sẹo và khó phục hồi lại làn da ban đầu.

Tin tức Đời sống 5/11: Nguy cơ tử vong sớm tăng 34% nếu điều này xảy ra nơi phòng ngủ- Ảnh 1.

Sản phẩm được quảng cáo trên mạng khẳng định “đánh bay mọi mảng nám lâu năm trên mặt”.

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích cũng cho biết, bản thân phương pháp này đã có nguy cơ cao gây biến chứng. Khi thực hiện tại nhà hoặc các thẩm mỹ viện không uy tín, mối nguy cơ này sẽ tăng gấp nhiều lần. Chẳng hạn, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, thành phần hoạt chất, nồng độ, lưu hóa chất quá lâu trên da, không trung hòa axit kịp thời… khiến axit mài mòn da quá mức gây tổn thương sâu, bỏng da, tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm nấm, để lại sẹo xấu, tăng sắc tố, nặng hơn là hủy mô dưới da, thậm chí có thể gây sốc do đau, do bỏng hóa chất, gây rối loạn huyết động học. Tỷ lệ rối loạn nhịp tim khi peel da bằng axit khoảng 6,6%.

Trong thời gian qua, tại khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Tp.HCM đã tiếp nhận hàng chục trường hợp tới điều trị do bị tai biến bằng các phương pháp peel da, lột da làm đẹp tại nhà hoặc cơ sở thẩm mỹ. Điểm chung của người bệnh sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần.

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích khuyến cáo, dịp cuối năm, nhu cầu làm đẹp tăng cao, phụ nữ nên cẩn trọng khi chọn các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc da trên thị trường. Bất kỳ quy trình peel da nào cũng cần được bác sĩ chuyên khoa da liễu khám để xác định tình trạng, chọn hóa chất hoặc dùng phương pháp khác phù hợp. Không nên tự peel da tại nhà, nhất là người có da nhạy cảm. Sau khi peel, nếu da bị mẩn đỏ, sưng… người bệnh cần đi khám để điều trị kịp thời, tránh tổn thương nặng hơn, khó phục hồi.

Cảnh giác trước chất cấm trong thực phẩm giảm cân

Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã liên tục phát đi cảnh báo về việc phát hiện các chất cấm nguy hiểm trong thực phẩm giảm cân.

Điển hình, Cục An toàn thực phẩm mới nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Tigi Max Plus có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein. Đây là viên uống giảm cân nhanh giúp đào thải mỡ thừa cấp tốc có số lô sản xuất: 0001; ngày sản xuất: 20-1-2023; hạn sử dụng: 19-1-2026; số đăng ký sản phẩm là 11127/2020, hộp 3 vỉ x 10 viên do Công ty cổ phần Bigfa (Khu công nghiệp Lương Sơn, Km36-QL6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) sản xuất; doanh nghiệp chịu trách nhiệm về sản phẩm là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Bảo An Luxury (thôn Cầu Giát, xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Theo Cục An toàn thực phẩm, chất cấm phát hiện trong sản phẩm này là Sibutramine với hàm lượng 6,67 mg/g (3,04 mg/g) và Phenolphtalein là 6,89 mg/g (3,13 mg/viên).

Trước đó, bệnh nhân nữ P.T.H (26 tuổi ở Hà Nội) bị mất thị lực, tổn thương não do ngộ độc chất cấm Sibutramine có trong sản phẩm Detox Táo. Qua tra cứu dữ liệu, Cục An toàn thực phẩm chưa cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho sản phẩm này. Theo kết quả phân tích của Viện Pháp y quốc gia, sản phẩm này có chứa Sibutramine là chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm chức năng giảm cân do chứa chất Sibutramine. Đặc biệt, chất cấm này còn được đưa vào cà phê giảm cân và quảng cáo tràn lan trên mạng.

Sibutramine có khả năng giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giảm cân, nhưng là chất gây nguy cơ tổn thương não, đột quỵ… nên cả Mỹ và châu Âu đã ngừng sử dụng từ năm 2010. Tại Việt Nam, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cũng đã ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và tiến hành thu hồi các sản phẩm chứa chất cấm này. Cục Quản lý dược cũng rút số đăng ký của tất cả các thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine.

Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số nhà sản xuất bất chấp đạo đức kinh doanh, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng, lén lút cho chất cấm này vào thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng. Nhiều người sau khi sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc giảm cân cấp tốc đã gặp họa khi có dấu hiệu suy thận, ngộ độc, đau tim, đột quỵ, tử vong…

Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, thực phẩm chức năng giảm cân nói riêng và thực phẩm chức năng nói chung, nếu được quảng cáo “thần thánh hóa” thì càng hết sức cẩn trọng. Bởi những thực phẩm trôi nổi này có thể trộn nhiều chất không rõ thành phần, thậm chí cả chất cấm không được sử dụng trên người. Do đó, người dân cần phải tỉnh táo khi mua và sử dụng.

Còn theo Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành; tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát được quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội…

Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng khi mua những sản phẩm giảm cân bán trực tuyến hoặc xách tay… vì không thể chắc chắn những sản phẩm này được sản xuất ở đâu và chất lượng như thế nào.

Theo nguoiduatin.vn

Back to top button