Ung thư vú: Căn bệnh ngày càng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân chưa có gia đình
Tại bệnh viện K, không ít bệnh nhân ung thư vú có tuổi đời còn rất trẻ. Theo bác sĩ Lê Thanh Đức, người trẻ mắc ung thư vú có tốc độ sinh sôi tế bào mạnh hơn, độ ác tính cao hơn, tỷ lệ tái phát cao hơn, thời gian giữ được ổn định ngắn hơn.
Nhiều thiếu nữ chưa chồng mắc ung thư vú
TS.BS Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội 5 – Bệnh viện K thông tin với báo An ninh Thủ đô, mới đây khoa tiếp nhận bệnh nhân Ánh T., mới 22 tuổi, quê Nam Định vào điều trị do phát hiện ung thư vú ở giai đoạn cuối. Đây là một trường hợp rất đáng tiếc vì cô gái trẻ đang là sinh viên đại học và phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn nên khả năng điều trị rất khó khăn.
Theo bác sĩ Đức, tháng 8/2017, khi đang là sinh viên năm thứ 3, Ánh T. đi viện khám vì thấy đau, tức ngực không rõ nguyên nhân. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng, bác sĩ đã kết luận T. bị ung thư vú phải đã di căn đến gan, hiện bệnh nhân đã ở giai đoạn 4 của ung thư vú.
Một trường hợp khác là bệnh nhân Hồ Anh V., đang học đại học năm thứ 2, cũng bị ung thư vú giai đoạn 2B sau khi đi khám vì triệu chứng đau nhói mơ hồ và sờ thấy hạch ở ngực. Hiện tại, bệnh nhân V. đang xạ trị tại bệnh viện K được 6 tháng. Bác sĩ Lê Thanh Đức cho biết, may mắn hơn so với Ánh T. là bệnh nhân V. đến bệnh viện được phát hiện bệnh sớm hơn, khối u vú chưa di căn.
Báo Vietnamnet đưa tin, Nguyễn Minh Thùy (18 tuổi, Hà Nội) vừa tốt nghiệp xong cấp 3 đột nhiên phát hiện một bên vú nổi u cục bất thường. Khi được mẹ dẫn đến khám tại bệnh viện K, cô gái trẻ sững sờ khi nghe bác sĩ thông báo mắc ung thư vú giai đoạn 2. Cả tương lai tưởng chừng như sụp đổ trước mắt.
Theo thống kê trên thế giới, tuổi càng cao, khả năng mắc ung thư vú càng lớn, trong đó dưới 10% ung thư vú xảy ra trước tuổi 40, 25% xảy ra trước tuổi 50 và trên 50% xảy ra sau 50 tuổi.
Trong y văn thế giới, từng ghi nhận những ca mắc ung thư rất sớm, tuy nhiên độ tuổi dưới 20 rất hiếm. Ngoài trường hợp như cô gái trẻ nói trên, bệnh viện K cũng điều trị cho không ít bệnh nhân ung thư vú mới 20-22 tuổi và nhiều ca 25-28 tuổi.
Tuy nhiên, TS. Đức cho biết, so với các bệnh nhân lớn tuổi, ung thư vú ở người trẻ tiên lượng không tốt bằng và đến nay các nghiên cứu vẫn chưa lý giải được. Trong đó tốc độ sinh sôi tế bào mạnh hơn, độ ác tính cao hơn, tỷ lệ tái phát cao hơn, thời gian giữ được ổn định ngắn hơn.
Đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân trực tiếp gây ung thư vú nhưng đã tìm thấy những mối liên hệ chặt chẽ giữa các yếu tố từ môi trường cũng như nội tại cơ thể với ung thư vú (yếu tố nguy cơ ngoại sinh và yếu tố nguy cơ nội sinh).
Trong đó, 80% ung thư nói chung cũng như ung thư vú liên quan trực tiếp với các yếu tố ngoại sinh, đặc biệt là môi trường sống. Tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư vú cao ở các nước phát triển là một minh chứng.
