Vụ án nữ sinh giao gà: Người cha ít xuất hiện và nỗi buồn người đánh án
Vụ án nữ sinh giao gà bị sát hại ban đầu chỉ là tin trình báo mất tích nhưng sau đó đã trở thành vụ án ly kỳ càng điều tra, vụ án càng nảy sinh những bí ẩn, thắc mắc.
Liên quan đến vụ án nữ sinh Cao Mỹ D (SN 1997) bị sát hại khi đi giao gà dịp Tết, ngày 25/5, Công an tỉnh Điện Biên đã khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Trần Thị Hiền (44 tuổi, trú tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Bà Hiền chính là mẹ của nạn nhân Cao Mỹ D, và cũng được xác định là một mắt xích quan trọng trong đường dây ma túy ở Điện Biên.
Xung quanh vấn đề này, dư luận lại xôn xao đặt ra câu hỏi, vì sao bố nữ sinh giao gà ở Điện Biên chưa bao giờ xuất hiện kể từ khi con gái bị sát hại? Mới đây, bức ảnh bà Trần Thị Hiền chụp chung với một người đàn ông nghi là bố của nữ sinh này lại gây xôn xao dư luận.
Theo chia sẻ của ông Vì Văn Biến (Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) trên báo Thanh niên, bố nạn nhân Cao Thị Mỹ D. là ông Cao Hường (44 tuổi, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên). Ông Hường nghiện ma tuý nhiều năm nay và đang trong diện bị quản lý. Người này từng có thời gian đi làm xa, vài năm nay mới trở về quê rồi ít ra khỏi nhà.
Cũng liên quan đến vấn đề bố của nữ sinh giao gà ở Điện Biên, dư luận lại đặt câu hỏi, ông này chỉ là nghiện nặng hay có liên quan gì đến các phi vụ má túy hay không? PV Vietnamnet cũng đã trực tiếp đặt câu hỏi: “Chồng bà Hiền cũng là đối tượng nghiện ma túy, vậy cơ quan điều tra có khoanh vùng đối tượng này đề xem xét không?”.
Thiếu tướng Sùng A Hồng – Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho rằng: “Tất cả những việc ấy không ai nói trước được. Những cái tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập được sẽ chứng minh một người nào đó có liên quan hay không liên quan”.
Được biết, bố của nữ sinh giao gà ở Điện Biên và bà Hiền sinh được 2 con gái. Ngoài nữ sinh D. thì còn có chị gái đã học xong đại học, hiện đang ở nhà. Kinh tế gia đình bà Hiền chủ yếu dựa vào nông nghiệp là làm long nhãn, nuôi gà đem bán. Tuy nhiên, thời gian gần đây gia đình bà Hiền giàu lên bất thường, xây nhà to, sắm sửa nhiều đồ đạc, giàu nhất nhì ở địa bàn xã.
Nỗi buồn người đánh án
Ở giai đoạn 1 của chuyên án, sau khi bắt giữ được 5 bị can là Vương Văn Hùng, Lường Văn Lả, Bùi Văn Công, Phạm Văn Nhiệm và Lường Văn Hùng, Công an tỉnh Điện Biên đã tổ chức gặp mặt thông tin về vụ án cho báo chí.
Tại buổi gặp mặt, để kịp thời động viên, khen thưởng cán bộ chiến sĩ tham gia chuyên án, UBND tỉnh và Ban Giám đốc Công an tỉnh đã thưởng nóng một số tập thể, cá nhân. Tuy nhiên, dư luận khi đó cho rằng lực lượng tham gia phá án là “tung hoa lên nỗi đau” nạn nhân. Điều này khiến những người trực tiếp làm án rất buồn.
Thời điểm đó, thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh, đã khẳng định việc khen thưởng là để động viên những cán bộ chiến sĩ đã không có ngày Tết để điều tra phá án. Đây là vụ án hết sức phức tạp, công tác điều tra còn đang tiếp tục…
Tuy nhiên, những “bật mí” của tướng Hồng không thể làm “nguội” dư luận với những “anh hùng bàn phím” đang rầm rộ dạy công an phá án.
Được biết, các trinh sát phải ngày đêm bám địa bàn. Ban ngày “săn” thông tin, tối đến lại thay nhau đấu tranh với các đối tượng nghi vấn, họp án, khớp nối, xâu chuỗi, chắt lọc các tình tiết, manh mối thu thập được.
Khoanh vùng được nghi phạm, cảnh sát lại bí mật bám sát đề phòng họ bỏ trốn và tiếp tục củng cố chứng cứ để chứng minh hành vi. Chính vì áp lực của vụ án, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều không về nhà.
Đại tá Trần Văn Tình (Trưởng phòng kỹ thuật hình sự – Công an tỉnh Điện Biên) có hơn 30 năm trong ngành công an thì chừng ấy năm anh làm công tác tiếp xúc với các tử thi. Cứng rắn như anh cũng phải rơi nước mắt lúc thắp hương khai quật tử thi Cao Mỹ Duyên.
“Việc khai quật tử thi nạn nhân cũng là việc cực chẳng đã. Bởi trong thời gian các bị can bắt giữ nạn nhân, mặc dù chúng thay nhau hãm hiếp nhưng chúng vẫn cho nạn nhân ăn uống, tắm rửa. Chính vì thế nhiều dấu vết đã bị trôi đi hoặc rất mờ. Để củng cố chứng cứ từ các vấn đề nảy sinh, chứng minh hành vi phạm tội và vai trò của từng tên, cơ quan điều tra phải tiến hành khai quật tử thi khám nghiệm tìm thêm dấu vết có liên quan khác…”, đại tá Tình chia sẻ.
Người trong nghề đều hiểu, điều tra phá án phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc nghiệp vụ, trong đó bí mật phải là yếu tố đầu tiên. Thời điểm đó, việc bắt giữ các nghi phạm mới chỉ là bắt đầu. Để buộc tội được chúng, phải có đầy đủ tang chứng, vật chứng và các tài liệu vật chất khác, không chỉ căn cứ vào lời khai.
Phó ban chuyên án, thượng tá Dương Quốc Hoàn (Trưởng phòng cảnh sát hình sự – Công an tỉnh Điện Biên) là người rất kiệm lời và nguyên tắc trong công tác nghiệp vụ. Trong “cơn bão” dư luận đánh giá sai về công an tỉnh Điện Biên khi đó, ông cũng chỉ nhỏ nhẹ khi tôi hỏi: “Rất buồn nhưng việc của chúng tôi là điều tra, làm rõ hung thủ. Vụ án chưa dừng ở đây. Không ai muốn xảy ra án để đi điều tra nhưng chắc chắn chúng tôi phải làm rõ, bắt tội phạm phải trả giá cho tội ác chúng gây ra. Và nói thật với anh, sự thật sẽ còn phũ phàng, càng làm sáng tỏ, chúng tôi càng buồn hơn”.
Khi ấy, bằng mẫn cảm trong nghề, tôi hiểu ẩn ý đằng sau lời nói của Trưởng phòng cảnh sát hình sự miền biên viễn này là một kế hoạch mới đang được các anh triển khai. Có thể sẽ có một mẻ lưới lớn với những “con cá” to.
Và quả đúng như vậy. Nhưng đúng như những gì anh đã trải lòng, hiếm có vụ án nào làm sáng tỏ động cơ gây án, bắt giữ được hung thủ nhưng tâm trạng ai cũng trĩu nặng với những nỗi buồn nhân thế…
Quốc Tiệp (tổng hợp)
Theo: nguoiduatin.vn