Điểm thi tuyển sinh vào lớp 10: Ngoại ngữ rớt thảm, Lịch sử thăng hoa
Tổng hợp điểm các môn thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 của TP.Hồ Chí Minh và TP.Hà Nội cho thấy điểm thi Tiếng Anh thấp đến giật mình. Trong khi đó, thí sinh thi môn Lịch sử hẳn đều vui lòng vì điểm thi cao chót vót.
- Sở GD&ĐT Nghệ An giải thích ra sao việc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 “trùng” kỳ thi lớp
- Sở GD&ĐT Đà Nẵng ra quyết định sốc trước giờ G tuyển sinh lớp 10: Vì đâu nên nỗi?
- Cách tra cứu điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2019
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã kết thúc, các thí sinh đã biết điểm thi của mình. Sau khi hai sở GD-ĐT TP.Hò Chí Minh và Hà Nội công bố điểm thi, chuyên trang HOCMAI đã có những phân tích về phổ điểm thi năm nay.
Cụ thể, căn cứ theo số liệu bảng điểm thi vào 10 năm học 2019-2020 được công bố của Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh, phổ điểm môn Ngữ văn có sự thay đổi nhưng không nhiều so với năm 2018. Điểm số có lượng thí sinh đạt được nhiều nhất là điểm 7.
So với năm 2018, tỷ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình năm 2019 tăng từ khoảng 86% lên 94%, tăng 8%. Tuy nhiên không có học sinh đạt điểm 9,5 như năm ngoái. Tỷ lệ học sinh đạt điểm từ 7 – 8 chiếm tỷ trọng cao nhất. Tỷ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình rất thấp chỉ chiếm 5,32%.
Đề thi Ngữ văn năm 2019 vẫn theo chiều hướng đổi mới, giảm nhẹ các câu hỏi mang tính lý thuyết, học thuộc, gia tăng các câu hỏi gắn liền với cuộc sống đồng thời vẫn cho phép thí sinh thể hiện được quan điểm cá nhân, năng lực cảm thụ các tác phẩm văn chương.
Chính vì vậy, đa phần các em học sinh đạt yêu cầu của đề thi. Nhưng để có một bài làm sâu sắc thì không phải đối tượng học sinh nào cũng có thể làm được khiến cho tỷ lệ học sinh đạt điểm từ 8.5 – 9 trở lên không nhiều.
Trong khi đó, căn cứ theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TP.Hồ Chí Minh, phổ điểm môn Toán không có sự thay đổi nhiều so với năm 2018. Điểm số có lượng thí sinh đạt nhất là điểm 5,25. So với năm 2018, tỷ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình năm 2019 tăng từ 48,77% lên 50,4%, tăng khoảng 1,63%.
Số thí sinh đạt điểm 10 ít hơn so với năm ngoái nhưng vẫn có số lượng lớn lên tới 228 điểm 10 (nhiều hơn hẳn so với môn Ngữ văn với 0 điểm 10 và môn Ngoại ngữ với 56 điểm 10). Tuy nhiên, có trên 50% số học sinh đạt điểm trên trung bình. Đây có thể xem là tín hiệu mừng cho các thí sinh.
Về môn thi Ngoại ngữ, nhìn vào bảng điểm thi lên lớp 10 vừa được Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh công bố, thì phổ điểm lệch hẳn sang trái.
Trong 79.598 bài thi chỉ có 56 thí sinh đạt điểm 10, điểm nhiều nhất là 2,75, có đến 58,27% bài thi đạt điểm dưới trung bình.
TP.Hồ Chí Minh luôn được đánh giá là khu vực có sự đầu tư về trang thiết bị và trình độ giáo viên ngoại ngữ cao so với mặt bằng chung cả nước. Kết quả này chắc chắn khiến nhiều người bất ngờ.
Trong khi đó, chiều 14/6, Sở GD-ĐT TP. Hà Nội đã chính thức công bố kết quả tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020. Dựa vào kết quả thi của thí sinh, phổ điểm môn Ngữ văn không có sự thay đổi nhiều so với năm trước. Tỷ lệ học sinh đạt điểm Ngữ văn trên trung bình (lớn hơn hoặc bằng 5 điểm) chiếm 87,24%.