Ung thư vú là bệnh dễ phát hiện sớm nhất
Theo thông tin của bệnh viện K, ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, theo báo cáo của các trung tâm ghi nhận ung thư, năm 2018 có 164.671 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 15.229 ca (9,2%).
Trong 5 loại ung thư hay gặp nhất ở nữ giới, ung thư vú đứng vị trí đầu bảng với 43,1/100.000 dân, với tỷ lệ tử vong 12,9/100.000 dân. Tiếp đến là ung thư đại trực tràng, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi, ung thư tử cung.
Trong các loại ung thư ở nữ giới, ung thư vú, cổ tử cung đều có thể sàng lọc và phát hiện sớm. Đặc biệt là với ung thư vú là bệnh dễ phát hiện sớm nhất, là vì bệnh nhân tự sờ thấy được.
Ung thư vú có thể kiểm soát tốt. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú có thể sống sau 5 năm lên đến hơn 90% nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Tuy nhiên tỷ lệ bệnh nhân phát hiện ra bệnh ở giai đoạn muộn là rất cao, ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị ung thư vú nói chung. Tự khám vú tại nhà là một bước quan trọng, góp phần phát hiện sớm ung thư vú.
Phương pháp bệnh nhân tự khám vú
Theo Infonet, phương pháp bệnh nhân tự khám vú được phổ biến rộng rãi cho phụ nữ, bởi vì đây là phương pháp có hiệu quả nhất góp phần phát hiện sớm ung thư vú. Phụ nữ cần phải tiến hành phương pháp BSE hàng tháng, bắt đầu từ 7 – 10 ngày sau khi sạch kinh. Nếu chưa có kinh nguyệt thì cần phải tiến hành khám vú vào cùng một ngày nhất định trong tháng.
Đầu tiên, bệnh nhân cần quan sát vú trước gương:
Đứng ngay ngắn trước gương, cởi trần tới ngang thắt lưng để quan sát kỹ và tỉ mỉ từng vú riêng biệt. Cần chú ý tới kích thước, hình dạng, màu sắc, các đường viền, vị trí và hướng của vú cũng như của núm vú.
Giơ hai tay lên cao quá đầu và quay nghiêng, rồi từ từ hạ tay từng bên một xuống để quan sát các đường viền của vú.
Chống hai tay vào mạng sườn và vươn hai vai ra phía trước để quan sát và phát hiện những chỗ da bị lúm xuống hoặc nhăn lại. Kiểm tra tình trạng tiết dịch và phát hiện những thay đổi về kích thước, hình dáng hay màu sắc của hai núm vú.
Tiếp theo, bệnh nhân tự khám vú bằng cách sờ nắn vú:
Đứng ngay ngắn trước gương. Dùng bàn tay trái để khám vú phải và ngược lại. Để cho tuyến vú trượt giữa hai bình diện là lòng bàn tay dùng để khám và thành ngực của bệnh nhân. Cần ép với một lực không đổi lên từng vùng nhỏ của da theo một quy luật nhất định (từ trên xuống dưới, từ sau ra trước hay khám theo hình nan hoa…), đổi tay và lại làm tương tự như vậy ở vú bên đối diện.
Nằm xuống trên một mặt phẳng, kê gối ở bên vai có vú đang khám. Dùng lòng bàn tay và các ngón tay duỗi thẳng để khám mặt ngoài của vú. Di chuyển bàn tay khám theo chiều kim đồng hồ. Đưa cánh tay bên vú đang khám lên trên đầu và tiếp tục khám dọc theo phần trên của xương đòn và vùng nách. Lặp lại cách làm như vậy đối với vú bên kia.
Nếu vú quá to thì cần sử dụng cả hai tay để khám: Dùng một bàn tay để nâng vú lên và dùng bàn tay kia để khám mặt trên của vú.
Phong Linh (tổng hợp)
Theo : Nguoiduatin.vn