Điểm số có thí sinh đạt được nhiều nhất là điểm 7,5, một điểm số được nhận định là điểm số khá cao. Tỷ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình chiếm 12,76% tổng số thí sinh tham gia dự thi. Năm nay, với môn Ngữ văn, Hà Nội có 56 bài thi bị điểm 0 và không có bài thi đạt điểm 10. Tỷ lệ thí sinh đạt 9 điểm Ngữ văn trở lên chỉ chiếm 0,4%.
Thí sinh đạt điểm cao chiếm số lượng lớn với điểm trung vị là 7, điểm trung bình các bài thi là 6,6. So sánh 4 môn thi, điểm thi môn Ngữ văn cao thứ hai sau môn Lịch sử.
Về môn thi Ngoại ngữ, năm nay là năm đầu tiên Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội. Vốn được xem như một môn học thế mạnh của học sinh Hà Nội nhưng môn Tiếng Anh lại chiếm tỷ lệ điểm trên trung bình thấp nhất so với 3 môn còn lại.
Cụ thể, chỉ có 55,78% thí sinh đạt điểm trên trung bình; có tới 37.600 thí sinh (44,22%) bị điểm dưới trung bình; điểm số có nhiều thí sinh nhất là 3 và điều này khiến dư luận khá bất ngờ. Tuy nhiên đây cũng là môn thi có số thí sinh đạt nhiều điểm 10 nhất trong 4 môn thi với 1.355 thí sinh (1,59%) và chỉ có 1 thí sinh bị điểm 0.
Vì là năm đầu tiên thi Tiếng Anh nên đề thi không hề đánh đố thí sinh; ngược lại còn khá dễ thở vì có đến 80% kiểm tra các kiến thức cơ bản; không xuất hiện nhiều các câu hỏi về từ vựng. Tuy nhiên, với mức độ đề cơ bản như này, việc 44,22% số thí sinh có điểm dưới trung bình khiến chúng ta vô cùng lo ngại về trình độ Tiếng Anh của phần lớn thí sinh còn quá yếu, chưa đạt tới mức cơ bản.
Trong khi đó, đề thi Toán có cấu trúc tương tự năm 2018, dạng đề quen thuộc. Đề thi có khoảng 85% câu hỏi thuộc phần kiến thức cơ bản, 15% câu hỏi ở mức vận dụng có tính phân loại cao.
Phổ điểm môn Toán của thí sinh khu vực TP.Hà Nội không có sự thay đổi nhiều so với năm 2018. Điểm số có lượng thí sinh đạt nhất là điểm 6,5. Điểm trung bình là 6,12.
Trong số 85.036 thí sinh thi vào lớp 10 năm học 2019-2020 của toàn TP.Hà Nội chỉ có 26 thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Tỉ lệ thí sinh đạt điểm dưới trung bình chỉ chiếm 19,78% (16.817 thí sinh).
Đề thi năm nay có sự điều chỉnh về hình thức với một câu hình không gian – phần vốn không xuất hiện trong các năm trước. Câu hình chỉ còn ba ý (các năm trước là bốn). Tỷ lệ điểm phần Hình học/Đại số là 7/3 thay vì 6,5/3,5 như mọi năm. Tuy nhiên các dạng bài đều khá quen thuộc với học sinh do đó có trên 80% số học sinh đạt điểm từ trung bình trở lên cũng là điều dễ hiểu.
Tuy điểm thi môn Toán được đánh giá là cao song môn thi Lịch sử mới thực sự gây bất ngờ.
Theo đó, phổ điểm môn Lịch sử đạt mức cao kỉ lục trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm 2019. Trong 84.908 thí sinh dự thi có tới gần 1/4 đạt điểm từ 8 – 9 điểm, 951 điểm 10. Như vậy, gần 90% số bài thi đạt trên trung bình và không có điểm 0.
Đề thi được đánh giá là vừa sức với đại đa số học sinh. Có khoảng 10% câu hỏi vận dụng đã giúp cho 19,1% số học sinh đạt điểm 9, 10, như vậy có thể nói đề thi vẫn có tính phân loại nhưng mức độ phân loại không cao.
Đề thi không có những câu hỏi mang tính thực tiễn nên điểm thi trên đây chỉ phản ánh kiến thức mang tính sách vở chứ chưa đánh giá được khả năng vận dụng kiến thức lịch sử giải quyết vấn đề của học sinh.
Theo: nguoiduatin.vn